Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Đối thoại để tìm sự đồng thuận


Đối thoại là cách để chính quyền gần dân hơn và nắm bắt rõ hơn về những tâm tư, nguyện vọng của dân. Đồng thời, phương pháp này cũng tạo cơ hội để nhân dân tiếp cận với những người có trách nhiệm, bày tỏ chính kiến về các vấn đề xã hội đang diễn ra liên quan đến đời sống dân sinh.

Lãnh đạo thành phố đối thoại với dân là chuyện thường ngày ở Đà Nẵng hơn 15 năm qua. TRONG ẢNH:  Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đối thoại với người dân trong vùng giải tỏa dự án đường ĐT 602.
Lãnh đạo thành phố đối thoại với dân là chuyện thường ngày ở Đà Nẵng hơn 15 năm qua. TRONG ẢNH: Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đối thoại với người dân trong vùng giải tỏa dự án đường ĐT 602.

Tại Đà Nẵng, những cuộc đối thoại giữa chính quyền với dân khởi nguồn từ việc lãnh đạo thành phố gặp gỡ những người dân ở các vùng cần giải tỏa để phục vụ cho các mục đích như làm đường, xây dựng các khu tái định cư, các công trình công cộng… Cả một tiến trình dài từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến nay, rất nhiều cuộc đối thoại giữa chính quyền với dân được thực hiện, trong đó, không phải cuộc đối thoại nào cũng diễn ra một cách êm xuôi, suôn sẻ. Nhưng, cho dù đã có nhiều ý kiến bất đồng hay những phản ứng tiêu cực thì chính quyền thành phố vẫn kiên trì tìm cho được điểm mấu chốt của cuộc đối thoại để cùng người dân đi đến đồng thuận, mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Đến bây giờ, chính quyền thành phố vẫn tự hào khẳng định, cái được lớn nhất trong quá trình phát triển của Đà Nẵng là "được lòng dân", là sự đồng thuận của hơn 90 ngàn hộ dân nằm trong các vùng giải tỏa. Sự đồng thuận này có được không phải do sự áp đặt một chiều từ phía chính quyền thành phố mà là kết quả hình thành từ sau những cuộc đối thoại "nảy lửa" giữa dân với lãnh đạo, những người được xem là "có chức, có quyền", có trách nhiệm hoạch định các chính sách phát triển chung cho cả thành phố.

Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ câu chuyện về những cuộc đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với người dân phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến việc giải tỏa, đền bù, tái định cư, xây dựng khu đô thị sinh thái Hòa Xuân. Gần chục cuộc đối thoại đã diễn ra. Và không ít lần, những phản ứng gay gắt từ phía người dân khiến cho cuộc đối thoại trở nên bế tắc khi cả hai phía không tìm được tiếng nói chung. Qua những cuộc đối thoại này, có thể nhận thấy, sự kiên trì của lãnh đạo thành phố phần nào đã tác động đến tâm lý của những người dân vẫn "khăng khăng" không chịu hợp tác. Thêm vào đó, trên cơ sở nắm chắc quan điểm và kế hoạch phát triển vùng, kết hợp với việc xem xét thấu đáo những tâm tư, ý kiến, nguyện vọng của người dân địa phương, lãnh đạo thành phố đã từng bước tiếp cận dân, nói cho dân hiểu về chính sách đã ban hành và phân tích những lợi ích có được khi người dân chấp nhận sự thay đổi theo kế hoạch của thành phố. Cuộc đối thoại đa chiều có sự tham gia của nhiều phía: người dân – chính quyền địa phương – lãnh đạo Đảng, chính quyền cấp thành phố và cả những tổ chức, đơn vị, công ty liên quan đến các hoạt động giải tỏa, đền bù, tái định cư cho người dân vùng Hòa Xuân. Chính sự tham gia của nhiều bên đã giúp cho các cuộc đối thoại trở nên rõ ràng, minh bạch hơn, nhất là khi phân định trách nhiệm của các bên liên quan trong việc thực hiện dự án mà quy mô của nó sẽ tác động đến cuộc sống của hàng nghìn con người và tương lai con cháu họ sau này.

Nhiều sự kiện đã diễn ra trên địa bàn thành phố những năm qua cho thấy, đối thoại thực sự là cách hiệu quả để tìm kiếm sự đồng thuận từ phía người dân. Và cũng đồng thời, tạo ra môi trường để rèn luyện bản lĩnh, khả năng lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Thế nhưng, làm sao để thực sự công tâm, khách quan, bản lĩnh, kiên trì đối mặt với những áp lực từ phía người dân, nhất là khi vấn đề được đề cập trong các cuộc đối thoại liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích dân sinh? Điều này quả thật không đơn giản đối với những người làm công tác lãnh đạo, quản lý. Trên thực tế, các cuộc đối thoại ở thành phố đã diễn ra dưới nhiều hình thức và quy mô khác nhau. Đó có thể là cuộc gặp của vị lãnh đạo đứng đầu thành phố với hàng trăm người dân vùng giải tỏa; hay là cuộc gặp giữa chính quyền một địa phương với những nhóm lợi ích riêng như doanh nghiệp, người nghèo, người thu nhập thấp, đối tượng chính sách… Cuộc đối thoại cũng có thể diễn ra giữa UBND một phường với các hộ dân trên địa bàn quản lý nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về kết quả phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương và tạo cơ hội để người dân chia sẻ những vướng mắc còn tồn tại liên quan đến cuộc sống của họ…

Trong điều kiện kinh tế-xã hội phát triển, trình độ dân trí ngày càng cao thì dù diễn ra dưới hình thức nào đi nữa, người dân cũng không dễ dàng chấp nhận những lời hứa hão huyền, những cách giải thích chung chung, thiếu chi tiết mà chính quyền đưa ra tại các cuộc đối thoại. Họ không chấp nhận những kiểu đối thoại theo lối "thị uy", áp đặt. Chính vì vậy, để đối thoại thành công là cả một nghệ thuật, trong đó, không chỉ đòi hỏi người đi đối thoại sự nhẫn nại, nhiệt tâm mà cả sự khéo léo, mềm mỏng, chân thành, sự đồng cảm và sẻ chia. Điều cần thiết ở các cuộc đối thoại là các bên đều lắng nghe nhau, trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của nhau, đồng thời, vẫn bám sát theo đúng định hướng phát triển và những quy định của pháp luật. Các cuộc đối thoại có thể không thành công ngay từ đầu nhưng việc giải quyết mâu thuẫn phát sinh vẫn dựa trên mục tiêu chung là bảo đảm quyền và lợi ích của dân nhưng vẫn hài hòa với chính sách chung của thành phố. Thực tế ở Đà Nẵng cho thấy, đã có những "đối chất" mặt đối mặt giữa dân với những người có trách nhiệm về vấn đề liên quan tại các buổi đối thoại. Để rồi, lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp hiểu dân cần gì, mong muốn điều gì và trên cơ sở đó, đưa ra những hướng giải quyết phù hợp. Tuy nhiên, không phải lúc nào cách giải quyết cũng thỏa mãn ý nguyện của dân và cũng không hẳn những lời hứa đưa ra trong buổi đối thoại được hiện thực hóa. Đây chính là những tồn tại vẫn đọng lại sau các cuộc đối thoại, khiến cho người dân, trong một số trường hợp, mất lòng tin vào hệ thống chính quyền. Hạn chế này tác động đến hiệu quả các cuộc đối thoại vì trên hết người dân cần những lời nói thẳng, nói thật, làm thật, chứ không chỉ là những lời hứa suông. Với người dân, nếu đã gặp gỡ, đối thoại trực tiếp và đưa ra cách giải quyết vấn đề thì nhất quyết, những gì đã cam kết giữa chính quyền và dân cần thực hiện đúng nội dung, đúng hạn định. Có thế, dân mới thực sự tin những gì mà lãnh đạo nói, mới dễ chia sẻ với những khó khăn, thách thức của thành phố và họ cũng dễ thuận tình, thống nhất với các chính sách phát triển mà chính quyền đưa ra. Như vậy, đối thoại chỉ thành công khi sự đồng thuận hình thành, các vấn đề đưa ra được giải quyết thấu đáo và từ đó, mang đến nhiều lợi ích cho cả hai phía: chính quyền và người dân.

Bài và ảnh: HÀ AN



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét