Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Tuyển sinh 2013: "Khuyến khích các trường tuyển sinh riêng"


(ĐNĐT) – Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Bùi Văn Ga, từ nay đến năm 2015, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng vẫn theo phương thức "3 chung" kết hợp với việc khuyến khích các trường có đủ điều kiện thực hiện tuyển sinh riêng. Ngoài ra, Bộ đang cùng các trường nghiên cứu đổi mới căn bản cách thi cử áp dụng sau năm 2015, đồng thời với việc đổi mới chương trình ở bậc phổ thông.

Thí sinh làm thủ tục dự thi ĐH-CĐ năm 2012 tại Đà Nẵng.(Ảnh: Đ.Mạnh).
Thí sinh làm thủ tục dự thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 tại Đà Nẵng.(Ảnh: Đ.Mạnh).

Cụ thể, từ nay đến năm 2015, song song với phương thức "3 chung", Bộ khuyến khích các trường có đủ điều kiện thực hiện tuyển sinh riêng theo quy định của Luật Giáo dục Đại học (GDĐH). Để thực hiện tuyển sinh riêng, các trường cần có đề án thể hiện rõ năng lực thực hiện tuyển sinh riêng của mình đồng thời cam kết chịu trách nhiệm về tính nghiêm túc, khách quan, công bằng, không tái diễn luyện thi… Những trường nào có đề án tuyển sinh đảm bảo các điều kiện nêu trên sẽ được Bộ phê duyệt, không phân biệt là trường công lập hay ngoài công lập.

Hiện tại, Bộ đã phê duyệt đề án tuyển sinh riêng của 10 trường khối năng khiếu nghệ thuật để thực hiện trong kỳ tuyển sinh năm 2013.

Chính sách ưu tiên đặc biệt đã được đưa vào quy chế tuyển sinh năm 2012 áp dụng cho thí sinh ở 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, nay được bổ sung thêm 20 huyện biên giới, hải đảo của vùng Tây Nam Bộ.

Năm nay, những thí sinh có nguyện vọng thi liên thông vào các trường có tuyển sinh đối tượng này cũng sẽ đăng ký dự thi chung kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy.

Vì vậy, trong hồ sơ dự thi, Bộ đã bổ sung thêm các chi tiết này để thí sinh đăng ký và các trường dựa vào đó xét tuyển. Các trường được chủ động trong phân bố chỉ tiêu liên thông chính qui nhưng không quá 20% trong tổng chỉ tiêu chính qui chung được xác định theo năng lực đào tạo của trường quy định tại Thông tư 57.

Về chủ trương buộc thí sinh học liên thông tốt nghiệp dưới 36 tháng phải thi tuyển sinh đầu vào đại học “3 chung” cùng các thí sinh khác gây sự bất bình trong dư luận các học sinh học liên thông và các trường ĐH, CĐ, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, đào tạo liên thông chỉ là cách tổ chức đào tạo chứ không phải là hệ đào tạo mới.

Trong thời gian thí điểm vừa qua, do quy chế chưa cụ thể khiến nhiều người hiểu nhầm đào tạo liên thông là một hệ đào tạo mới với chương trình riêng, tuyển sinh riêng, đánh giá chất lượng riêng…nên dẫn đến hệ lụy là chất lượng đào tạo không đảm bảo, người sử dụng lao động từ chối tuyển dụng, gây thiệt thòi quyền lợi cho người học.

Thứ trưởng khẳng định, Thông tư mới không hề gây khó khăn đối với thí sinh có nguyện vọng học liên thông lên bậc học cao hơn, mà ngược lại còn tạo điều kiện thuận lợi để thí sinh thể hiện năng lực của mình, tùy theo thế mạnh của từng người.

Theo đó, người học có thể thể hiện năng lực bằng 1 trong 2 cách: hoặc bằng kiến thức cơ bản hoặc bằng kiến thức chuyên môn. Nếu muốn thể hiện năng lực kiến thức cơ bản thì có thể dự thi ngay sau khi tốt nghiệp. Nếu muốn thể hiện năng lực chuyên môn thì thí sinh phải có thời gian hoạt động nghề nghiệp nhất định.

Về đề thi tuyển sinh năm nay, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, đề thi được xây dựng trên nguyên tắc nội dung nằm trong chương trình phổ thông, chủ yếu là lớp 12, không quá khó, không đánh đố thí sinh và có tính phân loại cao. Việc ra đề đã có sự tham gia đông đảo của các thầy, cô giáo trực tiếp dạy phổ thông.

Bản chất vấn đề là xác định chuẩn ngưỡng kiến thức tối thiểu để thí sinh trúng tuyển có thể tham gia học tập được, nên việc điều chỉnh điểm sàn mang tính thuyết phục cao hơn là điều chỉnh cấu trúc đề thi.

Đắc Mạnh (Tổng hợp)

 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét