Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Khi chuyện bình thường thành chuyện lạ


Nhiều người cho rằng, một việc đáng ra là rất bình thường so với chức trách, nhiệm vụ của cảnh sát giao thông (CSGT) thì bây giờ lại thành một chuyện lạ, một điển hình để người dân mong muốn CSGT nơi mình sinh sống noi theo.

Xử sự có tình, có lý với các lái xe từ ngoại tỉnh đến Đà Nẵng.
Xử sự có tình, có lý với các lái xe từ ngoại tỉnh đến Đà Nẵng.

Đó là đoạn kết của bài viết "Chuyện "lạ" về cảnh sát giao thông rất… lịch sự ở Đà Nẵng" của tác giả Hữu Cường ở Tam Kỳ, Quảng Nam, đăng trên danviet.vn (Báo điện tử của Báo Nông thôn Ngày nay) ngày 19-9-2012.

Theo đó, cuối tháng 8 vừa qua, tác giả và bạn hữu từ ngoại tỉnh vào Đà Nẵng bằng ô-tô cơ quan. Vào nội thành, lái xe không thuộc đường nên đi vào đường cấm ô-tô và bị CSGT yêu cầu dừng xe. Cứ đinh ninh sẽ bị xử phạt theo lối "thông thường" của CSGT ở Việt Nam, thì mọi người rất đỗi ngạc nhiên khi thấy CSGT Đà Nẵng xử sự rất "lạ": Đã không xử phạt mà còn tận tình hướng dẫn lái xe đi đúng đường trong nội thành!

Quả là chuyện "lạ".

Cả xe râm ran bàn luận. Sau khi mọi người đều công nhận rằng lực lượng CSGT Đà Nẵng rất "lịch sự" với người tham gia giao thông thì một anh khẳng định cho thêm phần xác tín: Có lần từ Đà Nẵng đi Hội An, anh chạy xe lên cầu cấm ô-tô; các nơi khác thế nào cũng bị phạt, nhưng CSGT ở đây chỉ nhắc nhở rồi dẫn đường đi ngược lại.

Bài báo còn cho biết, xe máy, ô-tô ngoại tỉnh đến Đà Nẵng nếu phạm lỗi thì CSGT của thành phố chỉ nhắc nhở và hướng dẫn đi đúng đường như đã nói trên, nhưng với các đối tượng say xỉn, đánh võng, lạng lách… thì xử lý rất nghiêm. Thông tin này đã phản ánh đúng thực tế đang diễn ra ở Đà Nẵng.

Ví như chuyện giao thông ở vùng giáp ranh giữa xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, với các xã Điện Thắng, Điện Ngọc của huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Theo Trung tá Trần Phước Cường, Phó Trạm trưởng Trạm CSGT Cửa ô Hòa Phước, do tình hình giao thông ở đây khá phức tạp, Trạm đã đề xuất chuyên đề xử lý vi phạm an toàn giao thông ở vùng giáp ranh. Từ đầu tháng 9 đến nay, Trạm đã phối hợp với Công an liên xã Hòa Vang xử lý, thu giữ trên 30 xe mô-tô, chủ yếu là lạng lách, nẹt pô, không đội mũ bảo hiểm, chở ba người…

Vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã quyết định bồi dưỡng các cán bộ, chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ trực tiếp tuần tra, kiểm soát trên đường 5 triệu đồng/người/tháng, được trích từ khoản thu xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông. Dưới bài báo nói trên có lời bình của một bạn đọc tên là Lê Minh Hoàng, gọi đó là tiền "dưỡng liêm" và "rất hoan nghênh cách làm của Đà Nẵng".

Đại tá Nguyễn Đến, Trưởng phòng CSGT – Công an thành phố Đà Nẵng cho rằng không nên dùng chữ "dưỡng liêm" mà nên gọi đó là tiền bồi dưỡng, vì nếu gọi "dưỡng liêm" thì các lực lượng khác cũng cần. Ngoài ra, khi làm nhiệm vụ mà vi phạm kỷ luật, CSGT sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của ngành Công an. Đại tá Đến khẳng định: "Có hay không có khoản tiền đó thì trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông cũng phải làm, quan điểm của chúng tôi là vậy. Thành phố đã tạo điều kiện để cải thiện đời sống vật chất, thì mình phải làm việc như thế nào đó để đáp ứng lại yêu cầu của thành phố".

Trung tá Lê Ngọc Dinh, Trạm trưởng Trạm CSGT Cửa ô Kim Liên thêm một ý khác: "số tiền đó có tác động lớn đối với cán bộ, chiến sĩ, động viên anh em thực hiện nhiệm vụ tốt hơn và hiệu quả hơn".

Hình ảnh anh CSGT Đà Nẵng ngoài đời thường rất đỗi bình thường, nhưng đã trở thành "chuyện lạ" đối với các địa phương khác như cách đưa tin của báo giới. Có người nhìn dưới một góc độ khác, nghi ngờ rằng bài báo nói trên đã "quảng cáo" cho CSGT Đà Nẵng.

Trả lời câu hỏi "Chị nghi vụ này có mùi PR sao?" của nhà báo Thư Quỳnh trong bài "Khi cảnh sát giao thông là… "đặc sản"!" đăng trên Tạp chí Đẹp (phụ san của Báo Ảnh Việt Nam – TTXVN) ngày 21-9 vừa qua, nhà văn Trang Hạ thẳng thắn: "PR cho CSGT làm gì nhỉ, khi bản thân mỗi chiến sĩ CSGT là một cái banner quảng cáo khổng lồ trước đám đông dân chúng mỗi chiều qua ngã tư? Cứ nhìn là thấy ngay, cần gì phải đọc báo!".

Nhà báo cho rằng "có người nghi Đà Nẵng làm du lịch khéo: đến CSGT cũng… làm du lịch, chiều khách ngoại tỉnh đến thế là cùng!". Nhà văn thì "mổ xẻ" sự việc dưới góc nhìn nhân văn: "Một nhà quản lý đưa ra những quyết sách thân thiện với người dân, được lòng dân, thì mặc nhiên cũng sẽ chinh phục được cả những người dưới quyền chỉ bằng sự thân thiện và sự cư xử tử tế ấy. Bởi nói cho cùng, bên trong bộ cảnh phục cũng là một người dân! Chứ không nhất thiết là quyền lợi đó, anh CSGT được hưởng, thì anh mới "lại quả" sự tử tế cho người dân đâu!".

Ở Đà Nẵng, "sự thân thiện và sự cư xử tử tế" đâu phải là "đặc sản" riêng của CSGT mà tất cả mọi ngành, mọi người. Mong rằng "chuyện lạ" ở thành phố thân thiện này sẽ trở thành chuyện bình thường ở mọi nơi trên đất nước này.

VĂN THÀNH LÊ



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét