Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Kỳ vọng năm mới


Trong không khí của mùa xuân ấm áp, mọi người đều kỳ vọng một niềm tin vững vàng trong năm mới sẽ mở ra nhiều điều tốt đẹp hơn năm cũ. Báo Đà Nẵng lược ghi những mong muốn đầu năm về ước vọng này.

Chị Hoàng Thị Hương Lan (Công nhân Công ty Giấy Vĩnh Nghiệp Đà Nẵng):


 

Mong doanh nghiệp chăm lo tốt hơn đời sống công nhân

Công nhân tại các khu công nghiệp (KCN) phần lớn là người ngoại tỉnh. Vì thế, đời sống gặp rất nhiều khó khăn về vật chất cũng như tinh thần. Để tồn tại và mưu sinh, phần lớn các công nhân phải làm việc hết sức siêng năng, chắt chiu tằn tiện từng đồng tiền, bát gạo mới mong nuôi sống bản thân và lo toan cho gia đình. Dù thời gian gần đây, nhiều công ty, xí nghiệp đã áp dụng các chính sách ưu tiên, hỗ trợ người lao động, nhưng vẫn còn số đông người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Tôi mong rằng, bước qua năm mới, công ty sẽ vượt qua mọi trở ngại để tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, từ đó giúp những công nhân xa xứ như chúng tôi có thu nhập ổn định. Đó là những việc cụ thể như cải thiện bữa ăn trưa, tăng thêm tiền ăn ca, tiền tăng ca để có thể bảo đảm sức khỏe đáp ứng yêu cầu công việc, bên cạnh đó cũng nên thăm hỏi công nhân những lúc ốm đau, có con nhỏ… Đó chính là cách động viên tinh thần tốt nhất, giúp người lao động gắn bó lâu dài với công ty.

Em A Kong (14 tuổi, học viên Trường Giáo dưỡng số 3, Hòa Phú, Hòa Vang, Đà Nẵng):


 

Cố gắng rèn luyện để trở thành người có ích

Đây là năm thứ hai em xa nhà và ăn Tết với các cô chú, các bạn học viên của trường. Ban đầu cũng thấy bỡ ngỡ và xa lạ, nhưng rồi cũng quen dần và cảm thấy được yêu thương nhiều hơn chứ không như cảm giác hồi mới vô. Hồi trước ở nhà em ham chơi quá, lêu lổng suốt ngày, cha mẹ khuyên can, ngăn cấm thế nào em cũng không nghe. Vô đây rồi nhờ các cô chú dạy dỗ mới thấy thương cha mẹ nhiều hơn, nhớ người thân từng ngày trông ngóng, mong em sớm trở về. Những lá thư em vẫn viết gửi về gia đình đều đều, mong mọi người tha thứ cho lỗi lầm của em và tạo điều kiện để em sớm về lại mái nhà thân yêu của mình. Vào đây 21 tháng, em đã hiểu ra nhiều điều tốt đẹp mà thời gian qua em đã không thấy. Và không lâu nữa là em được ra khỏi trường. Lúc đó em sẽ đi học lại và trở thành người có ích. Mong rằng những bạn bè cùng trang lứa hãy sống cho thật tốt, những ai lỡ như em thì cũng đừng bi quan, chán nản, phải cố gắng vươn lên…

SV Nguyễn Văn Thắng (Lớp 09 CNVL, Khoa Hóa, ĐH Bách khoa Đà Nẵng):


 

Sớm có việc làm khi ra trường

Ngoảnh đi ngoảnh lại em đã hết năm học thứ 4 và bước sang năm cuối cùng của sinh viên. Bạn nào ra trường cũng lo lắng, thấp thỏm như em: Không biết học xong có tìm được việc làm hay không và quan trọng là việc làm đúng với ngành nghề đào tạo của mình để cống hiến cho xã hội? Thế nhưng, không ít anh chị kỹ sư ra trường đúng vào bối cảnh nền kinh tế toàn cầu khủng hoảng nên vẫn "ăn bám" gia đình, hoặc là làm những việc "thợ đụng" như phụ hồ, xe ôm, bán hàng thời vụ… Chỉ còn một năm nữa là ra trường cho nên em mong lúc đó nền kinh tế phục hồi sẽ giúp các sinh viên tốt nghiệp như tụi em không bị thất nghiệp, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

 

 

Chị Phạm Thị Bê (tiểu thương ngành hàng áo quần chợ Hòa Khánh):


 

Cầu mong đắt hàng để làm tốt nghĩa vụ thuế

Năm qua đúng là một năm thất thu đối với những chị em buôn bán ở chợ chúng tôi. "Đã phóng lao phải theo lao", buôn bán mười mấy năm rồi, bây giờ có bỏ cũng không biết làm chi, mà theo thì biết bao nhiêu thứ phải lo. Tết chỉ qua vài ngày, biết là không nhiều khách hàng đến chợ mua sắm, nhưng vẫn phải ra kinh doanh mong vớt vát được đồng nào hay đồng đó. Thật sự, chợ ngoại thành chủ yếu phục vụ người dân lao động, người thu nhập vừa phải nhưng người mua thắt chặt chi tiêu quá khiến chị em tiểu thương chẳng đạt doanh thu. Doanh thu tốt, mọi người ở chợ không chỉ lo cho bản thân và gia đình mà còn thường xuyên có những hoạt động xã hội tích cực như làm từ thiện, quyên góp xây nhà tình nghĩa… Cũng mong qua năm 2013, Ban quản lý chợ, UBND quận tạo điều kiện để hộ kinh doanh hoạt động hiệu quả, mua bán đắt hàng hơn sẽ giúp chị em chúng tôi làm tốt nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.

Thiếu úy Nguyễn Hữu Huy (Công an phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu):


 

Mong giữ vững an ninh trật tự địa phương

Về nhận công tác, tôi được giao phụ trách hai khối Nam Ô 1 và Xuân Dương. Trước đây địa bàn này được xem là tương đối phức tạp và có nhiều đối tượng vi phạm so với các khu vực khác. Tình trạng thanh- thiếu niên hư, bỏ học, tụ tập uống rượu, đánh bạc và gây rối trật tự diễn ra thường xuyên. Tuy vậy, vài năm gần đây, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của cấp trên, sự phối hợp của các chi bộ khu dân cư và nỗ lực quyết tâm cao của anh em đồng nghiệp, chúng tôi đã bám sát cơ sở, gặp gỡ các đối tượng để từng bước cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỡ trở về quê hương làm ăn lương thiện. Nhờ đó, đã có sự chuyển biến rõ nét về tình hình an ninh trật tự tại đây, các tệ nạn xã hội giảm hẳn. Tuy nhiên, đây là địa bàn nằm trong vùng di dời giải tỏa, công ăn việc làm người dân chưa ổn định, đời sống dân trí chưa cao nên chắc chắn trong thời gian tới sẽ còn diễn biến khó lường, đòi hỏi những chiến sĩ chúng tôi luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh tuyên truyền xuống nhân dân với quyết tâm giữ vững an ninh trật tự địa phương.

DUYÊN ANH (ghi)

 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét