Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Rau mất giá sau Tết


Sau Tết, nông dân Hòa Vang tất bật chuẩn bị thu hoạch vụ rau mới. Song điệp khúc "được mùa, mất giá" lại diễn ra khiến người trồng rau kém vui.

Nhiều thửa đất bị bỏ trống.
Nhiều thửa đất bị bỏ trống.

Trồng dễ… bán khó

Thông thường, những tháng cuối năm Âm lịch luôn có mưa lũ, trời lạnh khiến rau khó trồng. Năm nay, từ tháng Chạp sang tháng Giêng trời vẫn đẹp, lượng mưa vừa đủ, tạo điều kiện cho rau phát triển. Vì thế, hầu hết các cánh đồng rau trong huyện đâu đâu cũng xanh ngút tầm mắt.

Có mặt tại vườn rau xanh ở xã Hòa Tiến vào ngày mồng 8 tháng Giêng, chúng tôi bắt gặp hình ảnh bà con nông dân đang làm đất để trồng vụ rau mới. Thế nhưng đây đó, nhiều thửa đất vẫn bị bỏ trống hoặc nhiều luống rau đã lên màu xanh tốt nhưng bà con vẫn không chịu nhổ bán. Nhiều nông dân cho biết thời điểm này giá rau rớt thê thảm, tiền bán rau không đủ mua phân, mua giống, chưa kể tiền công chăm sóc mấy tháng nay. Ông Nguyễn Văn Dũng (thôn Yến Nê 1, xã Hòa Tiến) đang gieo lứa cải mới nhưng tâm trạng vẫn không vui: "Mọi năm, mùa này trồng rau gặp nhiều khó khăn nhưng bù lại giá bán cao. Còn năm nay, rau tốt bời bời mà giá bán quá rẻ, nông dân không có lãi".

Đến làng rau sạch Túy Loan (xã Hòa Phong), không khí những ngày đầu năm mới cũng thật buồn tẻ. Khắp làng rau, những luống cải xanh, đậu tây, dưa leo… đã đến ngày thu hoạch nhưng không thấy mấy ai ngó ngàng tới. Chưa kịp mừng vì vụ rau được mùa thì những người nông dân ở đây lại lo lắng tìm đầu ra cho sản phẩm. 87 hộ trồng rau đều lâm vào cảnh "trắng tay" vì rau mất giá. Mặc dù dịp trước Tết, huyện Hòa Vang đã đầu tư xây dựng cửa hàng kinh doanh rau sạch tại chợ Túy Loan để tạo thương hiệu cho làng rau này nhưng nhiều hộ dân vẫn bán không được. "Hôm ni thấy mấy luống cải lên cao quá nên tui nhổ ra chợ bán. Nhưng ngồi cả buổi sáng, mỏi cả lưng mà cũng chẳng bán được bao nhiêu dù giá rau đã giảm đi nhiều so với trước Tết. Ở chợ, người bán lại đông hơn người mua", bà Nguyễn Thị Cần, người trồng rau ở làng Túy Loan cho biết.

Cung vượt quá cầu

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ giá rau năm nay thấp là do "cung vượt quá cầu" vì hầu hết các làng rau trong huyện Hòa Vang đều được mùa lớn. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ các mặt hàng rau xanh ở huyện cũng như khu vực nội thành bị "dội chợ" do mùa vụ của họ cũng trùng với những làng rau khác ở tỉnh Quảng Nam. Nhiều người trồng rau xứ Quảng đem rau ra các chợ ở Đà Nẵng bán khiến giá rau càng rớt thê thảm. Những ngày sau Tết, giá rau tại các vườn bình quân chỉ vài ngàn đồng một kilôgam. Cụ thể, chiều mồng 8 tháng Giêng, giá rau cải xanh chỉ ở mức 2.500 – 3.000 đồng/kg, xà-lách 4.000 – 5.000 đồng/kg, hành lá 8.000 đồng/kg, đậu tây 3.000 đồng/kg, dưa leo 2.000 đồng/kg… Theo người trồng rau thì giá này thấp hơn nhiều so với mùa rau cùng kỳ năm ngoái từ 3 đến 5 lần và giảm từ 20 – 30% so với trước Tết.

"Rau mất giá, bà con nông dân không chịu nhổ bán vì thu hoạch là lỗ. Trong lúc đó, thấy rau xanh tốt, nhiều người mua rau lại "chê" rau quá đẹp, nghi ngờ chúng tôi bón phân sinh trưởng. Từ khi vào làng rau sạch, bà con nông dân đã tuân thủ đúng quy trình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGap, thậm chí nhiều người còn đọc thuộc làu nữa", ông Trần Lượng, Phó Chủ nhiệm HTX Rau sạch Túy Loan cho biết. Theo ông Lượng, bên cạnh bị thương lái chê rau quá đẹp và ép giá thì một nguyên nhân nữa khiến rau xanh rớt giá là vào thời điểm sau Tết, thị trường ở các chợ trên địa bàn huyện vẫn chưa sôi động. Mất thị trường tiêu thụ đương nhiên giá rau sẽ hạ.

"Được mùa mất giá, mất mùa được giá" dường như vẫn là cái vòng luẩn quẩn đối với bà con nông dân. Lúc này, người nông dân mong đợi chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ kịp thời giúp bà con khắc phục khó khăn, thu hồi vốn, tiếp tục cho vụ trồng tiếp theo.

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét