Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Trưng bày tranh của Edvard Munch


Trong khi Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại New York đang chuẩn bị tổ chức trưng bày một phiên bản bức tranh "The Scream" (Tiếng Thét) vào tháng tới thì Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại ở Bắc Carolina đã mở cửa  phòng tranh giới thiệu 26 tác phẩm của Edvard Munch, hầu hết tác phẩm ở thể loại in thạch bản hoặc khắc gỗ. Phòng trưng bày mở cửa đến ngày 10 tháng 2 năm 2013.

Edvard Munch năm 1921.
Edvard Munch năm 1921.

Bức tranh "The Scream" – vừa qua, đã tạo nên dư luận lớn với giá bán gần 120 triệu USD qua cuộc bán đấu giá tại công ty Sotheby. Họa sĩ Edvard Munch, người Na Uy, tác giả của bức tranh, được đánh giá là người tiên phong của chủ nghĩa biểu hiện trong nền nghệ thuật hiện đại. Ở Đức, Munch được công nhận như một trong những kẻ sáng tạo kỷ nguyên mới rồi đến trung tâm châu Âu. Tên tuổi của ông lan nhanh trên các nước châu Âu và thế giới. Tác phẩm nghệ thuật của Munch đã nổi tiếng từ những năm 1890 nhưng càng về sau, danh tiếng và sự thu hút mạnh mẽ từ tác phẩm về sau này của ông mới thực sự vững vàng hơn.

Edvard Munch lớn lên ở Oslo, thủ đô Na Uy và thời đó gọi là Chritiania. Cha của Munch, ông Christian Munch bác sĩ quân y với khoản thu nhập bình thường, giản dị. Bà mẹ tuy trẻ hơn người cha đến 20 tuổi nhưng đã mất vì bệnh lao khi Evard Munch vừa lên 5. Người chị gái của Munch, Sophie, qua đời vì bệnh ở tuổi 15. Một em gái được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần. Trong số năm anh chị em chỉ có một mình Andreas, đã từng kết hôn cũng đã chết một vài tháng sau đám cưới. Còn Evard Munch  thì đau yếu thường xuyên. Hẳn vì thế, từ ngôi nhà thời thơ ấu của Evard Munch tuy sôi nổi, đậm chất văn hóa nhưng trong tác phẩm của Munch luôn trở đi trở lại với ký ức bệnh tật, chết chóc và đau buồn.

Sau một năm tại trường kỹ thuật, Munch trở nên tận tụy đối với nghệ thuật. Ông đã nghiên cứu, tham khảo các tác phẩm của các bậc thầy cũ, tham gia các khóa học trong vẽ tranh khỏa thân tại trường Hoàng gia dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ hàng đầu của Na Uy, Christian Krohg. Tác phẩm đầu tiên của ông đã chịu ảnh hưởng của Pháp lấy cảm hứng từ chủ nghĩa hiện thực, và tài năng của ông đã sớm được phát hiện. Năm 1885 Munch đã có chuyến tham quan học tập tới Paris. Từ năm 1889 cho thấy Munch có khả năng miêu tả một không gian trữ tình, phù hợp với xu hướng lãng mạn mới của thời điểm đó. Những hình ảnh được vẽ trong Åsgårdstrand, một thị trấn nhỏ ven biển gần Horten. Đó là bờ biển đặc trưng của khu vực này, chúng ta tìm thấy được sử dụng như là một chủ đề có ý nghĩa trong rất nhiều các tác phẩm của Munch.


"Tiếng Thét".

Sau một thời gian học tập ngắn ở Paris, vào mùa thu năm 1889, Munch tổ chức một cuộc triển lãm lớn riêng biệt trong Kristiania, và sau đó đã được trao tặng một khoản trợ cấp ra ngoài nước trong thời gian  ba năm liên tiếp. Đương nhiên ông đã trở lại Paris, nơi đây ông học tập với Léon Bonnat, họa sĩ, huy chương danh dự mỹ thuật (1869), giáo sư giảng dạy tại trường Ecole des Beaux Arts từ năm 1882. Và trong thời gian này Evard Munch nhận tin cái chết của người cha. Và bức tranh mang tên "Night" (1890) đã được vẽ bắt đầu bằng nỗi cô đơn, u sầu.

Evard Munch sang sống và làm việc thời gian dài tại Đức, Bỉ trước khi trở về lại Oslo, quê hương của mình. Trong những năm sau này Munch vẽ một số nghiên cứu và sáng tác bằng cách sử dụng mô hình hay in thạch bản. Một số trong số này có một chất lượng mạnh mẽ và bao trùm cuộc sống. Ông vẫn tiếp tục khám phá những chủ đề đầy xung đột nội tâm của mình xuất phát từ những năm 1890. Ông tiếp tục để sáng tạo một số lượng đáng kể về đồ họa, bao gồm cả một số bức chân dung in thạch bản.

Trước khi Munch qua đời vào tháng 1 năm 1944, ông di chúc lưu lại bộ sưu tập lớn của mình về hình ảnh, tiểu sử và văn học cho thành phố Oslo. Vào năm 1963, Bảo tàng mang tên Munch ra đời và tại đây lưu giữ nhiều tác phẩm nghệ thuật với nhiều thể loại và chất liệu của Evard Munch. Thư viện Quốc gia ở Oslo cũng có một bộ sưu tập chính thức của Munch, đặc biệt về những bức tranh đầu tiên của ông. Một số tác phẩm khác của Munch cũng được tìm thấy trong Art Gallery Bergen.

HOÀNG ĐẶNG



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét