Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Trật tự thế giới mới


"Trật tự thế giới mới" là lời kêu gọi của Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ ngày 26-9. Theo nhà lãnh đạo vốn có những phát biểu gây "sốc" của Iran, "trật tự thế giới mới" cần được thiết lập để thay thế tình trạng hiện tại mà ông gọi là "Mỹ chuyên đi bắt nạt".

Chân dung Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu được trưng bày tại triển lãm
Chân dung Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad (trái) và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu được trưng bày tại triển lãm "Những gương mặt quyền lực" ở Cologne (Đức).

Việc Mỹ và Iran đôi co, thậm chí chỉ trích nhau một cách gay gắt không phải là chuyện hiếm xảy ra. Và kỳ họp Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ) lần này cũng trở thành diễn đàn để Washington, Tehran cùng Israel "khẩu chiến", dù những cuộc tranh cãi nảy lửa này sẽ không đi đến đâu, không giải quyết được gốc rễ của vấn đề, cũng không mang đến một "trật tự thế giới mới". Nguyên nhân tranh cãi lại là vấn đề hạt nhân của Iran; là thái độ thù địch của Israel đối với một Tehran kiên định, bướng bỉnh; là sự "tiến thoái lưỡng nan" của Mỹ…

"Trật tự thế giới mới" mà Tổng thống Ahmadinejad đề cập không giành được nhiều sự ủng hộ tại diễn đàn của LHQ gồm 193 quốc gia, chưa kể phản ứng "tẩy chay" của Mỹ và Israel. Bởi theo trật tự đó, cường quốc hàng đầu như Mỹ sẽ không phải là nước điều phối mọi hoạt động của thế giới. Ông Ahmadinejad nói rằng, Iran sẵn sàng đối thoại với Mỹ, ngay cả khi Washington dùng vũ lực như sự trả đũa.

Đây là bài phát biểu lần thứ tám tại Đại hội đồng LHQ của ông Ahmadinejad và bài phát biểu cuối cùng trước khi vị Tổng thống cứng rắn đến từ Iran hết nhiệm kỳ. Nhưng những gì ông Ahmadinejad gửi gắm tại New York không ngọt ngào, không dễ lọt tai các "ông lớn", mà là những lời lẽ gai góc, đầy thách thức.  

Lâu nay, Iran vẫn một mực khẳng định chương trình hạt nhân của mình chỉ nhằm mục đích hòa bình, chứ không tạo bom nguyên tử – như cáo buộc của Mỹ và Israel. LHQ đã 4 lần áp đặt trừng phạt đối với Iran, nhưng vẫn không khuất phục được nước Cộng hòa Hồi giáo này và những biện pháp trừng phạt đó vẫn chưa đủ sức nặng để làm Tổng thống Ahmadinejad chùn bước. Báo cáo của LHQ được công bố vào tháng 8 vừa qua cũng nhắc đến những mối quan ngại của Israel và chỉ ra rằng, Iran đã có thêm những động thái trong các hoạt động làm giàu uranium – một bước then chốt để tạo bom.

Đến New York vào đêm 26-9, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chỉ mang theo cái tên duy nhất lên bàn nghị sự: Iran. Ông cho rằng, việc dùng vũ lực chống Iran phải nhanh chóng được xem xét và yêu cầu Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra "vạch đỏ", theo đó mở đường cho cuộc tấn công của cả Washington lẫn Israel nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Tehran. Ông Netanyahu khẳng định rằng, là Thủ tướng Israel, ông đang nỗ lực và thực hiện mọi cách để Iran không sở hữu vũ khí hạt nhân. Người đứng đầu Chính phủ Tel Aviv dùng bài phát biểu của mình tại Đại hội đồng LHQ vào ngày 27-9 làm đòn giáng trả Tổng thống Ahmadinejad. Như trong những tuần gần đây ông Netanyahu cảnh báo nếu Tehran tiếp tục theo đuổi chương trình làm giàu uranium thì sẽ đối mặt với cuộc tấn công quân sự đơn phương, cho dù Mỹ phản đối hành động này.

Tổng thống Obama thường nói không để Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và việc dùng vũ lực được Mỹ chuẩn bị như một giải pháp cuối cùng. Tại Đại hội đồng LHQ, ông cũng khẳng định như vậy nhưng cho rằng, "việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân không phải là thách thức". Điều này cũng dễ hiểu khi chỉ còn khoảng 6 tuần nữa là bắt đầu bầu cử Tổng thống Mỹ. Lãnh đạo Nhà Trắng hiện vẫn từ chối đề nghị của Israel về một "vạch đỏ" dành cho Iran, dẫn đến mâu thuẫn chưa từng có với người đồng minh Netanyahu. Trong chuyến công cán ở Mỹ 3 ngày, Thủ tướng Israel sẽ gặp gỡ Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Catherine Ashton, Thủ tướng Canada Stephen Harper – người gần đây đã trục xuất Đại sứ Iran tại nước của ông, và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Song, ông Netanyahu không có lịch gặp gỡ Tổng thống Obama.

Về phía LHQ, Thủ tướng Anh David Cameron cho rằng, gây áp lực để ngừng chương trình hạt nhân của Iran là công việc của cơ quan này. Nhưng vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy LHQ có thể thay đổi được quyết định cũng như hành động của Iran. Cuộc họp của nhóm P5+1 (bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Anh, Nga, Pháp và Đức) diễn ra tại New York vào ngày 27-9 bàn thảo hướng đi mới nhằm thuyết phục Iran rồi cũng sẽ không mang lại kết quả khả quan nào.

VĨNH AN



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét