Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Nâng niu tuổi “bóng chiều”


Có không ít định kiến xã hội nhìn người cao tuổi như những người không còn nhiều khả năng cống hiến cho gia đình và cộng đồng. Thế nhưng, trái với định kiến đó, những người cao tuổi vẫn tiếp tục thể hiện vai trò nêu gương của mình với việc tích cực tham gia công tác xã hội, tự rèn luyện và chăm sóc sức khỏe, sống có ích "cho con, cho cháu thấy đường noi theo".

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là trách nhiệm của gia đình và cộng đồng.
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là trách nhiệm của gia đình và cộng đồng.

Càng già càng quý sức khỏe

Cứ mỗi sáng, từ 5-6 giờ, bà Nguyễn Thị Lý (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) lại tập hợp hơn 20 người đến sân Nhà Văn hóa lao động thành phố tập dưỡng sinh. Những động tác nhẹ nhàng, khoan thai, uyển chuyển như tiếp thêm nguồn sinh lực để bắt đầu một ngày mới. Ở lứa tuổi trên 60 như bà, đây là phương pháp thể dục hiệu quả nhất, vừa phù hợp với thể trạng vừa dễ luyện tập. Là Chủ nhiệm CLB dưỡng sinh của phường, bà Lý rất muốn nhiều người cao tuổi cùng tham gia việc tập dưỡng sinh để bảo vệ sức khỏe, phòng bệnh tật. Thế nhưng, số người tham gia lớp tập này chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số hơn 1.000 người cao tuổi ở phường Hòa Cường Nam. "Nhiều người không muốn bị gò bó về mặt thời gian nên họ lựa chọn cách tập thể dục cho riêng mình như đi bộ, tự tập dưỡng sinh tại nhà", bà Lý nói.

Với người ở tuổi "bóng chiều", ngoài việc lo lắng, chăm sóc cho gia đình thì sức khỏe là vấn đề khiến họ bận tâm nhiều nhất. Vì vậy, là Chủ nhiệm CLB Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng phường Hòa Cường Nam, bà Lý đã cố gắng kết nối các hoạt động tư vấn và chăm sóc sức khỏe nhằm giải tỏa những băn khoăn, lo lắng của người cao tuổi khi đã đi hơn nửa chặng đường đời. Từ đầu năm đến nay, Trạm Y tế phường đã tiến hành 4 đợt khám bệnh cho người cao tuổi, chủ yếu là đo điện tim, siêu âm, thử đường huyết, khám mắt, trực tiếp tư vấn và hướng dẫn cách sử dụng thuốc, chế độ ăn uống, sinh hoạt để giữ gìn sức khỏe. Phần lớn những người cao tuổi thường mắc các bệnh về tim mạch, xương khớp, tiểu đường và cần được thăm khám thường xuyên. "Ý thức của các cụ về việc chăm sóc sức khỏe đã nâng cao nhưng nhiều người cũng chủ quan lắm. Biết mình có bệnh mà không chú ý đến việc khám sức khỏe định kỳ hoặc các chế độ dinh dưỡng để phòng và trị bệnh", chị Trịnh Thị Hồng Phúc, cán bộ y tế chuyên trách dân số, Trạm Y tế phường cho biết.

Dựa vào cộng đồng

Để huy động cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi, năm 2011, hơn 15 xã, phường tại 5 quận, huyện (Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Hòa Vang) đã duy trì hoạt động tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng. Và đến năm 2012, mở rộng thêm tại 11 phường, trong đó có quận Liên Chiểu. Thông tin từ Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình thành phố cho biết, những mô hình này đang hoạt động khá hiệu quả và thực sự đã góp phần rất tích cực trong việc tư vấn về sức khỏe cho người cao tuổi. Tuy nhiên, các hoạt động chủ yếu vẫn là truyền thông, hướng dẫn cách thức chăm sóc sức khỏe, còn việc tổ chức khám bệnh chưa được thực hiện nhiều.

Trong cuộc sống, bản thân người cao tuổi thường có tâm lý tự ti, sợ cô đơn, sợ là gánh nặng cho con cháu. Và điều đáng buồn là vẫn còn những trường hợp bị con cháu ngược đãi, bỏ rơi, thiếu tôn trọng và không được chăm sóc đúng cách. Vì vậy, gia đình và cộng đồng cần có sự sẻ chia, đồng cảm và quan tâm nhiều hơn đến những người cao tuổi vì họ vẫn là những "cây cao, bóng cả", là điểm tựa tinh thần để nuôi dạy các thế hệ nối tiếp. Việc dựa vào cộng đồng để chăm sóc người cao tuổi không chỉ là chuyện huy động sự đóng góp xây dựng quỹ người cao tuổi mà quan trọng hơn là chú trọng nâng cao nhận thức của các gia đình và toàn xã hội trong việc quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của những "cây cao" này. Những người làm con, cháu nếu biết tôn trọng, yêu thương, chia sẻ và quan tâm hơn đến người lớn tuổi sẽ giúp họ có thêm niềm vui sống, vượt qua những trăn trở, băn khoăn ở tuổi xế chiều. Khi tinh thần lạc quan, sức khỏe dồi dào, người cao tuổi sẽ đóng góp tích cực cho xã hội. Họ sẽ không là gánh nặng mà ngược lại, sẽ phát huy những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm sống để giúp cho gia đình, cộng đồng xây dựng một môi trường sống tốt đẹp và bình yên.

Bài và ảnh: HÀ AN



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét