Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Người giữ “hồn” cho tuổi thơ


Giữa thị trường bát nháo đồ chơi Trung thu xuất xứ từ Trung Quốc không bảo đảm an toàn cho sức khỏe thì ở tổ 48, phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu), vẫn có một người đàn ông tóc đã lấm tấm bạc, hằng ngày cần mẫn làm từng chiếc đầu lân, mặt nạ ông địa hoàn toàn bằng thủ công. Người ta thường gọi ông bằng cái tên rất "nghề": Ông "Cư Lân".

Ở tuổi 60, ông Cư vẫn đau đáu với nghề.
Ở tuổi 60, ông Cư vẫn đau đáu với nghề.

50 năm gắn bó với ông lân, ông địa

Chúng tôi tìm gặp ông Cư Lân vào một buổi chiều muộn, khi không khí của Tết Trung thu 2012 ngấp nghé ngoài cửa. Ông tên thật là Nguyễn Văn Cư, năm nay tròn 60 tuổi. Trong không gian chật hẹp của căn phòng chỉ 16m2, ông Cư như lọt thỏm giữa những chiếc đầu lân, mặt nạ ông địa, có cái đã hoàn thiện treo lên giàn, có cái mới chỉ định hình bằng khung tre. Những ngày giáp Tết Trung thu, bạn hàng của ông từ Đại Lộc, Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam), Túy Loan (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) điện thoại liên tục để giục lấy hàng.

Tranh thủ thời gian nghỉ hiếm hoi, ông chia sẻ với chúng tôi về nghề. Ông bảo, đây là nghề gia truyền, từ thời ông nội, cả nhà ông gần chục con người sống nhờ vào những đầu lân, mặt nạ ông địa, lồng đèn và tuổi thơ của ông vì thế gắn chặt với những nét truyền thống văn hóa dân gian của dân tộc. Mới 9, 10 tuổi, ông đã biết uốn tre, cắt giấy màu làm đầu lân. Ngày đó, mỗi khi mùa Trung thu đến, lồng đèn của ông luôn là chiếc đẹp nhất với đa dạng các hình thù như lồng đèn hình con cá, con bướm, hình mặt trăng, chiếc quạt… "Ngày đó Trung thu đúng nghĩa là Tết của trẻ em, ai cũng háo hức chờ đón. Riêng lò lân nhà tôi, cứ đến đầu mùa Trung thu (từ mồng 1-8 âm lịch), người đến đặt hàng chật cả khoảng sân, có hôm đông quá, ông nội bắt phải xếp hàng mới cho vào. Tôi là đời thứ 3 theo nghề của gia đình, khoảng 5 năm trước nghề này còn thịnh, bây giờ thì…", ông lắc đầu rồi không nói tiếp, nhưng có lẽ ai cũng hiểu được cái khó của người làm nghề truyền thống như ông Cư giữa thời buổi xô bồ của thị trường hiện nay.

Được biết, để phục vụ mùa Trung thu chỉ gói gọn trong khoảng một tháng (từ giữa tháng 7 đến giữa tháng 8 âm lịch), lò lân của ông Cư phải chuẩn bị từ đầu năm. Ngay khi Tết Nguyên đán kết thúc, ông đã phải lặn lội tìm mua tre, chuẩn bị vật liệu, chào hàng… Để hoàn thiện một chiếc đầu lân cỡ trung bình phải mất từ 2-3 ngày, từ khâu làm khung, dán, sơn đầu, phơi khô, trang trí… Đầu lân lớn làm cầu kỳ hơn phải mất từ 3-5 ngày. Giá bán của ông cũng mềm hơn rất nhiều so với các cửa hàng, đầu lân nhỏ có giá từ 200.000 – 250.000 đồng/chiếc, đầu trung bình từ 300.000 – 350.000 đồng/chiếc, đầu lớn từ 600.000 – 800.000 đồng/chiếc. Nhà không có người giúp nên một mùa như vậy hai vợ chồng ông chỉ làm từ 50-70 đầu lân lớn, nhỏ và vài chục mặt nạ ông địa. Chỉ vào một chiếc đầu lân lớn đã được hoàn thiện, ông Cư cho biết: "Đầu lân này ngoài cửa hàng bán cả triệu đồng". Ông nói thêm rằng, làm nghề này hoàn toàn bằng thủ công tưởng đơn giản mà khó lắm. Người thợ không chỉ có chút năng khiếu về vẽ vời mà còn phải có óc tưởng tượng, kiên trì và có tâm với nghề. 50 năm qua, cuộc sống của gia đình ông Cư gắn chặt với hình ảnh những đầu lân, ông địa, dù thu nhập từ nghề này không cao, không đủ cho ông làm giàu nhưng cũng giúp các con ông học hành đến nơi đến chốn.

Đau đáu với nghề

Tâm huyết với nghề nên ông Cư không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến nghề gia truyền của gia đình ngày càng lụi dần, lò lân hoành tráng ngày trước nay chỉ rút gọn trong khuôn khổ căn phòng 16m2. "Hai năm trước tôi tháo biển "Lò lân A Cư" xuống vì tự thấy mình không xứng đáng giữ được cái biển đó nữa", ông Cư buồn. Vợ ông bảo, có những lúc hai ông bà không dám đi tìm hiểu thị trường đồ chơi Trung thu vì sợ phải đối diện với sự thật cạnh tranh khốc liệt, sợ nghe những lời chê bai của người đời về những cái cũ thì sẽ làm mình nhụt chí. Để toàn tâm, toàn ý với nghề, cái giá mà ông cùng vợ phải trả không hề nhỏ, đó là những đầu ngón tay nổi đầy chai đến mất cảm giác, người lúc nào cũng lấm lem bụi bặm, là những cơn đau mắt, đau lưng kinh niên hành hạ thường xuyên.

"Cũng có người mách nước tôi mua phẩm màu của Trung Quốc bán đầy ngoài chợ về làm, vừa đẹp vừa rẻ nhưng tôi không theo. Mình làm đồ chơi cho trẻ con, làm vậy ác lắm, tội tụi nhỏ. Cô nhìn xem, xu hướng đầu lân năm nay rất màu mè, phủ đầy kim tuyến, mặt lân nhìn dữ dằn hơn. Tôi không muốn phủ kim tuyến vì các cháu cầm chơi rất bẩn tay, nhưng khách họ muốn thế mình phải chiều". Mâu thuẫn phải lựa chọn giữa cái tâm làm nghề với cơm, áo, gạo tiền và thị hiếu của khách hàng khiến ông nhiều đêm mất ngủ. Và có khi ông chọn cách buông xuôi chạy theo thị trường để duy trì cho nghề được sống, âu đó cũng là lẽ bình thường. "Bạn nghề của tôi nhiều người vì không cạnh tranh nổi với cơn lốc hàng nhập ngoại, phải bỏ nghề, buồn lắm", ông kể tiếp. Có lần chứng kiến một người bạn (ở đường Hoàng Diệu) chuyên làm lồng đèn Trung thu phải đốt một lúc mấy trăm chiếc đèn lồng sau một mùa lân rồi bỏ nghề, hôm đó về ông thức trắng đêm.

Khó khăn và vất vả nên cả 3 người con của ông không ai nối nghề cha, vợ chồng ông cũng chỉ cố gắng làm thêm 2-3 năm nữa rồi nghỉ. Dẫu biết vậy nhưng ông vẫn chạnh lòng xót xa.

Trải qua hơn nửa đời gắn bó với nghề làm lân, nếm đủ đắng, cay của nghề, có lúc muốn bỏ cuộc nhưng ông Cư vẫn đau đáu mong thành phố có cơ chế giúp những người làm nghề truyền thống như ông có điều kiện duy trì nghề gia truyền, để các em nhỏ được tiếp cận với nét văn hóa dân gian của dân tộc. Được như vậy, ông nguyện tiếp tục theo nghề đến cuối đời.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét