Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

40 năm và một cuộc tranh chấp


Ngày kỷ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Trung Quốc (29-9) đã diễn ra trong không khí lặng lẽ do căng thẳng liên quan đến quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông phủ bóng lên sự kiện này.

Người Nhật Bản biểu tình chống Trung Quốc tại Tokyo, hô vang khẩu hiệu
Người Nhật Bản biểu tình chống Trung Quốc tại Tokyo, hô vang khẩu hiệu "Đảo Senkaku thuộc về Nhật Bản". Ảnh: Reuters

Các hãng tin cho biết, mặc dù các hoạt động đã lên kế hoạch nhưng không có một sự kiện lớn nào được tổ chức tại Nhật Bản cũng như tại Trung Quốc trong ngày 29-9 khi Bắc Kinh chối từ sự trao đổi song phương về kinh tế, văn hóa và các lĩnh vực khác với Tokyo. Trung Quốc thờ ơ với sự kiện 40 năm, Nhật Bản cũng giữ thái độ tương tự để đáp lại. Thực tế, Bắc Kinh đã có phản ứng gay gắt sau khi Nhật Bản quốc hữu hóa 3/5 đảo thuộc quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư vào đầu tháng 9 vừa qua. Bắc Kinh nhiều lần mô tả động thái của Nhật Bản là "bất hợp pháp và không phù hợp".

Theo Kyodo, Nhật Bản đã hủy chuyến thăm Bắc Kinh của một đoàn doanh nghiệp do Chủ tịch Toyota Motor, ông Fujio Cho, dẫn đầu. Đồng thời, Nhật Bản cũng hủy bỏ việc tham gia hội chợ thương mại về tiết kiệm năng lượng và công nghệ môi trường ở thành phố Thượng Hải, vốn được xem là sự kiện khởi động cho đàm phán về hiệp định tự do thương mại 3 bên (giữa Nhật Bản với Trung Quốc, Hàn Quốc) tại Hội nghị thượng đỉnh khu vực vào tháng 11 tới ở Campuchia.

Biển Hoa Đông trong những ngày qua trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều lần lượt có những tuyên bố không nhượng bộ, thậm chí chỉ trích nhau trên diễn đàn quốc tế. Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lý Bảo Đông cho rằng, Nhật Bản đã cướp quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư từ tay Trung Quốc và dùng những từ ngữ miệt thị, không phù hợp với nguyên tắc ngoại giao để yêu cầu Tokyo từ bỏ giấc mơ về chủ quyền đối với đảo này. Đương nhiên Nhật Bản có những biện pháp cứng rắn để phản bác cường quốc lớn nhất châu Á. Song, mục tiêu của Tokyo là chứng minh việc sở hữu Senkaku/ Điếu Ngư không phải là "giấc mơ ban ngày" của nước này; hơn nữa cũng "không hề tồn tại tranh chấp với Trung Quốc", thay vì đao to búa lớn như xua tàu cá ra biển Hoa Đông, như hành động mang tính răn đe của Bắc Kinh. Mặc dù vậy, Chính phủ Tokyo có thể sẽ triển khai máy bay vận tải MV-22 Osprey của Mỹ đến căn cứ không quân Futenma ở tỉnh Okinawa để giám sát mọi động thái của Trung Quốc trên biển Hoa Đông.

Có khả năng xảy ra xung đột trên khu vực đảo tranh chấp hay không thì vẫn chưa thể khẳng định được khi Mỹ đang nỗ lực kêu gọi các bên liên quan kiềm chế. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng, các nước châu Á cần có trách nhiệm trong việc giảm thiểu căng thẳng xung quanh vấn đề tranh chấp. Tuy nhiên, phát biểu của bà Clinton chỉ mang tính chất kêu gọi. Bởi lẽ, theo các nhà chức trách Mỹ, Washington không có ý định đóng vai trò trung gian trong cuộc tranh chấp giữa Nhật Bản – Trung Quốc, cũng như Nhật Bản – Hàn Quốc (tranh chấp đảo Takeshima/ Dokdo).

40 năm trước, mối quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Trung Quốc được thiết lập. Nhưng 40 năm sau cột mốc này là căng thẳng, mâu thuẫn đến đỉnh điểm về tranh chấp đảo. Hôm nay (1-10), Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda dự kiến cải tổ nội các trong lúc chịu sức ép từ dư luận trong nước và phe đối lập rằng, ông phải có những động thái cứng rắn với Trung Quốc và cần thiết phải thông qua dự luật tăng thuế hàng hóa. Tuy nhiên, ông Noda lại muốn dùng cuộc cải tổ nội các lần này để xoa dịu nước láng giềng. Theo đó, ông có thể bổ nhiệm nhân vật thân thiện với Bắc Kinh, Makiko Tanaka (68 tuổi), vào nội các mới. Bà Tanaka là người có mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và là con gái của cựu Thủ tướng Kakuei Tanaka, người đã bình thường hóa mối quan hệ với Bắc Kinh 40 năm trước. Ông Koichiro Gemba chắc chắn sẽ được giữ lại làm Ngoại trưởng để tiếp tục những vấn đề dở dang trong tranh chấp chủ quyền.

VĨNH AN



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét