Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

Làng bánh tráng Túy Loan mùa Tết


Ngay từ đầu tháng 11 âm lịch, làng bánh tráng Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) vào vụ làm bánh lớn nhất trong năm để phục vụ Tết Nguyên đán 2013.

Với nhiều gia đình ở nông thôn huyện Hòa Vang, bánh tráng là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Ngoài việc đặt lên mâm cúng ông bà, bánh tráng được sử dụng rất phong phú trong bữa ăn hằng ngày (từ nướng, làm bánh tráng cuốn thịt heo, chiên…) và là món quà biếu nhau.

Bà Đặng Thị Tùng lo lắng làng bánh tráng Túy Loan đang dần mai một.
Bà Đặng Thị Tùng lo lắng làng bánh tráng Túy Loan đang dần mai một.

Đặc sản của vùng

Mới bước chân vào ngõ nhà bà Đặng Thị Tùng (73 tuổi, ở thôn Túy Loan Đông 2, xã Hòa Phong), chúng tôi đã ngửi thấy mùi thơm của gừng và nước mắm. Cả nhà 5 người gồm dâu, rể, con trai, con gái bà Tùng đang thoăn thoắt giã gừng, tỏi, khuấy bột. Tranh thủ nghỉ tay, chỉ về phía mẻ bánh mới đang được nướng trên giàn, bà Tùng cho biết: "Gia đình tôi chỉ tập trung làm bánh tráng vào 2 tháng cuối năm để phục vụ Tết. Đến chừ bạn hàng của tôi từ chợ Túy Loan, Cẩm Lệ, chợ Hàn, hay ở tỉnh Quảng Nam… đều đã đặt hàng hết rồi. Thỉnh thoảng có vài mối đặt biếu cho người thân ở Mỹ nữa".

Lò bánh tráng của bà Tùng là một trong những địa chỉ nổi tiếng nhất ở xã Hòa Phong với chất lượng bánh ngon, bảo quản được lâu (gần 2 tháng). Để phục vụ Tết, ngay từ sau Tết Nguyên đán năm trước, bà phải lo trữ gạo vì chỉ có loại gạo từ giống lúa xiệc mới được bà dùng để tráng bánh. Vào mùa, hằng ngày cả gia đình phải dậy từ 3 giờ, làm quần quật đến 14 giờ mới có được mẻ bánh tráng đầu tiên trong ngày. Bình thường chỉ làm hết 4 ang bột/ngày (một ang tương đương 30 lon gạo xay thì làm được 400 chiếc bánh tráng). Có năm vào lúc cao điểm, đến 29, 30 Tết âm lịch vẫn còn người điện thoại đến "năn nỉ" đặt hàng gần ngàn chiếc bánh, cả nhà lại phải huy động toàn bộ công suất mới làm hết 5-6 ang gạo.

Chia sẻ về bí quyết làm nên thương hiệu bánh tráng của gia đình suốt gần 30 năm qua, bà Tùng cho biết: "Để làm bánh ngon, tôi phải ngâm gạo qua một đêm. Quan trọng nhất là khâu làm gia vị, cả nhà phải tập trung giã tỏi, gừng sao cho nhuyễn gần như bột, sau đó trộn với đường, nước mắm, mè trắng. Khi quết lên mặt bánh phải đều tay để tránh chỗ dày, chỗ đậm. Cứ 1 ang gạo thì tương đương 1kg gừng, tỏi, 3kg đường, 4kg mè trắng… Khâu xông bánh phải được làm kỹ để giữ bánh lâu và không bị mốc". Ngoài số lượng bánh bỏ sỉ cho các mối ở chợ với giá từ 65.000 – 70.000 đồng/chục (10 chiếc), lò bánh của bà Tùng chủ yếu nhận làm bánh theo yêu cầu của khách với mức giá tùy chọn như 100.000 đồng, 120.000 đồng, 150.000 đồng/chục. Một mùa Tết cả nhà bà Tùng làm từ 1,2 – 1,5 tấn gạo, trừ tất cả chi phí, tiền lời khoảng từ 13-18 triệu đồng.

Có mặt tại nhà bà Tùng, bà Nguyễn Thị Tuyền (70 tuổi, thôn Túy Loan Đông 2, xã Hòa Phong) nói: "Năm nào tôi cũng đặt bánh của nhà bà Tùng vì bánh ngon, để lâu không bị mốc. Năm nay tôi đặt 100 chiếc bánh, loại 120.000 đồng/chục, để cho mấy đứa con ở trung tâm Đà Nẵng nữa".

Chia tay gia đình bà Tùng, chúng tôi đến lò bánh của gia đình bà Đinh Thị Huệ (63 tuổi, ở thôn Túy Loan Đông 2, xã Hòa Phong). Không chú trọng dòng bánh "cao cấp" như lò bánh của bà Tùng, bánh tráng từ lò của bà Huệ nhập sỉ với mức giá từ 65.000 – 70.000 đồng/chục và được làm quanh năm. Vào dịp Tết, lượng hàng tăng gấp đôi nên phải huy động cả con, cháu. "Ngoài làm bánh để bán, lò của tôi còn nhận gia công cho bà con quanh vùng, họ chỉ cần đem bột tới thì tôi sẽ làm bánh, tiền công cũng không đáng là bao, chủ yếu giúp nhau", bà Huệ cho biết.

Được biết, xã Hòa Phong nổi tiếng với làng bánh tráng Túy Loan. Toàn xã hiện có hơn 10 lò làm bánh cung cấp chính cho chợ Túy Loan và các địa phương lân cận như Cẩm Lệ, Liên Chiểu…

Lo giữ nghề

Trước đây, cả khu vực Túy Loan nhà nào cũng có lò làm bánh tráng nhưng bây giờ chỉ những gia đình sinh sống bằng nghề này mới tiếp tục duy trì. Nghề làm bánh tráng ở Túy Loan vì vậy cũng mai một dần. Dù đã nếm đủ đắng cay, vất vả của nghề nhưng khi bước sang tuổi xế chiều, bà Tùng đau đáu nỗi lo không có ai nối nghề. Bà trăn trở: "Gia đình tôi mấy đời đều có lò làm bánh tráng, ngày trước tôi làm chung với cha mẹ, đến ngoài 40 tuổi mới dám đứng ra lập lò làm bánh của riêng mình. Làm nghề ni khổ lắm, ngồi còng cả lưng, cả người lúc mô cũng lấm lem bột gạo rồi hôi mùi tỏi, nước mắm nhưng bỏ thì tiếc. Con tôi đứa nào cũng biết làm nhưng chỉ sợ khổ quá nó bỏ nửa chừng".

Lo lắng cho nghề không kém bà Tùng, bà Huệ thở dài nói: "Ngày trước cứ đến Tết thì nhà nào cũng đỏ lửa, người nấu bánh chưng, bánh tét, người tráng bánh tráng. Tôi chỉ lo lớp người như tôi mất đi không biết còn ai giữ nghề này hay không".

Đại diện Hội Nông dân xã Hòa Phong cho biết, làng bánh tráng Túy Loan nổi tiếng từ lâu, lúc cao điểm gần 70% hộ gia đình ở đây có lò làm bánh nhưng hiện nay số gia đình còn làm chưa đến 20 hộ. Để giữ nghề và góp phần nâng cao chất lượng, quảng bá hình ảnh đặc sản của vùng, HTX Hòa Phong cũng đã triển khai kế hoạch xây dựng thương hiệu bánh tráng Túy Loan.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét