Thứ Tư, 30 tháng 1, 2013

Israel tẩy chay Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc


(ĐNĐT) – Israel đã trở thành quốc gia đầu tiên tẩy chay cuộc họp xem xét tình hình nhân quyền nước này tại Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc (UNHCR), làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt giữa các nhà ngoại giao về việc làm thế nào để phản ứng lại động thái trên của Israel.

“Tôi thấy rằng phái đoàn của Israel không có trong phòng họp”, Chủ tịch UNHCR Remigiusz Henczel nói với các đại biểu trong cuộc họp ở Geneva hôm 29-1.

Israel đã tẩy chay UNHCR sau khi cơ quan này thông báo sẽ thanh sát các khu định cư của Israel. Ảnh: AFP
Israel đã tẩy chay UNHCR sau khi cơ quan này thông báo sẽ thanh sát các khu định cư của Israel. Ảnh: AFP

Israel đã cắt mọi quan hệ với 47 thành viên UNHCR hồi tháng 3-2012, sau khi cơ quan này thông báo sẽ tiến hành thanh sát các khu định cư Israel có thể xâm phạm quyền của người Palestine.

Israel đã bị chỉ trích về việc đẩy mạnh xây dựng các khu định cư trong các vùng lãnh thổ Palestine, đặc biệt là ở vùng ngoại ô của Jerusalem.

Hôm 29-1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Israel Yigal Palmor nói với AFP rằng nước này đã có ý định tẩy chay cuộc họp, “chúng tôi đã dừng tất cả các liên hệ với UNHCR vào cuối tháng ba, bao gồm cả các hoạt động hiện tại,” và nhấn mạnh: “Chính sách của chúng tôi là không thay đổi.”

Ngày 29-1, sau khi Israel vắng mặt, ông Henczel kêu gọi UNHCR thông qua dự thảo quyết định phản ứng lại động thái của Israel, bao gồm cả việc thúc giục Israel tiếp tục hợp tác với các quá trình đánh giá định kỳ của UNHCR (UPR).

Đại diện của Ai Cập cảnh báo một cách tiếp cận “mềm” đối với Israel sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm và để lại “một khoảng trống lớn đối với các trường hợp không hợp tác.”

Tuy nhiên, đồng minh chính của Israel, Mỹ đã ủng hộ đề xuất của ông Henczel. Đại sứ Mỹ tại UNHCR Eileen Chamberlain Donahoe khẳng định văn bản cần phản ánh những “nỗ lực tốt nhất để đạt được nền tảng chung và để bảo vệ cơ chế UPR trong tương lai”.

Anh kêu gọi một “kết luận phù hợp và cân bằng”, trong khi Ireland đại diện cho Liên minh châu Âu kêu gọi một “sự đồng thuận”.

Trong khi đó, đại diện Pakistan ngầm chỉ trích những người kêu gọi một phản ứng "mềm": “Chúng tôi tự hỏi… liệu kiểu tinh thần hợp tác này sẽ được mở rộng sang một số nước khác không gần gũi với một số các cường quốc lớn trên thế giới?”.

Mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau, UNHCR cuối cùng đã nhất trí đề xuất của ông Henczel.

Vĩnh Thụy (Aljazeera, AFP)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét