Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Trung Quốc


Là một nước có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất và đông dân nhất thế giới nhưng Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với tình trạng dân số ngày một già đi. Theo ước tính của các chuyên gia dân số thì đến năm 2050, hơn một phần tư dân số nước này sẽ có độ tuổi trên 65. Đi kèm với hệ lụy này, thế hệ trẻ Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một gánh nặng chưa từng có trong việc chăm sóc thế hệ cao tuổi này.

Dân số Trung Quốc đang trong giai đoạn lão hóa nhanh kể từ năm 1949.
Dân số Trung Quốc đang trong giai đoạn lão hóa nhanh kể từ năm 1949.

Có thể nhận thấy rằng, hậu quả của việc dân số ngày càng già nua là do Chính phủ Trung Quốc đã quảng bá lối sống "muộn hơn, cách xa hơn và ít hơn" để khuyến khích người dân kết hôn muộn hơn, khoảng cách giữa hai lần sinh con cách nhau xa hơn và có ít con hơn vào cuối những năm của thập niên 1970 và đầu những năm của thập niên 1980. Bên cạnh đó, việc áp đặt chính sách "mỗi gia đình chỉ có một con" nhằm kiểm soát sự bùng nổ dân số để giúp hiện đại hóa nền kinh tế càng làm cho tỷ lệ người già tăng nhanh.

Hiện tỷ lệ sinh trung bình mỗi phụ nữ Trung Quốc là 1,6 con, thấp hơn so với tỷ lệ sinh ở các nước phát triển như Anh và Mỹ. Chính phủ Trung Quốc tin rằng, chính sách "mỗi gia đình chỉ có một con" đã ngăn chặn sự bùng nổ dân số và hạn chế được 400 triệu trường hợp sinh thêm con. Như vậy, sau một thế hệ với dân số ít hơn thì số người già ngày càng nhiều. Tuy nhiên, theo ông Cai Yong, một chuyên gia về dân số tại Đại học North Carolina của Mỹ, nếu ngay cả khi không áp dụng chính sách một con, tỷ lệ sinh ở Trung Quốc cũng giảm xuống.

Theo Ủy ban Quốc gia về người già của Trung Quốc, dân số nước này đang trong giai đoạn lão hóa nhanh nhất kể từ năm 1949. Trong suốt một thập niên qua, trung bình mỗi năm số người già ở Trung Quốc chỉ tăng thêm 3,11 triệu. Ủy ban trên cho rằng số người già ở Trung Quốc dự kiến tăng từ 160 triệu trong năm 2008 lên 200 triệu vào năm 2014. Khoảng 49,7% số người già ở các đô thị phải sống đơn độc trong những căn nhà vắng vẻ. Gần 48,9% người già ở các vùng nông thôn cũng phải sống cô đơn, do phần lớn những người ở độ tuổi lao động thường rời nhà ra thành phố tìm kiếm việc làm.

Chia sẻ với hãng tin BBC, ông Ngưu Ngọc Tiêu, 79 tuổi, một nông dân sống ở Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc cho biết: "Khi tuổi già đến, con người ta trở nên bất lực, không tự nấu nướng được, không đi lại được, thậm chí không thể tự mình đi vệ sinh". Hiện ông Tiêu sống trong một căn nhà tồi tàn cũ kỹ và lo chạy ăn từng bữa. Ông thuộc thế hệ người già không được hưởng lương hưu của chính phủ vì đã không đóng thuế khi còn đi làm. Hiện những người trẻ của những gia đình chỉ có một con cũng bắt đầu phải đối mặt với hình mẫu gia đình theo cấu trúc 4-2-1, tức là khi người con trong gia đình đến tuổi lao động, họ sẽ phải trông nom bố mẹ và bốn ông bà nội ngoại khi bố mẹ và ông bà nghỉ hưu. Như vậy, áp lực trách nhiệm đối với gia đình của thế hệ trẻ cũng ngày một tăng lên.

GIA HUY



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét