Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Lại bàn về chuyện giao thông đường bộ


1. Chuyện giao thông đường bộ bao giờ cũng là đề tài nóng trong đời sống đô thị, ở những quốc gia tiên tiến lẫn các nước đang phát triển. Hiểu theo nghĩa nào đó, tham gia giao thông đường bộ là đang dấn thân vào một cuộc chơi đầy bất trắc – dù đi bộ trên đôi chân của mình hay đặt hai tay lên vô-lăng điều khiển ô-tô… Khi người tham gia giao thông đường bộ bằng mô-tô đội lên đầu cái mũ bảo hiểm hay khi người lái ô-tô thắt đai an toàn ngang ngực thì đó là lúc họ bắt đầu ý thức rằng mình đang bước vào một cuộc chơi "may ít rủi nhiều", nếu muốn bình an vô sự thì không có cách nào khác là phải tập trung cao độ, cảnh giác cao độ với bao nhiêu là tình huống mà dẫu kinh nghiệm đến mấy cũng thấy khó lường. Có lẽ đấy mới là tác dụng thiết thực và quan trọng bậc nhất của hành vi đội mũ bảo hiểm hoặc thắt đai an toàn khi tham gia giao thông đường bộ.

2. Hầu hết tai nạn giao thông đường bộ là do người điều khiển phương tiện thiếu tập trung. Nếu mọi người tham gia giao thông đường bộ đều nhận thức được rằng muốn bình an vô sự cho mình và nhất là cho những người chung quanh thì nhất thiết phải tập trung cao độ, cảnh giác cao độ, chắc không ai vừa điều khiển mô-tô hoặc ô-tô vừa đàm thoại thậm chí nhắn tin bằng điện thoại di động; chắc không ai đang rơi vào tình trạng lờ mờ trông một thấy hai sau khi sử dụng bia rượu mà lại dám lái xe… Tiếc rằng những tai nạn đáng tiếc do người lái xe thiếu tập trung vẫn cứ xảy ra hằng ngày và hằng ngày vẫn có không ít người tham gia giao thông cứ hồn nhiên lái xe với lượng cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép hoặc với những cuộc trò chuyện điện thoại… dài đường.

3. Trong khi đó, tình trạng ùn tắc giao thông phần lớn xuất phát từ cái tạm gọi là "ưu thế mặt tiền" đang tác động nhiều mặt đến cuộc sống của người Việt đương đại. Thật vậy, có thể nhận ra nhân sinh quan "ưu thế mặt tiền" – quyết tâm không chịu nhường ai để xông lên chiếm bằng được mọi chỗ trống trên đường – trong nhiều trường hợp đã gây tắc nghẽn giao thông ở các đô thị lớn. Cứ quan sát cảnh người tham gia giao thông chờ tàu hỏa đi qua các giao lộ đường sắt và đường bộ ở nội thành Đà Nẵng và chắc không chỉ riêng Đà Nẵng thì đủ thấy "ưu thế mặt tiền" đang tác động tiêu cực thế nào tới văn hóa giao thông: khi hai rào chắn được kéo ngang, người tham gia giao thông đường bộ đồng loạt dừng xe; tuy nhiên điều đáng nói là lẽ ra phải dừng xe theo làn đường của mình – hoặc bên trái hoặc bên phải – để lúc giải tỏa rào chắn mỗi bên sẽ nhanh chóng thẳng tiến, nhiều người lại dừng xe cả phần đường bên phải lẫn phần đường bên trái nhằm chiếm "ưu thế mặt tiền" – ngay cả khi cơ quan quản lý giao thông đã cho dựng một dải phân cách tạm thời – và khi hai rào chắn được giải tỏa thì không bên nào có thể thẳng tiến bởi phải đối đầu với "phía bên kia" ngay tại giao lộ… May là chưa bao giờ tàu hỏa lại chạy… lui.

4. Tuy nhiên sẽ là không công bằng nếu dồn hết trách nhiệm liên quan tới các sự cố giao thông như tai nạn hoặc ùn tắc cho những người tham gia giao thông. Thực ra nhiều tai nạn giao thông thảm khốc là do hạ tầng giao thông có vấn đề, chẳng hạn tại những khúc rẽ ngặt khuất tầm nhìn lại thiếu dải phân cách… Nếu người có trách nhiệm xây dựng và quản lý hạ tầng giao thông có văn hóa giao thông, luôn đau đáu và day dứt khôn nguôi về sự an toàn giao thông của người dân thì những khúc rẽ ngặt khuất tầm nhìn lại thiếu dải phân cách và những "điểm đen" tương tự như vậy sẽ nhanh chóng được xóa bỏ, thậm chí không bao giờ tồn tại trong quy hoạch và trong thực tế. Các tấm gương cầu lắp đặt trên nhiều đoạn đường đèo quanh co kia không chỉ giúp người lái xe quan sát được toàn cảnh giao thông ở phía góc khuất mà còn soi tỏ tầm mức văn hóa của những người xây dựng và quản lý hạ tầng giao thông. Chính vì thế mà dẫu hứng chịu bao nhiêu là dọc đường gió bụi nhưng dường như các tấm gương cầu ấy lúc nào cũng sáng long lanh. Bởi chỉ có những người xây dựng và quản lý hạ tầng giao thông có tầm mức văn hóa cao, ngời sáng tấm-gương-cầu-trách-nhiệm mới biết được rằng để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông thì tuyến đường nào nên phân làn, tuyến đường nào không nên phân làn; mới có thể lo toan chăm chút từng chiếc đinh phản quang, từng vệt sơn cảnh giới trên mặt đường… Tất tất cả đều vì cuộc sống bình yên của hàng triệu người dân đô thị đang hằng ngày hằng giờ dấn thân vào cuộc chơi đầy bất trắc của giao thông đường bộ.

BÙI VĂN TIẾNG



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét