Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Thủ tướng Nhật muốn sửa đổi hiến pháp


(ĐNĐT) – Thủ tướng Nhật, Shinzo Abe đã phát biểu trước Quốc hội sáng 31-1, rằng ông có ý định thay đổi hiến pháp của nước này kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2. Theo đó, quân đội Nhật sẽ trở thành một đội quân chính quy.

Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe có bài phát biểu đầu tiên về chính sách của ông trong phiên họp của Hạ viện Nhật ở Tokyo, ngày 28-1-2013. Ảnh: AFP
Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe có bài phát biểu đầu tiên về chính sách của ông trong phiên họp của Hạ viện Nhật ở Tokyo, ngày 28-1-2013. Ảnh: AFP

Phát biểu trước Thượng viện Nhật, ông Abe cho biết: "Tôi sẽ bắt đầu với việc sửa đổi điều 96 của hiến pháp, một động thái mà nhiều phe cánh (trong Đảng Tự do Dân chủ của ông) ủng hộ".

Trong cuộc tranh cử thủ tướng, ông Abe từng nói ông muốn nghiên cứu khả năng thay đổi định nghĩa về quân đội Nhật Bản có chứa trong bản hiến pháp. Hiện quân đội với ngân sách dồi dào và trang bị tối tân của nước này vẫn được gọi là Lực lượng Phòng vệ và bị hạn chế các hành vi gây hấn với vai trò ở mức độ phòng vệ đất nước.

Ông Abe cho biết, ông muốn xem xét việc làm cho Lực lượng Phòng vệ Nhật trở thành một quân đội chính quy và kế hoạch này đã rung tiếng chuông báo động tại các nước Asian, nơi phản đối sự chiếm đóng của quân phiệt Nhật trong nửa đầu thế kỷ 20.

Lực lượng chiếm đóng của Mỹ đã áp đặt hiến pháp cho Nhật sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 nhưng điều 9 về từ bỏ chiến tranh của bản hiến pháp này lại được nhiều người Nhật ủng hộ.

Các chỉ trích bản hiến pháp hiện hành cho rằng, điều 9 làm rắc rối quyền tự vệ của nước Nhật khi điều này ghi: "Nhân dân Nhật Bản từ bỏ chiến tranh vĩnh viễn như là một quyền chủ quyền quốc gia và nguy cơ hoặc sử dụng vũ lực làm phương tiện giải quyết tranh chấp quốc tế".

"Để hoàn tất mục tiêu của đoạn sau đó, các lực lượng lục quân, hải quân và không quân cũng như các tiềm năng chiến tranh khác sẽ không bao giờ được duy trì. Quyền giao chiến của quốc gia sẽ không bao giờ được công nhận", hiến pháp ghi.

Việc sửa đổi hiến pháp cần có ít nhất 2/3 số nghị sĩ ủng hộ ở cả hai viện trong Quốc hội Nhật Bản và phải được phê chuẩn bằng một cuộc biểu quyết.

Quang Hiển (theo CNA) 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét