Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Nhật


Ba tàu hải giám của Trung Quốc lại vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, khu vực đang tranh chấp với Nhật Bản.

Tàu hải giám của Trung Quốc xuất hiện gần quần đảo tranh chấp.                                          Ảnh: AFP
Tàu hải giám của Trung Quốc xuất hiện gần quần đảo tranh chấp. Ảnh: AFP

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết, các tàu Haijian 46, Haijian 50 và Haijian 66 tiến vào vùng gần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông lúc 8 giờ 55 ngày 18-2. Hãng AFP cho rằng, động thái này phủ bóng đen lên chuyến công cán của Đại sứ Nhật Bản Shinsuke Sugiyama đến Trung Quốc trong tuần này nhằm cải thiện mối quan hệ ngoại giao đang bị rạn nứt nghiêm trọng. Như vậy, trọng trách của ông Sugiyama sẽ khó khăn hơn.

Theo Hãng tin Kyodo, Nhật Bản đã chính thức gửi công hàm đến Trung Quốc, bày tỏ sự phản đối về những gì mà Tokyo cho là xâm phạm chủ quyền lãnh hải. Đây là diễn biến mới nhất trong hàng loạt vụ việc liên quan đến tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản và Trung Quốc, trong đó có cả vụ đối đầu giữa các tàu chiến của hai nước, dẫn đến căng thẳng leo thang. Tuần trước, Nhật Bản cáo buộc Trung Quốc khóa radar nhắm bắn vào một tàu khu trục và một trực thăng quân sự của nước này. Tuy nhiên, Bắc Kinh bác bỏ các cáo buộc.

Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á khơi mào từ tháng 9 năm ngoái khi Nhật Bản quốc hữu hóa 3/5 đảo thuộc quần đảo tranh chấp.

Hôm nay (19-2), Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản phụ trách các vấn đề châu Á và châu Đại Dương Shinsuke Sugiyama đến thủ đô Bắc Kinh. Dự kiến, ông Sugiyama sẽ hội đàm với đặc phái viên của Trung Quốc Vũ Đại Vĩ, phụ trách quan hệ bán đảo Triều Tiên. Theo AFP, ông Sugiyama cũng có thể gặp gỡ ông La Triệu Huy, phụ trách vấn đề châu Á của Trung Quốc, nhằm bàn thảo về mối quan ngại của Tokyo đối với vụ radar.

Liên quan đến vụ khóa radar vào ngày 30-1 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phản ứng tức giận, yêu cầu Trung Quốc phải xin lỗi và nỗ lực ngăn chặn vụ việc tái diễn. Theo Chính phủ Tokyo, đây là hành động nguy hiểm bởi khóa radar nhắm bắn là bước cuối cùng trước khi khai hỏa. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cũng khẳng định việc khóa radar là hành động khác thường và một sai sót nhỏ cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Đến ngày 5-2, Nhật Bản mới công bố thông tin về vụ khóa radar với phản ứng gay gắt nhưng đầy thận trọng.

Các nhà quan sát cho rằng, Nhật Bản muốn ngăn chặn các hành động khiêu khích và cũng kiềm chế không để căng thẳng trên biển Hoa Đông leo thang hơn nữa. Song, với việc các tàu hải giám Trung Quốc liên tục hiện diện ở vùng biển này thì sẽ khó để Nhật Bản có những nỗ lực cải thiện quan hệ Tokyo – Bắc Kinh.

PHÚC NGUYÊN



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét