Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

Thành phố Rồng bay Cuộc kiến tạo lớn


Xuân Quý Tỵ đang đến với Thăng Long – Hà  Nội và nước Việt yêu dấu của ta.

Từ thành Đại La chu vi chỉ 3.000 bộ vào năm 1010, Hà Nội năm 2013 bao gồm 29 quận, huyện, 577 xã, phường diện tích 3.344 km2, dân số 7,1 triệu người, mang trong mình những tiềm năng, sức mạnh tinh thần, vật chất to lớn. Núi Nùng, sông Nhị đang sánh vai cùng núi Tản, sông Đà trong một không gian văn hóa và tinh thần hòa hợp.


 

Sau hơn 4 năm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, cả guồng máy lớn của Thủ đô chuyển động ngày càng nhịp nhàng, giải quyết được một khối lượng công việc đồ sộ đạt những kết quả đáng mừng. Hà Nội hiện đang trong tiến trình công nghiệp hóa và đô thị hóa với tốc lực lớn nhưng lại đang mất cân bằng nghiêm trọng trên nhiều mặt, trong đó gay gắt nhất là quá tải dân cư ở khu vực trung tâm, ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Những việc thường nhật của Thủ đô mở rộng, những việc dồn đọng từ nhiều năm trước, những việc mới phát sinh bức xúc, nhất là trong lĩnh vực xây dựng và trật tự đô thị, tất cả đòi hỏi phải xử lý vừa linh hoạt, vừa căn cơ sao cho vừa đáp ứng được yêu cầu nóng trước mắt, lại phải phù hợp với tương lai dài lâu.

Vượt lên những khó khăn, thử thách nặng nề do tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế thế giới và những vấn đề nội tại của nền kinh tế nước ta, năm 2012 Hà Nội đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện: GDP của Thủ đô  tăng 8,1% so với năm trước, gấp hơn 1,5 lần so với mức tăng bình quân của cả nước; thu ngân sách vượt chỉ tiêu, đạt hơn 46.500 ngàn tỷ đồng; giảm 23.000 hộ nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho 135.000 lượt người; văn hóa – xã hội tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm; an ninh, quốc phòng được củng cố vững chắc; đời sống nhân dân, nhất là ở khu vực nông thôn, vùng xa trung tâm được cải thiện rõ rệt… Trong tim mình và lòng bạn bè bốn phương, Hà Nội là xứ sở của bình yên. Đó là điều vô cùng quý giá!

Hà Nội bước vào năm 2013 với niềm vui lớn: Luật Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua cùng với Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là những văn bản hết sức quan trọng, tạo nền móng pháp lý vững chắc cho Thủ đô bước vào thời kỳ phát triển mới mạnh mẽ hơn.

Chưa bao giờ Thăng Long – Hà Nội được chứng kiến một cuộc kiến tạo vĩ đại như bây giờ. Đại lộ Thăng Long, lớn nhất nước, dài 30km, rộng 140m, nối liền Thăng Long xưa với những vùng đất mới của Thủ đô mở rộng hôm nay. Hàng loạt công trình giao thông trọng điểm như: đường Văn Cao, đường 32, đường Nhật Tân – Nội Bài, đường Cát Linh – La Thành – Láng, hệ thống kết nối đường vành đai 1, 2, 3, vành đai 2,5, 3,5 và một phần vành đai 4 đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Hà  Nội đang gấp rút đầu tư các tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội, Ngọc Hồi – Yên Viên, Trần Hưng Đạo -  Nam Thăng Long… Chỉ trong giai đoạn 2011-2015, Hà Nội cần triển khai hơn 1.000 dự án có mức tổng đầu tư tới 572.376 tỷ đồng, trong đó có 446 dự án giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị với mức đầu tư khoảng 430.400 tỷ đồng.

Năm 2012, việc Hà Nội khánh thành và đưa vào sử dụng tuyến đường vành đai 3 trên cao – đường cao tốc đô thị đầu tiên, cùng với 5 cầu vượt kết cấu nhẹ tại 5 nút giao thông trọng điểm của Thủ đô đã góp phần giải tỏa có hiệu quả ách tắc giao thông. Các công trình mới này cùng cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, Cung Trí thức, đường Lê Văn Lương nối dài, Công viên Hòa Bình, Tượng đài Bác Hồ – Bác Tôn, Tượng Thánh Gióng, Bảo tàng Hà Nội, Thư viện Hà Nội, Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam, hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây và một loạt công trình khác đang làm cho gương mặt Thủ đô càng tươi trẻ.  Những công trình bề thế, những khu đô thị hiện đại nối tiếp nhau mọc lên, từng làng quê thay đổi mỗi ngày trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới tại 401 xã…, tất cả cùng kiến tạo diện mạo mới tươi sáng, tạo thành một sức vươn mới cho Thành phố Rồng bay. Sức vươn đó được tạo dựng từ muôn triệu trái tim, khối óc, bàn tay của  con dân đất Việt, như phù sa sông Mẹ cần mẫn bồi đắp đêm ngày.

Sông Hồng – dòng sông Cái, sông Mẹ của Hà Nội và cả vùng đồng bằng Bắc Bộ – có 45km chảy qua địa phận Thủ đô. Cùng nhịp thủy lưu của sông Mẹ, lớp lớp anh hùng hào kiệt, văn sĩ đã cùng tụ về Thăng Long lập nghiệp. Trải qua nghìn đời, muôn thảm phù sa của sông Hồng đã lặng lẽ bồi đắp nên thịt da cơ thể của đất kinh kỳ, của cả một vùng châu thổ phì nhiêu, rộng lớn của non sông gấm vóc ta. Xuyên suốt qua năm dài, tháng rộng, phù sa của lịch sử đã hội tụ về Thăng Long, kết tinh, rồi từ đây những giá trị tinh hoa nhất lại tiếp tục tuôn chảy tới mọi miền đất nước, cùng xây đắp nên nền văn hiến Việt Nam rạng rỡ.

Cầu Long Biên - một trong những biểu tượng của Thủ đô
Cầu Long Biên – một trong những biểu tượng của Thủ đô

Một thiên niên kỷ qua, như chứng nhân lịch sử muôn đời, sông Hồng không ngừng reo vang hùng ca Thăng Long – Hà Nội, với kỳ tích lẫy lừng của thế hệ con cháu Vua Hùng thời đại Hồ Chí Minh mà dịp kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không cuối tháng 12-2012 là một minh chứng vô cùng sống động.

Bây giờ, Hà Nội đã có 6 cây cầu lớn vươn mình vắt ngang sông Hồng, trông xa như những dải lụa in lên nền trời: cầu Thăng Long, cầu Long Biên, cầu Chương Dương, cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì và cầu Nhật Tân sắp nối nhịp đôi bờ; nay mai Hà Nội sẽ xây tiếp 3 – 4 cầu nữa. Bài ca sông Hồng đã ngân vang qua hàng ngàn năm cùng lịch sử, sẽ còn vang mãi cùng nhịp trường sinh chốn địa linh Hà Nội.

Từ mấy năm nay, Hà Nội đang hình thành một phong cách mới, một phong thái mới ngày càng rõ nét. Nhìn vào những con phố tinh tươm, quang đãng, không còn những đống rác lù lù, ngổn ngang thách thức; không còn chọc vào mắt đủ các loại rác trời, rác đường, rác tường; hãy nhìn những mặt hồ trước đây nước đen kịt, bốc mùi hôi thối, bây giờ nước trong xanh, bờ kè tươm tất; hãy nhìn hành vi của một cháu nhỏ cứ giữ khư khư trong tay một vỏ bánh kẹo cho đến khi tìm được thùng rác, chứ không chịu vứt ra đường… Phía sau tất cả những điều tưởng đơn giản hay nho nhỏ ấy là cả một sự chuyển động đáng mừng hướng đến nếp sống thanh lịch – văn minh bền vững. Hà Nội "xanh, sạch, đẹp" phải là vẻ đẹp lâu bền gắn liền với phát triển một đô thị bền vững, được nuôi dưỡng bởi những công dân biết sống đẹp! Mong sao vẻ đẹp của Thủ đô ngàn năm văn hiến trở thành luồng ánh sáng có sức lay động và thức tỉnh đối với những người chưa có nếp sống đẹp – nếp sống thanh lịch, văn minh trên đất Hà thành.

Năm 2013 là năm thứ 1003 của Thăng Long – Hà Nội!

Thăng Long – Hà Nội, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, nơi bồi đắp tâm hồn, nơi quá đỗi thiêng liêng của mọi công dân xứ sở. Trong mênh mông thẳm sâu lịch sử, Hà Nội trở nên gần gũi và thân thương biết bao. Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, một nguồn sáng từ thẳm sâu nguồn cội xâm chiếm tâm hồn ta, âm thầm mà mãnh liệt, ấm áp mà linh diệu. Nguồn sáng đó tăng thêm động lực cho cuộc gây dựng cơ đồ trên đất Thăng Long và non sông nước Việt.

Mạch nguồn ngàn năm đang chảy trong huyết quản con dân nước Việt, bồi đắp lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước và nâng cao trách nhiệm công dân. Truyền thống ngàn năm rạng rỡ đang soi chiếu đường ta đi. Ngọn đuốc lớn ấy thắp lên ngọn lửa trong hàng triệu con tim – ngọn lửa yêu thương, ngọn lửa cống hiến vì Thủ đô thân yêu.

HỒ QUANG LỢI



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét