Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Châu Âu học người Đức


Trong hơn một thập niên trước, các ngân hàng Đức không thận trọng như ngân hàng Anh hay Mỹ nên đã đổ vốn sang Hy Lạp và Tây Ban Nha để tạo nên cơn sốt về địa ốc. Lượng tiền tập trung quá nhiều vào địa ốc dẫn tới nền công nghiệp không có vốn đầu tư nên góp phần đưa tới khủng hoảng nợ ở khu vực sử dụng đồng tiền chung euro. Giờ đây đứng trước nhiệm vụ "bơm" tiền để giải quyết khủng hoảng nợ, các ngân hàng Đức tỏ ra rất thận trọng.

Bà Thủ tướng Merkel trong một lần cùng Thủ tướng Hy Lạp Samaras trả lời báo chí tại Berlin.
Bà Thủ tướng Merkel trong một lần cùng Thủ tướng Hy Lạp Samaras trả lời báo chí tại Berlin.

Trả lời câu hỏi liệu Thủ tướng Merkel có chuẩn bị kế hoạch cứu khu vực sử dụng đồng tiền chung euro thoát khỏi khủng hoảng, đại diện các ngân hàng lớn Đức trả lời rằng Berlin đặt ra những điều kiện nghiêm ngặt để đổi lấy sự giúp đỡ tài chính bởi vì không ai đưa ví tiền, tài khoản của mình cho người khác tiêu xài tự do.

Hiện tại, Đức không phải là nền kinh tế mạnh nhất châu Âu, nhưng tầm ảnh hưởng của nó là rất lớn nhờ nỗ lực tự cường trong suốt thập niên qua bằng những chính sách cải cách kinh tế hà khắc mà người ta gọi là "thắt lưng buộc bụng". Bây giờ ở thế của người đi giải cứu, Đức muốn áp dụng những chính sách đó với Hy Lạp, Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Thông điệp của "nhà tài trợ Đức" rất đơn giản: Tôi làm được thì các anh chị cũng phải làm được!

Ba yếu tố riêng biệt giải thích tại sao Đức áp dụng chính sách của mình lên các nước khác. Thứ nhất, đó là cơ sở kinh tế mạnh mẽ của đất Đức với các công ty lớn, trung bình hay nhỏ đều tiếp cận với hệ thống tài chính ổn định dài hạn. Họ có được lực lượng công nhân tay nghề cao, dành nhiều thời gian để đầu tư phát triển sản phẩm và dịch vụ sau bán hàng.

Thứ hai, cách điều hành kinh tế kể từ khi sử dụng đồng tiền chung euro giúp cho Đức trở nên mạnh mẽ hơn, tăng sức cạnh tranh cao hơn. Người lao động chấp nhận mức lương thấp, đời sống cải thiện chậm hơn so với Anh, Pháp hay Mỹ nhưng bù lại thị trường lao động linh hoạt hơn nên các công ty Đức đủ sức cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.

Cuối cùng, sự chuyển dịch quyền lực kinh tế toàn cầu từ Tây sang Đông đã giúp cho Đức tăng thêm sức mạnh và tầm ảnh hưởng. Các nước như Trung Quốc, Ấn Độ vẫn đang trong quá trình xây dựng thương hiệu sản phẩm của mình thì Đức đã tạo được tên tuổi từ lâu.

Mặc dù sức tăng trưởng của kinh tế Đức trong quý hai năm nay chỉ là 0,3% nhưng nhìn sang các nước trong khu vực sử dụng đồng tiền chung euro thì đó đã là ước mơ! Chừng ấy là đủ cho bà Thủ tướng Merkel hướng các nước đang lâm vào khủng hoảng nợ phải "học hỏi" người Đức…

ANH THƯ



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét