Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Khu III Hòa Vang Tết Mậu Thân 1968 (Tiếp theo và hết)


Cùng lúc quân ta tiến công vào Sân bay Đà Nẵng, thì đội quân chính trị của Khu III đã tập kết đầy đủ tại thôn Trung Lương chờ lệnh tiến quân.

Đúng 5 giờ sáng ngày Mùng 1 Tết, lực lượng chính trị đã được lệnh chiếm lĩnh các mục tiêu đã định. Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Vân, đường tiến quân của ta lúc này gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm. Địch dùng máy bay, pháo bắn dữ dội vào đội hình quần chúng. Lúc này, do không thống nhất về thời gian theo kế hoạch, đặc biệt là mũi tiến công quân sự của bộ đội chủ lực không phối hợp được, nên kế hoạch khởi nghĩa trong thành phố phải hoãn lại, quần chúng được lệnh rút ra khỏi thành phố. Tuy nhiên, việc tổ chức đưa quần chúng trở ra phải đối mặt với khó khăn gấp bội. Lúc này, địch đã phát hiện được ý đồ của ta, nên tăng cường đối phó và đàn áp dã man. Bộ đội tỉnh, huyện và du kích phải chiến đấu cực kỳ quyết liệt để bảo vệ quần chúng. Trong cuộc chiến đấu không cân sức, lực lượng của ta, kể cả lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang đã kiên cường đấu tranh và đánh địch đến hơi thở cuối cùng. Trong đó, có đồng chí Mai Đăng Chơn, trực tiếp chỉ đạo hướng tiến công phía Nam thành phố Đà Nẵng đã anh dũng hy sinh.

Lúc này, ở Khu I và II Hòa Vang, tình hình cũng diễn ra tương tự. Ở khu II Hòa Vang, trong khi quần chúng bao vây quận lỵ, lực lượng vũ trang đã đánh thẳng vào trụ sở quận, đánh sập nhà hành chính, cảnh sát, đốt cháy kho vũ khí, đạn dược, tiêu diệt hàng chục tên địch. Hướng Khu I Hòa Vang, cuộc đấu tranh quyết liệt diễn ra tại thị trấn Nam Ô, sau đó một lực lượng vượt sông Thủy Tú để tiến vào thành phố. Trước khí thế hừng hực của quân và dân ta, bọn Mỹ đã bắn xối xả vào đội hình quần chúng, ông Nguyễn Bá Hiệu (thôn Xuân Thiều) cầm cờ đi đầu đã hy sinh tại chỗ. Trước tình hình đó, lực lượng vũ trang vừa đánh trả địch, vừa đưa một bộ phận quần chúng vào bên trong thị trấn để nổi dậy tổ chức biểu tình, thị uy cùng với lực lượng vũ trang truy bắt tề ngụy. Nhân dân ta đã làm chủ được một ngày, sau đó địch dùng hỏa lực liên tục bắn vào thị trấn Nam Ô, lực lượng quần chúng buộc phải rút ra nhưng bọn tề ngụy vẫn không dám quay trở lại thị trấn Nam Ô trong một thời gian dài.

Chiến dịch Xuân Mậu Thân đã huy động đến mức cao nhất tinh thần yêu nước và ý chí tiến công tiêu diệt giặc của Đảng bộ và nhân dân Khu III Hòa Vang. Các cán bộ, đảng viên, du kích và những cơ sở trung kiên nơi đây đã bất chấp mọi hy sinh, gian khổ, hỗ trợ đắc lực cho kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy tại thành phố Đà Nẵng, góp phần đưa cuộc chiến tranh cách mạng vào thời kỳ phát triển mới: thời kỳ kết hợp tổng tiến công và nổi dậy trên khắp cả ba vùng chiến lược: rừng núi, đồng bằng và đô thị. Quá trình chuẩn bị và thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã tỏ rõ sức mạnh và khí thế rung trời, chuyển đất của nhân dân ta. Từ đó, đã rút ra được nhiều bài học cho các cuộc tấn công, nổi dậy sau này.

Ông Vân nhớ lại, hơn lúc nào hết, trong những ngày tháng Tết Mậu Thân 1968, lòng yêu nước, ý chí độc lập, tự do và tinh thần tiến công cách mạng của Đảng bộ và nhân dân ta được thể hiện cao nhất. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng nở rộ khắp trong các tầng lớp nhân dân, các lực lượng vũ trang và tổ chức cách mạng của Đảng. Một lần nữa, lịch sử lại ghi nhận, chứng minh hùng hồn và sinh động nhất lời thề độc lập của Đảng bộ, quân và dân Đà Nẵng nói chung, Khu III Hòa Vang nói riêng một lòng "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh".

Ra đời và tồn tại chỉ có 8 năm (từ 1967 đến 1975) nhưng lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Khu III trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là bản anh hùng ca bất diệt, là một chặng đường lịch sử vẻ vang, niềm tự hào to lớn đối với Đảng bộ,nhân dân quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang hôm nay và mai sau.

VĂN NỞ


(Ghi theo lời kể của ông Lê Thanh Vân, nguyên Bí thư Đảng ủy Khu III Hòa Vang và theo Lịch sử Đảng bộ quận Ngũ Hành Sơn)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét