Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Văn học Đà Nẵng năm 2012


 Theo thông lệ, hằng năm vào khoảng trung tuần tháng 9, Liên hiệp các Hội VHNT thành phố Đà Nẵng bắt đầu tiến hành triển khai việc xét giải thưởng VHNT của các chuyên ngành. Riêng bộ môn văn học, tính đến thời điểm hiện nay, đã có 11 tác phẩm, bao gồm các thể loại: thơ (7 tác phẩm), tiểu thuyết (2 tác phẩm), chuyên luận văn học (1 tác phẩm), hồi ký (1 tác phẩm) đăng ký tham gia xét thưởng năm 2012.

Các tác phẩm đăng ký tham gia Giải thưởng văn học Đà Nẵng năm 2012.
Các tác phẩm đăng ký tham gia Giải thưởng văn học Đà Nẵng năm 2012.

Tương tự phần lớn các năm trước, số lượng tác phẩm thơ bao giờ cũng chiếm ưu thế hơn các loại hình văn học khác. Trong đó, Thơ tình Nguyễn Ngọc Hạnh (NXB Hội Nhà văn) là thi phẩm thứ tư của anh, đã được giới thiệu đình đám trong những tháng gần đây (bên cạnh việc phát hành album 16 ca khúc phổ thơ). Với tập thơ này, tác giả tiếp tục gắn bó một cách tự nguyện số phận mình với đồng quê, với những lam lũ của người nông dân, bằng tiếng nói của cái tôi hướng nội, thì thầm với chính mình. Dệt của Nguyễn Thị Anh Đào (NXB Văn Học) là tuyển tập thơ gồm 50 bài ưng ý nhất từ hàng trăm bài thơ mà tác giả đã miệt mài sáng tác trong 5 năm qua. Dệt được bạn đọc đánh giá là tập thơ khá đầy đặn với việc sử dụng ngôn từ, hình ảnh nhiều chất thơ và ẩn chứa đâu đó một tâm hồn đa cảm, đa mang. Nắng trên đồi (NXB Đà Nẵng), tập thơ mới nhất của Nguyễn Nho Khiêm (NNK). Thơ của NNK thường hướng nội và đem đến người đọc cái cảm xúc cô đơn vô tận của kiếp người. So với các tập thơ trước (Khói tỏa về trời (1994) và Bên ngoài cánh đồng (2003)), tác giả dường như đã thể hiện một khoảng cách đậm nét về những giá trị nghệ thuật và ý hướng đổi mới. Gió không xào xạc, thơ của Nguyễn Kiên (NXB Đà Nẵng) bao gồm những cảm xúc gắn liền mạch giữa tình yêu đôi lứa và tình cảm quê hương mặn nồng. Chỉ một tình yêu (NXB Đà Nẵng), tập thơ thứ 8 của Lê Huy Hạnh, không chỉ về đề tài ký ức chiến tranh – vốn là thế mạnh của tác giả, mà còn là tự sự về những tình yêu đau đớn, về nỗi cô độc mênh mông… Đặc biệt, sân chơi thi ca năm nay càng thêm phong phú, khi có sự góp mặt của hai tập thơ song ngữ: Bầy chim lạc của Tagore (NXB Đà Nẵng) do Bùi Xuân dịch từ bản tiếng Anh, và Phiên khúc sang mùa của Mai Hữu Phước (NXB Văn Học) do Thiếu Khanh dịch sang tiếng Anh.

Mảng văn xuôi, với hai tiểu thuyết khá ấn tượng: Xôn Ve của Hoàng Minh Nhân (NXB Đà Nẵng) và Uẩn khúc Truông Bò của Đỗ Xuân Đồng (NXB Hội Nhà văn).  Xôn Ve  là di cảo của Hoàng Minh Nhân, được khởi thảo từ năm 1979, sau một chuyến đi thực tế ở miền Đông Bắc Campuchia. Tác phẩm đã viết xong nhưng chưa được tác giả sửa chữa và công bố. Gần đây, sách mới được gia đình nhờ nhà thơ Thanh Quế hiệu đính lần cuối trước khi NXB Đà Nẵng ấn hành và giới thiệu cùng công chúng trong dịp kỷ niệm một năm ngày mất của ông. Đây là một trong những tác phẩm được nhận Bằng khen tại Hội nghị Nhà văn ba nước Đông Dương vừa qua.

Uẩn khúc Truông Bò được chia thành 6 chương, mà mỗi tên gọi đã ẩn chứa những nội dung rõ rệt: Lối rẽ, Chập chững, Nỗi đau thời gian, Đau đáu kiếp người, Mùi hương đắng, Thời gian không muộn. Xuyên suốt tác phẩm này, Đỗ Xuân Đồng thể hiện lối dẫn chuyện khá tự nhiên, không khiên cưỡng, gò bó mà lại gây được sự bất ngờ thú vị khi dẫn dắt người đọc đi miên man từ quá khứ đến hiện tại, từ chiến tranh đến hòa bình, từ tình yêu đến thân phận con người trong bao nhiêu biến động, thử thách, trong những tột cùng nỗi đau và hạnh phúc, trong dồn nén những yêu thương, trăn trở, chiêm nghiệm…

Như núi như sông, là tập hồi ký của Anh hùng LLVT nhân dân A Tranh (NXB Văn Học) do Lê Anh Dũng và Nguyễn Thị Thu Sương thực hiện. A Tranh cũng là nguyên mẫu của nhiều tác phẩm văn học, trong đó nổi bật là nhân vật T'nú trong tác phẩm "Rừng xà nu" của nhà văn Nguyên Ngọc.

Thu Bồn – nhà thơ trữ tình Đất Quảng, chuyên luận văn học của Nguyễn Kim Huy (NXB Đà Nẵng), là tập sách được tác giả thực hiện xuất phát từ lòng cảm phục về đời người và đời thơ của nhà thơ cùng quê hương. Qua đó, tác giả đã công phu thống kê và tìm đến những nét riêng của Thu Bồn trong việc sử dụng các thể thơ, trong ngôn ngữ và giọng điệu thơ. Đặc biệt, trong "Cái tôi trữ tình đậm đà chất Quảng", tác giả đã khéo léo khi gắn "Hồn thơ Quảng" riêng hòa cùng với nhịp đập chung của đất nước, hơi thở chung của cả thời đại.

Bằng những nỗ lực cá nhân, trong năm qua, với các tác phẩm nêu trên, các tác giả đã góp phần đem đến một bộ mặt nhộn nhịp, hứa hẹn nhiều lạc quan cho văn học Đà Nẵng. Sự đánh giá xét thưởng theo thông lệ hằng năm, từ Trung ương đến địa phuơng, trên thực tế có thể có những giá trị nhất định nào đó nhằm động viên, khích lệ trong hoạt động sáng tác. Do vậy, sau một mùa tổng kết với những tôn vinh hào nhoáng rồi nhanh chóng lãng quên, điều quan trọng hơn cả, hẳn rằng mỗi tác phẩm, mỗi tác giả còn cần phải tự khẳng định mình qua quá trình thử thách của thời gian dài lâu phía trước.

TRẦN TRUNG SÁNG



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét