Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Khẳng định đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực phát triển đất nước


Một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung:

1- Cơ quan Nhà nước là chủ thể được nhân dân ủy thác để thay mặt mình thực thi công vụ thông qua dân chủ đại diện. Do đó cần xác định những chủ thể có trách nhiệm và vinh dự được nhân dân trao quyền ủy thác.

Tại Điều 6 cần bổ sung thêm: "Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND, "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam" và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước". Vì Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân được khẳng định trong Hiến pháp 1992 và các nghị quyết, văn bản pháp luật của Đảng và Nhà nước. Chỉ có MTTQVN mới có quyền và trách nhiệm đại diện nhân dân tổ chức hiệp thương, bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND, đồng thời thực hiện chức năng giám sát đại biểu dân cử các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức.

2- Tại Chương II quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Trong đó có 18 quyền cơ bản của công dân nhưng về nghĩa vụ công dân thì đề nghị có một số điều cần bổ sung hoặc sửa đổi:

2.1- Khoản 2 Điều 15 đề nghị bỏ cụm từ: "chỉ có thể bị" để khẳng định luôn chứ không nên quy định chung chung.

2.2- Khoản 3 Điều 20 đề nghị thêm cụm từ: Công dân có trách nhiệm thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội; "đối với xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

2.3- Khoản 3 Điều 25 đề nghị thêm và sửa lại: "Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật" (bỏ từ "hoặc")

2.4- Khoản 1 Điều 26 đề nghị thêm: "Công dân nam, nữ bình đẳng có quyền "và nghĩa vụ" ngang nhau về mọi mặt chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình".

2.5- Khoản 1 Điều 32 đề nghị sửa lại cho rõ: "Không ai bị coi là có tội khi bản án kết tội của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật".

2.6- Điều 48 đề nghị sửa lại: "Bảo vệ Tổ quốc là "quyền và nghĩa vụ" thiêng liêng, cao quý của công dân.

Công dân "đến tuổi phải thi hành" nghĩa vụ quân sự và tham gia…".

II- Về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

1- Từ khi có Đảng đến nay trải qua bao chặng đường lịch sử. Đảng, Nhà nước và MTTQ luôn khẳng định đoàn kết thống nhất là mấu chốt dẫn đến cách mạng thành công. Trong chiến tranh cũng như trong hòa bình và đặc biệt trong thời kỳ hiện nay thì đại đoàn kết toàn dân tộc phải được khẳng định trong Hiến pháp, phù hợp với các văn bản, nghị quyết của Đảng và Nhà nước đã ban hành.

Tại Điều 9 đề nghị bổ sung mới vào khoản 1:

 "Đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực phát triển đất nước và xã hội; trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. MTTQVN và các tổ chức chính trị – xã hội là thành tố trong hệ thống chính trị nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân".

Về khoản 1 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đề nghị chuyển thành khoản 2 và thêm cụm từ:

MTTQVN là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, "các tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp", các tổ chức xã hội, "tổ chức xã hội – nghề nghiệp", và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài".

Về khoản 3 trong dự thảo đề nghị chuyển thành khoản 4 và sửa lại cụm từ:

Nhà nước "bảo đảm" điều kiện để MTTQVN và các tổ chức thành viên của Mặt trận hoạt động".

TRƯƠNG CÔNG MÙI

Hội viên Hội Luật gia, Trưởng ban Dân chủ-Pháp luật Mặt trận thành phố



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét