Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2012

Ngồi lại nhưng có chung tay?


Các đội bóng hãy ngồi lại với nhau, các ông bầu nên biết hợp tác chia sẻ trách nhiệm để tìm cách cứu V-League tránh khỏi bất ổn hay đổ vỡ là kêu gọi thống thiết của ông Nguyễn Trọng Hỷ, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Người đứng đầu cơ quan điều hành bóng đá nói điều này giữa lúc có nhiều đồn đoán giải  bóng đá lớn nhất nước có nguy cơ phải hoãn vì…thiếu tiền. Khủng hoảng kinh tế cùng diễn biến mới nhất liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của nhiều ông bầu khiến không ít đội bóng vốn xưa nay nương tựa quá lớn vào túi tiền của các đại gia đứng trước khó khăn về kinh phí hoạt động. Vài nhà đầu tư buộc phải tính toán lại phương thức bắt tay với bóng đá; không ít người bắn tiếng rút việc tài trợ cho các đội hoặc giảm liều lượng hợp tác với các câu lạc bộ. V-League và Giải hạng Nhất vốn từ lâu múa may, bay lượn bằng nguồn kinh phí dồi dào của các đại gia nay phải đối diện nguy cơ rụt cánh. Sự hoảng hốt là điều dễ hiểu, nhất là đối với các nhà điều hành vốn thụ động hoặc ngủ quên trên một số thành tựu bước đầu.

CLB SHB Đà Nẵng đã đoạt chức vô địch Giải Bóng đá vô địch quốc gia - Eximbank 2012. (Ảnh tư liệu)
CLB SHB Đà Nẵng đã đoạt chức vô địch Giải Bóng đá vô địch quốc gia – Eximbank 2012. (Ảnh tư liệu)

Trả lời báo chí, Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ nói rằng quy chế bóng đá chuyên nghiệp quy định mỗi câu lạc bộ bóng đá phải có vốn ban đầu từ 35 tỷ đến 40 tỷ đồng trong một mùa giải nhưng nhiều năm qua, các đội bóng thường tiêu tiền một cách vô tội vạ, thiếu kiểm soát. Họ vung tay bạt mạng đến độ có đội bóng ngốn đến cả 80 tỷ đồng cho một mùa giải. Điều này dẫn đến hệ quả mặt bằng giá cả chuyển nhượng, tiền lót tay, lương cầu thủ, các khoản thưởng bị đẩy cao khiến rối loạn. Nhiều câu lạc bộ quyết không thỏa hiệp với cảnh loạn xạ này cũng lắm lúc dao động vì nếu không chạy theo số đông thì mình sẽ lạc loài, trước hết là bị rút ruột. Sân cỏ có lúc mang hình ảnh của một trường gà, nơi người ta khoái trí với sự vung tay hãnh tiến, các động thái đánh bóng của các tay chơi hơn là chú trọng đến chất lượng chuyên môn của giải đấu.

Lỡ tiêu tiền vô tội vạ rồi, làm sao dừng lại được khi các túi tiền kia hao hụt? Mặt bằng giá cả đã bị đẩy lên cao vút, giờ làm thế nào kéo xuống để giải bóng đá vô địch quốc gia không trắc trở, hoạt động bóng đá không bị đình trệ? Bài toán này đang đặt ra bức bách trên bàn các nhà quản lý điều hành ở VFF. Ngồi lại với nhau để cùng giải là lời kêu gọi của VFF với các chủ đội bóng. Ông Hỷ kêu gọi các câu lạc bộ động viên cầu thủ chia sẻ khó khăn chung về kinh phí, chấp nhận hạ mức lương, thưởng. Cảnh vung tay sẽ không còn, tất nhiên, nhưng liệu việc điều chỉnh hợp đồng và chuyển đổi mặt bằng giá trị chuyển nhượng, thu nhập cầu thủ có diễn ra êm thắm, không làm cầu thủ sốc? Chất lượng chuyên môn các mùa giải trước được các nhà điều hành và các ông bầu tạo dựng chủ yếu bằng tiền, vậy khi đồng tiền không còn rủng rỉnh, liệu các giải đấu có trở nên đìu hiu?

Rất nhiều lo lắng, nghi ngại đặt ra trước khúc quanh mới của sân cỏ nước nhà. Những cảnh báo từ rất sớm của nhiều nhà chuyên môn có tâm huyết đã không được cơ quan điều hành bóng đá lắng nghe dẫn đến tình cảnh trái ngang lúc này. Giờ đến nước này thì lời kêu gào dễ nhất đến từ VFF là… hãy ngồi lại. Ngồi lại và ngồi lại, dường như mãi mãi các nhà điều hành cao nhất của VFF vẫn thích người khác hành động chứ không phải chính mình phải ra tay!

ĐÌNH XÊ



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét