Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

Ngày xuân, viếng lăng Lưỡng bộ Thượng thư


Trên quốc lộ 1A, từ thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam ra thành phố Đà Nẵng, vừa băng qua làng Thanh Quýt, đối diện Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Bàn là con đường mới mở lên Khu đô thị – công nghiệp Trảng Nhật, Điện Thắng Trung. Theo con đường mới mở khá rộng, đầy rơm cỏ, đi khoảng 300m là đến lăng mộ Lưỡng bộ Thượng thư Trương Công Hy.

Cổng vào lăng mộ ngài Trương Công Hy. Ảnh: P.N.SINH
Cổng vào lăng mộ ngài Trương Công Hy. Ảnh: P.N.SINH

Cổng lăng mộ hướng về phía Đông, nằm sát mép lề đường. So với những ngôi mộ ở đây, khuôn viên lăng Ngài khá rộng và được xây bề thế. Nhưng có lẽ, khi chưa có con đường mở băng lên đây, mộ Ngài nằm khá quạnh hiu và vắng vẻ, cái cảnh và cảm giác ấy, bây giờ vẫn còn phảng phất. Cách đây vài năm, dòng tộc Trương làng Thanh Quýt chung tay chăm sóc và xây lăng mộ Ngài.

Trong tiết xuân, viếng lăng mộ Thượng thư, nỗi niềm theo hương khói, gợi nhớ bậc danh thần thuở nào.

Tổ tiên của Thượng thư Trương Công Hy là người huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), theo chân Nguyễn Hoàng trong cuộc di dân vào trấn thủ miền Thuận Hóa (1558). Ông sinh năm Đinh Mùi (1727) tại làng Thanh Quýt, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, trấn Quảng Nam (nay là xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn, Quảng Nam). Theo gia phả Trương tộc ở đây, ông thuộc tổ đời thứ 7, đỗ Hương cống dưới thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1739-1765) và bổ làm thầy dạy cho các con của chúa Nguyễn (ấu chúa Nguyễn Phúc Dương).

Nhưng lịch sử xoay vần, thời hưng thịnh võ công và văn trị rực rỡ xứ Đàng Trong, từ Nam sông Gianh (Quảng Bình) đến Hà Tiên đã nhanh chóng qua đi, sau khi Võ vương Nguyễn Phúc Khoát qua đời (1765). Quyền thần Trương Phúc Loan lộng hành, triều chính nghiêng ngã. Trong bối cảnh đó, vào năm 1771, anh em nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa. Năm 1774, triều Lê-Trịnh cử đại binh vượt sông Gianh tiến vào dẹp chính quyền chúa Nguyễn. Trương Công Hy không theo chân bộ phận lớn tôn thất, quý tộc và quan lại chạy vào Gia Định, tôn Nguyễn Ánh làm Chúa, tập hợp lực lượng chống Tây Sơn mà ra sức phụng sự vương triều Tây Sơn, sau đó ông được cử làm Tri phủ Điện Bàn. Trên cương vị này, Trương Công Hy dành hết tâm trí và có nhiều công sức chấn chỉnh bộ máy chính quyền cấp thôn xã, tổ chức khẩn hoang và chỉ huy nhân dân sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Bên cạnh đó, ông cho mở trường xã, huyện để dạy học. Ông là nhà giáo tham chính. Và khi tham chính, ông lại chăm lo giáo dục. Sau khi thôi giữ chức Tri phủ Điện Bàn (1786), Trương Công Hy được giao chức Khâm sai trấn Quảng Nam (thuộc phạm vi quản lý của Nguyễn Huệ). Dưới triều Quang Trung (1788-1792) và Cảnh Thịnh (1793-1801), ông được giao giữ chức Binh bộ Thượng thư, Hình bộ Thượng thư. Ông mất ngày 18 tháng 5 năm Canh Thân (1800), hưởng thọ 73 tuổi.

Chân dung ngài Trương Công Hy
Chân dung ngài Trương Công Hy

Ngày nay, trong dân gian truyền nhiều câu chuyện ca ngợi công đức Thượng thư Trương Công Hy với tên gọi kính trọng "Quan Thượng". Theo anh Trương Công Trân, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, cháu hậu huệ đời thứ 13 của ông, các cụ trong dòng tộc Trương kể: Sinh thời, do có công lớn trong việc lập vương triều, nên ông được nhà Tây Sơn cấp cho 500 mẫu ruộng, ngày nay là cánh đồng dọc hai bên đường từ Phú Chiêm xuống tận Lai Nghi (Điện Nam Đông) và Điện Phương. Ông mời nhân dân đến tổ chức mổ trâu làm lễ tạ ơn trời đất và phân phát cho nhân dân canh tác, không nhận bất cứ hoa lợi nào, dù là món quà nghĩa tình ngày Tết. Ngày nay, trong dân gian vẫn truyền nhau cái tên cánh đồng đó là "Đồng Quan Thượng".

Rồi có chuyện cảm động, ngày ông mất, dòng họ Trương cho dựng rạp làm chay để dân chúng khắp nơi đến viếng. Làng lúc đó phải dựng lên một "Xích hậu", tức nhà khách ở đầu đường vào nhà Quan Thượng cho quan lại và dân chúng trọ lại khi đến viếng. Con đường từ "Xích hậu" đến nhà thờ tộc Trương hiện nay vẫn được dân chúng gọi là "Ngõ Quan Thượng".

Đất Quảng lắm bậc tài danh. Điện Bàn lắm bậc danh thần. Nhưng danh thần đến cả Lưỡng bộ Thượng thư, hai bộ quan trọng của vương triều phong kiến, như Trương Công Hy thì quả thật xưa nay hiếm. Dân gian Quảng Nam có câu ca ngợi ca ông:

"Nghĩa kỳ dựng tại Tây Sơn
Tận trung báo quốc rửa hờn cho dân"

Lăng mộ của Thượng thư được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Theo ông Hồ Xuân Tịnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Quảng Nam, tỉnh đang làm hồ sơ để công nhận di tích cấp quốc gia. Dường như lâu nay, chúng ta bỏ sót, ngay cả giới khoa học sử cũng sót hay quên đi một con người đã thành Ngài trong dân chúng. Là một danh thần, "thiết nghĩ  tên tuổi và sự nghiệp của Trương Công Hy đối với sự phát triển lịch sử dân tộc cần được tôn vinh xứng đáng"(*).

PHẠM NGỌC SINH


(*) Viện Sử học Việt Nam.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét