Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

“Ta đã làm chi đời ta”


Hai số phận trái ngược dưới đây khiến tôi càng thấm thía đầu đề tập Hồi ký của Vũ Hoàng Chương – Ta đã làm chi đời ta. Mỗi cá nhân sinh ra không thể chọn cho mình người cha, người mẹ, hoàn cảnh gia đình, trí thông minh thiên bẩm hay sức khỏe bình thường, nhưng tất cả đều bình đẳng với nhau trong việc chọn cách sống để đến lúc nhìn lại không phải bàng hoàng thốt lên: "Chao ôi, ta đã làm chi đời ta?".

Hoàng Minh Nhật (hàng đầu, bên trái) vẫn nỗ lực học tập cùng bạn bè.
Hoàng Minh Nhật (hàng đầu, bên trái) vẫn nỗ lực học tập cùng bạn bè.

Bài viết nói về hai số phận, một đang chống chọi từng ngày với bệnh tật, khó khăn nhưng luôn khao khát sống và sống đẹp; một có sức khỏe, gia đình yêu thương nhưng muốn buông xuôi, từ bỏ tất cả.

Lâm trọng bệnh nhưng thảo hiền, lạc quan vượt qua số phận

Cuối dãy hành lang chật hẹp, hun hút tối của căn nhà 241 Nguyễn Tri Phương, Đà Nẵng là phòng trọ 6m2 của gia đình Hoàng Minh Nhật, 13 tuổi, bệnh nhi ung thư máu giai đoạn 2. Tôi đến thăm em cũng là lúc chị Bùi Thị Hải Yến, mẹ em Nhật đang nhẫn nại quạt siêu thuốc Bắc. Vuốt vầng trán mướt mồ hôi, chị tâm sự: "Nhật ốm nặng nhưng rất hiếu thảo và hiếu học. Thương con, ba mẹ chỉ biết cầu trời khấn Phật, làm tất cả những gì có thể với hy vọng duy nhất là con sẽ khỏe mạnh".

Căn bệnh ác tính ập đến cách đây bốn năm, với dấu hiệu đầu tiên là chân răng của Nhật chảy máu không ngừng, chị Yến và chồng bồng con đi khắp nơi nhưng không biết con bị bệnh gì. Có nơi đã chuẩn bị nhổ răng cho Nhật, nhưng linh tính của người mẹ báo cho chị biết, bệnh con mình không chỉ đơn thuần là sâu răng. Chị lại cõng con xuống Bệnh viện Đà Nẵng – nơi Nhật được rút tủy để làm xét nghiệm và phát hiện bị ung thư máu. Nhìn con chỉ còn 18kg, xanh rớt, không thể tự đi lại cùng với lời chẩn đoán của bác sĩ: "1% hy vọng sống", chị Yến và chồng chỉ biết ôm con khóc khi gia đình không thể đưa Nhật đi TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội để điều trị đúng thuốc, đúng bệnh viện chuyên khoa. Không có tiền nhưng chị và chồng có đủ sức khỏe và dư thừa tình yêu con, "tài sản" là sức khỏe và niềm hy vọng mong manh nhưng mãnh liệt, giúp anh chị thay phiên nhau vừa chăm sóc con trong quá trình xạ trị, vừa len lỏi vào các khu rừng từ Hòa Phú đến Bà Nà để tìm cây, lá thuốc. Chị kể: "Nhiều lúc ngồi giữa núi rừng hoang vắng, chim bay trên đầu, rắn bò dưới chân, sợ lắm nhưng không bỏ cuộc khi nhớ lại hình ảnh Nhật nhỏ xíu, nằm cong như con tôm khi chọc tủy, bơm thuốc… Nhật quá dũng cảm, Nhật sợ ba mẹ buồn nên không mở miệng rên, chỉ cắn chặt răng, mắt nhắm nghiền, nước mắt chảy thành dòng, lăn dài xuống gối cho đến lúc thiếp đi vì đau".

Mang trong mình bệnh hiểm nghèo nhưng Nhật không quên bài vở, em luôn thích thú với những phép toán, những bài tập làm văn và cần cù đến lớp kể cả khi mới xuất viện, với ước mơ học thật giỏi và sớm trở thành kiến trúc sư để xây nhà cho ba mẹ. Cô Tán Thị Thùy Trâm, giáo viên chủ nhiệm lớp 7/2 Trường THCS Chu Văn An xót xa chia sẻ, bệnh tật khiến Nhật chỉ có thể nhìn bạn bè chạy nhảy, nô đùa chứ không đủ sức tham gia. Nhưng hạn chế về sức khỏe không làm em đầu hàng sách vở, em luôn cố gắng tập trung trên lớp cũng như nỗ lực tự học ở nhà để bù lại quãng thời gian nhập viện chữa bệnh. Phần thưởng cho quá trình bền bỉ của Nhật là kết quả 7 năm liền đạt học lực khá, giỏi và sự đồng cảm, yêu mến của thầy cô, bạn bè.

Có sức khỏe nhưng sống vô nghĩa…

Tiếp xúc với anh Đỗ N. H. (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), khó có thể tin người đàn ông bệ rạc, mặt mũi luôn đỏ gay và béo nhão kia chỉ mới 35 tuổi. Ba mẹ anh H. là cán bộ, nhà chỉ có hai anh em, không giàu có nhưng so với những người từ chiến khu về thì H. quả thật may mắn khi sống trong sự chăm bẵm của mẹ cha. Thế nhưng, trầy trật, lận đận mãi vẫn không thể kết thúc THPT hệ bổ túc, anh H. xác định "mình không có duyên với chữ nghĩa" nên bỏ học, đi làm. Không bằng cấp, không kinh nghiệm nghề lẫn kinh nghiệm sống do từ nhỏ luôn được nuông chiều, anh nhanh chóng chán nản khi hiểu ra: Làm thuê không hề dễ như mình từng hình dung. Sự chán nản dẫn anh đến với rượu và bắt đầu vòng luẩn quẩn: Chán nản – nát rượu – mất việc… Đi làm được vài năm thì anh dừng luôn duyên với nghề để chuyên tâm vào duyên với… rượu. Ròng rã 15 năm làm bạn ma men, với "thành tích" vài lần vào tù vẫn không giúp anh cai được rượu. Sự thay đổi dễ nhận ra nhất ở anh là từ người thanh niên khỏe mạnh thành "ông lão ướp men" bệ rạc và béo nhão với trận ốm thập tử nhất sinh năm ngoái. Bác sĩ chẩn đoán gan, dạ dày anh gần như đã hỏng, nếu không kiêng rượu thì chắc chắn sẽ chết. Từ đó đến nay, anh thực hiện chế độ "kiêng": mỗi ngày 4 chai bia Larue, 2 lít rượu gạo và 1 gói thuốc Bastos.

"Phải có đủ rượu, bia, thuốc cho thằng con bất trị, nếu không cả xóm sẽ bị hành hạ bởi tiếng la hét, chửi rủa, đập phá đồ đạc… Vợ chồng tôi già yếu, nhiều bệnh tật, không thể chịu đựng được không khí u uất, nặng nề nên luôn phải dành dụm từ chút tiền hưu ít ỏi để mua rượu, xem như là mua bình yên từng ngày cho gia đình và láng giềng. Chỉ vì quá thương và nuông chiều con mà mới ra cơ sự của ngày hôm nay…", mẹ anh H. nói trong nước mắt.

Việc nghiện rượu kéo dài còn ảnh hưởng đến thần kinh và làm gião cơ chân khiến anh H. luôn ở trạng thái lơ mơ, quên quên nhớ nhớ và gặp khó khăn trong việc đi lại. Khi được hỏi về mong muốn lớn nhất hiện nay, anh H. chỉ nhoẻn miệng cười với đôi mắt mờ đục, đỏ ngầu khiến tôi hiểu, câu hỏi của mình là vô duyên và bất giác nhớ lại nụ cười với má lúm đồng tiền rất sâu, mắt long lanh của Nhật lúc thỏ thẻ chia tay tôi: "Cô ơi, con được lên báo vì sắp khỏi bệnh đúng không cô?"…

MAI TRANG



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét