Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Tập hát ru con


Tôi ngoài ba mươi tuổi mới sinh con đầu lòng. Những niềm vui, sự bỡ ngỡ, những cảm xúc "thiên chức", âu lo… cũng giống như bao nhiêu người khác khi lần đầu làm mẹ.


 

Ngày con đầy tháng tuổi, theo truyền thống "xưa bày nay bắt chước", tôi cũng tập cho con nằm nôi để đánh dấu một sự thay đổi trong thời kỳ ấu nhi của con. Con trẻ nằm nôi thì mẹ phải biết cách dỗ dành cho con thích ứng với tư thế mới, cảm xúc mới. Và khi nhịp nôi lắc lư thì người mẹ nảy sinh nhu cầu… hát ru cho con! Tôi là giáo viên dạy văn mà khi hành văn mới biết vốn liếng dân gian của mình nghèo nàn đến không ngờ. Hát ru con là "ngón nghề" trời ban cho bất cứ người mẹ nào gần gũi với ca dao, dân ca dân gian vì bài hát, câu hát thường ngắn và dễ thuộc. Người mẹ không cần xướng âm chuẩn, không cần phách nhịp chính xác hoàn toàn mà vẫn có thể hát bằng tình yêu, bằng khả năng diễn xướng trầm bổng riêng của mình. Ngày xưa bà tôi không biết chữ vẫn "lẩy Kiều" làu làu, kể chuyện Vân Tiên cho tôi nghe, mẹ tôi vẫn hát đi hát lại hàng trăm bài ru con cho anh chị em tôi lớn lên trong bầu sữa nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ… Thế mà giờ đây khi biết làm mẹ, tôi lại trở nên lúng túng với chỉ vài câu hát mang máng nhớ, vài đoạn Kiều được "học thuộc lòng" thời phổ thông…

Khi chia xẻ điều này với bạn bè, tôi mới cảm nhận hết nỗi niềm hát ru giống như Nguyễn Tuân miêu tả cảnh nhà nho trong buổi tân thời vào hồi đầu thế kỷ trước. Thậm chí có người còn chê tôi lạc hậu, thời buổi thế giới phẳng thì cần gì phải ngồi đó mà ầu ơ xưa như trái đất. Mua nôi điện về cắm vào "auto ru" là xong, còn muốn "bồi dưỡng tâm hồn" thì hãy… kích đúp chuột, hay sắm riêng một điện thoại nghe nhạc sành điệu, vừa không tốn công vừa khỏi tốn sức!

Dĩ nhiên là tôi biết những bài hát ru có đầy dẫy trên mạng Internet, phong phú trong cửa tiệm băng đĩa nhưng khi tải xuống hoặc mua về, bật máy lên thì nghe chừng việc bồi dưỡng tâm hồn con nhỏ bằng cách "công nghệ hóa" cũng không mấy mặn mà.

Hát ru là một nét đẹp của văn hóa dân gian có lẽ đang dần dần mai một. Hát ru không chỉ thể hiện nghệ thuật nuôi con nhỏ mà còn là tình cảm, là tình yêu của người mẹ khi trao gửi cho con  biết bao tâm sự, biết bao nỗi lòng, trí tuệ, cảm xúc của mạch nguồn văn hóa dân gian dồi dào. Nhờ tiếng hát ru ngân vang, sâu lắng mà nhà văn Anh Đức khi miêu tả chị Sứ trong tác phẩm Hòn Đất đã viết những câu văn hay thấm tận hồn người: "Chị Sứ yêu biết bao nhiêu cái mảnh đất này, nơi quả ngọt trái sai đã thắm hồng da dẻ chị, nơi mẹ chị đã hát ru chị ngủ. Giờ đây chị lại hát ru con những câu hát ngày xưa…".

Giờ đây, tôi ở tuổi "nhi lập" mới bắt đầu… tập hát ru con.

NGUYỄN THỊ THANH THẢO



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét