Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Hải tặc Chà Và ở Việt Nam


Trong các loại hải tặc hoành hành ở vùng biển Việt Nam thời trước, bên cạnh hải tặc Tàu Ô, nhân dân ta cũng phải thường xuyên đối phó với nạn cướp phá của hải tặc Chà Và từ các biển đảo ở phía nam kéo lên.

Các chiến thuyền nhà Nguyễn tạo nên quyền kiểm soát Biển Đông từ thế kỷ 17.
Các chiến thuyền nhà Nguyễn tạo nên quyền kiểm soát Biển Đông từ thế kỷ 17.

Thư tịch thời Nguyễn ghi chép về nạn hải tặc này dưới nhiều tên gọi khác nhau, gồm giặc Chà Và, giặc Chà Bà, giặc Đồ Bà, giặc Côn Lôn; trong đó tên Chà Và được sử dụng nhiều nhất. Ngoại trừ tên giặc Côn Lôn để chỉ quần đảo hay bị hải tặc chiếm cứ làm sào huyệt, còn lại đều là những tên gọi Hán-Việt khác nhau được phiên âm từ cùng một tên: Java/Jawa.

Gọi là hải tặc Chà Và (Java), nhưng thật ra do ngày xưa người Việt chưa phân biệt rõ về địa lý và nhân chủng của khu vực biển đảo phía nam, nên đó là tên dùng để gọi chung những cư dân hải đảo hành nghề cướp biển có nguồn gốc từ Ấn Độ, Malaysia, Indonesia hiện nay.(1)

Từ những thế kỷ sau Công Nguyên trở đi, do bờ biển Đại Việt và Champa là nơi có nhiều điểm giao thương với vùng Hoa Nam ở Trung Quốc về phía bắc; thông với các lãnh thổ Phù Nam, Chân Lạp, Malaysia về phía nam; thuận tiện trong thương mại với Lữ Tống (đảo Luzon thuộc Philippines) về phía đông; nên hải tặc Chà Và từng chiếm cứ quần đảo Côn Lôn, lập sào huyệt để đi cướp.

Dựa vào những tư liệu có được, có thể khẳng định hải tặc Chà Và từng hoạt động trên một phạm vi khá rộng, bao gồm cả vùng Biển Tây và vùng Biển Đông thuộc lãnh hải Việt Nam.

Trong lịch sử, vùng Biển Tây là nơi gánh chịu nạn hải tặc Chà Và với tần suất rất cao. Đặc biệt, thời Tây Sơn và thời Nguyễn, chúng thường xuyên cướp phá ở các đảo Hòn Tre, Hòn Cau, Hòn Rái, Hòn Cổ Rồng, Phú Quốc, biển Kiên Giang, biển Hà Tiên…

Những cuộc đụng độ giữa quan quân chúa Nguyễn với hải tặc Chà Và nổi tiếng như vào tháng 12 năm Nhâm Tý (1792), giặc biển Chà Và đến bãi Hà Tiên cướp phá, bị quan Bảo hộ Nguyễn Văn Nhàn đem quân đánh đuổi, chúng chạy ra đảo Hòn Cau [Lang Dữ] thì gặp đoàn thuyền của Cai cơ Nguyễn Tiến Lượng và Nguyễn Văn Thoại đi sứ Xiêm về chận đánh, chém hơn 30 đầu giặc, bắt sống 2 tên, thu được một chiếc thuyền.(2)

Vào tháng 8 năm Bính Thìn (1796), 17 chiếc thuyền giặc biển Chà Và kéo đến đảo Hòn Tre [Trúc Dữ], dùng 3 chiếc sam bản vào cướp ở Kiên Giang; quan quân ngăn đánh, chém được 5 đầu giặc, đoạt được một thuyền, đánh đắm một chiếc, chiếc còn lại bỏ chạy. Quan Vệ úy vệ Hùng võ Nguyễn Đức Xuyên liền đem binh thuyền của 10 vệ quân Thần sách và Tả quân chia làm ba đạo đánh úp đảo Hòn Tre, bắt được tướng cướp và hơn 80 quân giặc, 15 chiếc thuyền, giải thoát cho hơn 70 người dân bị hải tặc bắt.(3)

Đến thời Nguyễn, nhiều vụ đụng độ giữa hải tặc Chà Và với quan quân đã diễn ra liên tục vào các năm 1822,(4) 1823, 1825, 1828,(5) 1830,(6) 1834 ở bãi biển Hà Tiên, đảo Hòn Rái [Lại Dữ], đảo Cổ Rồng [Long Cảnh].(7)

Tháng 6 năm Đinh Dậu (1837), 3 chiếc thuyền giặc biển Chà Và lại đến đảo Hòn Rái tỉnh Hà Tiên, Quản cơ Nguyễn Văn Do và Phòng thủ úy Nguyễn Toán đem quân đuổi đánh, bắt được đầu mục giặc là Băng Ly Ma Ô Tôn, Băng Ly Ma Cô Lý và đồng đảng 43 tên, chém được 12 đầu giặc, số còn lại nhảy xuống biển chết, thu hết được thuyền súng và khí giới của giặc.(8)

Bên cạnh hải phận ở Biển Tây, hải phận Việt Nam ở Biển Đông cũng rất được hải tặc Chà Và ưa thích. Hoạt động của chúng diễn ra trên một khu vực trải dài dọc duyên hải Nam Bộ và Nam Trung Bộ, nhiều khi kéo lên tận duyên hải Bắc Trung Bộ, và thậm chí đôi lúc còn hiện diện cả ở vịnh Bắc Bộ.

Vào thế kỷ VIII, hải tặc Chà Và từng nhiều lần đánh cướp vùng Panduranga (tương ứng từ Phú Yên đến Bình Thuận hiện nay), châu Ái và châu Hoan (tương ứng vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh hiện nay).

Dưới thời Nguyễn, hải tặc Chà Và nhiều lần đánh cướp các đảo Côn Lôn, Hòn Khoai và vùng biển các tỉnh Nam Bộ. Như tháng 8 năm Canh Dần (1830), chúng đón cướp thuyền buôn ở phần biển Sôi Rạp (chỗ Phiên An và Định Tường giáp giới nhau) (9). Tháng 9 năm Nhâm Thìn (1832), giặc biển Chà Và lại cướp phá ở hải phận tấn Long Hưng thuộc Vĩnh Long, cướp bóc của cải và bắt cóc dân đem đi. Quan Trấn thủ Lê Văn Nghĩa đem binh thuyền đuổi bắt, có Trấn thủ Biên Hòa là Phạm Hữu Tâm và Thự Trấn thủ Phiên An là Trần Hữu Thăng đem binh thuyền hội tiễu, hải tặc liền chạy ra đảo Côn Lôn đón cướp các thuyền buôn và lại lên bờ đốt nhà, cướp của.(10)

Ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, hải tặc Chà Và cũng nhiều lần đến cướp phá thuyền buôn và dân chúng ở đây. Như tháng 7 năm Canh Dần (1830), toán giặc Chà Và do chủ tướng Trẫm cầm đầu từng hoành hành ở ngoài biển Phù My trấn Bình Thuận, cướp bóc thuyền buôn rồi sau đó kéo về Hà Tiên.(11)

Đảo Phú Quý, nay thuộc tỉnh Bình Thuận, cũng là một trong những điểm bị hải tặc Chà Và tấn công nhiều nhất. Bằng chứng là trong văn bản hành chính của làng Thới An trên đảo gửi lên triều đình Huế ngày 10 tháng 9 năm Quý Tỵ (1833), Lý trưởng của làng khi báo cáo về hộ tịch thuật lại rằng vào ngày 9 tháng 7 năm đó, có 23 chiếc thuyền của giặc Chà Và xuất hiện gần bờ và bắn chết 32 người dân trên đảo. Trong vòng 36 năm (1797-1833), nhân dân đảo Phú Quý đã ba lần bị hải tặc tấn công và họ phải chiến đấu để bảo vệ đảo.(12)

Cũng trong năm Quý Tỵ (1833), hơn 20 chiếc thuyền của hải tặc Chà Và kéo đến hoạt động ở vùng biển Khánh Hòa. Tổng đốc hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa là Vũ Xuân Cẩn hợp binh với tỉnh Quảng Ngãi cùng tuần tiễu, đánh đuổi hải tặc buộc chúng phải bỏ chạy(13). Hay vào tháng 7 năm Bính Thân (1836), giặc Chà Và cướp bóc ở Phú Yên, binh thuyền tuần biển ở đó đuổi đánh, bắt được 8 tên giặc biển.(14)

Ngoài ra, hải tặc Chà Và còn táo tợn kết hợp với hải tặc Tàu Ô cướp phá tận vịnh Bắc Bộ. Như vào tháng 1 năm Tân Mùi, hơn 20 chiếc thuyền của hải tặc (trong đó có 18 hải tặc ở Malaysia) quấy nhiễu cướp bóc các thuyền buôn ở vụng Cát Bà. Tổng đốc Lưỡng Quảng của nhà Thanh gửi giấy sang yêu cầu triều Nguyễn họp quân để cùng đánh dẹp. Thuyền binh nhà Thanh cùng với binh thuyền của Việt Nam đã bắt chém được rất nhiều giặc.(15)

Nhìn chung, so với hải tặc Tàu Ô thì hải tặc Chà Và hoạt động chủ yếu ở khu vực vùng biển từ Nam Trung Bộ đến Tây Nam Bộ, trên cả Biển Đông và Biển Tây. Sự cướp bóc của hải tặc Chà Và diễn ra liên tục với nhiều thủ đoạn hết sức tàn bạo, bao gồm đánh cướp thuyền buôn, cướp của trên đất liền và bắt cóc cả người dân để bán làm nô lệ. Thậm chí, chúng còn chiếm cứ một số đảo, nhất là Côn Lôn, để làm sào huyệt lâu dài nhằm kiểm soát con đường giao thương trên biển. Triều Nguyễn đã phải tập trung binh thuyền để trấn áp hải tặc Chà Và suốt nhiều triều vua, nhưng vẫn không trừ diệt hết được.

Chỉ từ giữa thế kỷ XIX trở đi, khi lực lượng hải quân Pháp và Tây Ban Nha hiện diện thường xuyên trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, thì nạn hải tặc Chà Và mới bị chững lại và dần dần biến mất.     

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN


(1)  Theo Giá Sơn Kiều Oánh Mậu, Bản triều bạn nghịch liệt truyện, Bộ Quốc gia Giáo dục, Sài Gòn, 1963, tr. 35.

(2)  Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập I, Bản dịch của Viện Sử học, Tái bản lần thứ nhất, Nxb Giáo Dục, Hà Nội, 2007, trang 288-289.

(3)  Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập I, Sách đã dẫn, trang 340.

(4)  Giá Sơn Kiều Oánh Mậu, Bản triều bạn nghịch liệt truyện, Sách đã dẫn, tr. 35.

(5)  Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập II, Sách đã dẫn, trang 298, 465, 780.

(6) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập III, Sách đã dẫn, trang 86-87, 95-96, 384.

(7) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập IV, Sách đã dẫn, trang 371.

(8) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập V, Sách đã dẫn, trang 106.

(9) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập III, Sách đã dẫn, trang 95-96.

(10)  Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập III, Sách đã dẫn, trang 384.

(11)  Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập III, Sách đã dẫn, trang 86-87.

(12) Theo Nguyễn Xuân Lý, Người xưa bảo vệ đảo Phú Quý, www.binhthuantoday.com, 2009.

(13) Giá Sơn Kiều Oánh Mậu, Bản triều bạn nghịch liệt truyện, Sách đã dẫn, tr. 77.

(14) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập IV, Sách đã dẫn, trang 982-983.

(15) Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập VII, Sách đã dẫn, trang 1264.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét