Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

Gặp người Tài Đà Nẵng ở Huế


Đọc nhan đề, hẳn không ít độc giả ngạc nhiên. Trước hết là lỗi "chính tả" – sao chữ "Tài" lại viết hoa? Mà làm chi có chuyện "nước chảy ngược" – Lâu nay, Đà Nẵng vẫn là địa phương có tiếng về chuyện thu hút nhân tài; thực tế là đã có không ít "người tài" từ Huế bị hút vào Đà Nẵng.

Họa sĩ Lê Kinh Tài bên tranh
Họa sĩ Lê Kinh Tài bên tranh "Cá gỗ 2".

Có thể trả lời ngay "thắc mắc" đầu tiên: "Tài" viết hoa vì đây là tên một họa sĩ nổi tiếng: Lê Kinh Tài (LKT), một người con của thành phố Đà Nẵng. Tôi vừa gặp anh tại một cuộc triển lãm với những bức tranh mới tinh – những tác phẩm có thể nói là hoành tráng và đậm chất "Lê Kinh Tài".

Điều đặc biệt là những bức tranh này LKT vẽ ngay tại Huế. Nói chính xác là anh em họa sĩ song sinh Thanh-Hải, chủ nhân của New Space Art Foundation đã mời LKT ra Huế, ăn ở và vẽ tranh trong suốt một tháng tại xưởng họa của mình. Anh em song sinh Thanh-Hải, quê Quảng Bình, sinh năm 1975, sau khi tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Huế, với hai bàn tay trắng, không chỉ tự mình đứng vững với một Gallery trên phố "du lịch" Phạm Ngũ Lão và "New Space" – một xưởng họa xây dựng tại Lại Thế, một làng quê yên tĩnh ở ngoại vi Huế, mà còn thường xuyên giúp các bạn đồng nghiệp trong Nam ngoài Bắc về làm việc tại Huế, tổ chức những cuộc triển lãm, những buổi nói chuyện về các vấn đề văn học nghệ thuật đương đại trong nước và quốc tế tại một địa chỉ rất đẹp bên bờ sông Hương.

Không dám nói là không gian nghệ thuật Huế đã thu hút được một nhân tài Đà Nẵng, chỉ biết khi tôi hỏi anh đã đem tranh về quê hương triển lãm lần nào chưa thì anh trả lời nhỏ nhẹ rằng "chưa"; hỏi "vì sao?", LKT chỉ cười thay cho câu trả lời.

Thực ra, với một nghệ sĩ tài năng thì ranh giới địa phương không còn là yếu tố ràng buộc. Như tranh của anh em Thanh-Hải đã đi đến nhiều phương trời, mà mấy ai để ý họ sinh ra bên bờ sông Nhật Lệ… LKT cũng vậy, anh đã là một họa sĩ thành danh. Trong một bài trên Báo Lao động ngày 31-7-2009 đã viết: "LKT sinh năm 1967, một trong số tên tuổi nổi bật của hội họa trẻ TP. Hồ Chí Minh và cả nước". Nhà báo Nguyễn Trọng Chức, người phụ trách ban lý luận phê bình của Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, bay ra Huế chỉ để xem tranh mới của LKT, chứ không vì Đà Nẵng hay Huế.

Với ngành mỹ thuật, tôi là kẻ ngoại đạo, nên xin dẫn ý kiến đánh giá của hai nhà chuyên môn. Họa sĩ Phan Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Huế nhận xét: "Các họa sĩ ở Huế ít người chạm đến những góc nhìn như LKT. Với sắc màu khác lạ, nội dung ám ảnh mang nhiều ẩn dụ, đi qua tranh của LKT, khó mà không ngoảnh lại chiêm nghiệm…". Anh Nguyễn Trọng Chức thì bổ sung tính biếm nhại, trào lộng đậm tính nhân văn của tranh LKT… Tác phẩm nghệ thuật đích thực thường vẫn đa nghĩa như vậy.

Anh Chức còn cho biết LKT nổi tiếng đến mức, mở Google, gõ tên "họa sĩ LKT" có đến 4 triệu kết quả! Có lẽ đây là con số đã "cũ" vì tôi về "kiểm tra" thì đến ngày 27-11-2012, Google cho biết LKT đã có 8.050.000 kết quả. Cũng qua Google, được biết LKT đã có lần bán hơn ba chục bức tranh với giá 4,9 tỷ đồng, mặc dù anh tuyên bố "không vẽ để nịnh mắt người mua"!…

Đến thế thì… "kinh" thật! Và các Cụ nhà ta ở Đà Nẵng chọn tên "Kinh Tài" cho con quả là đích đáng.

Tranh
Tranh "Bánh vẽ".

Tuy vậy, trước mắt tôi, LKT với cái đầu trọc lóc, đôi kính cận thường trực và nụ cười rất tươi lại tỏ ra thật giản dị, dễ gần. Trước cử tọa đông đảo, LKT chỉ nói vắn tắt, đại ý: Anh đã chuẩn bị, ngẫm nghĩ về những ý tưởng cho phòng tranh này 7 tháng, sau một tháng sáng tác tại  "New Space", kết quả tốt hơn mong đợi. Ở đây, tiếp xúc với Huế, với các bạn sinh viên trẻ, anh đã tìm thấy lại tuổi thơ của mình khi còn sống ở quê hương miền Trung…

Quả là những tác phẩm của LKT tại triển lãm này đều gợi nhắc những kỷ niệm tuổi thơ, từ các tên gọi "Cá gỗ", "Bánh vẽ"… đến những công thức toán, những từ tiếng Anh thời học trò ai cũng biết; cả cách dùng màu sắc nguyên mẫu, tươi tắn cũng gợi nhớ các con "tò he" bày trên mẹt đan bằng tre nứa ở những phiên chợ quê ngày Tết… Riêng với  3 bức tranh  "Cá gỗ", LKT cho tôi biết, anh đã nghe mẹ kể sự tích con "cá gỗ" từ khi còn ở Đà Nẵng – câu chuyện có người cho là thể hiện sự tằn tiện, có người lại cho là cách chê bai thói sĩ diện hão của một anh chàng quê Nghệ Tĩnh – nhưng theo LKT, tính chất "Cá gỗ" ngày nay mà anh thể hiện trên tranh đã khác xưa…

Một điều "khác người" là LKT không thể hiện những dấu ấn tuổi thơ bằng những tác phẩm xinh xắn, dễ thương mà tranh LKT thường có khuôn khổ lớn, tạo ấn tượng mạnh, có khi là dữ dằn. Như bức tranh "Bánh vẽ" có kích cỡ 1,2 x 4m; tranh "Cá gỗ 1" còn lớn hơn: 2,5 x 5m… Cũng không thể tìm ở tranh LKT sự trau chuốt, tinh tế; hẳn là tác giả cho rằng, với màu sắc tươi, sống, đường nét gồ ghề, sẽ giúp thể hiện được những ý tưởng mới, mạnh mẽ của mình.

Có thể những điều này khiến tranh LKT có sức níu kéo người xem. Quả là tôi đã phải xem bức tranh "Bánh vẽ" mấy lần. "Bánh vẽ" gắn với một câu chuyện dân gian, tranh của LKT cũng thể hiện sự  chọn lựa giữa "thật-giả" – "có-không", nhưng hơn thế, nếu có thể diễn giải bức tranh một cách "trần trụi" thì đây còn là sự cảnh báo con người khi bươn chải trong cuộc sống hôm nay, cần phải tỉnh táo trước sự vây bủa của những giá trị ảo.

Tất nhiên là không phải ai cũng tán đồng cách vẽ của LKT. Có thể nói, đây cũng là một đặc điểm của nghệ thuật, vì mỗi người có cách cảm thụ cái đẹp khác nhau. Tôi chợt nghĩ: Biết đâu, chính nhờ gốc gác là người "xứ Quảng", ít nhiều chịu ảnh hưởng cái tính cách "Quảng Nam hay cãi" như dân gian vẫn truyền tụng, mà tranh LKT thường có ý tưởng dễ gây "sốc", mang tính "phản biện", khiến con người ta tỉnh ngộ…

Một ngày sau, tôi gặp lại LKT khi cùng nghe nghệ sĩ Curator Trần Lương thuyết trình về dự án cuộc trưng bày tác phẩm mỹ thuật quốc tế sẽ tổ chức tại Singapore năm 2013.  Buổi nói chuyện cũng do anh em họa sĩ song sinh Thanh-Hải tổ chức. Rất dễ nhận ra LKT vì anh ngồi hàng đầu, đối diện với diễn giả, thỉnh thoảng lại hỏi những cách thức cụ thể gửi tác phẩm đến cuộc trưng bày lớn tại đảo quốc "Sư tử" sắp tới mà Việt Nam có thể giới thiệu 6 nghệ sĩ tham gia.

Đề tài buổi thuyết trình được mở rộng, khi diễn giả giới thiệu khá chi tiết tất cả những công trình, thiết chế văn hóa hiện đại ở Singapore. Thì ra Singapore không chỉ là một vùng đất của giới kinh doanh, của những cao ốc ngân hàng và chứng khoán do gần đây chính phủ đã đưa nhiệm vụ phát triển văn hóa thành 1 trong 3 mục tiêu chiến lược của đất nước.

Nhìn LKT với cái đầu trọc khó lẫn với ai, với cái kính trắng hướng về phía diễn giả một cách chăm chú, tôi đoán chừng là người họa sĩ giàu trí tưởng tượng này có thể đang "mơ" về thành phố Đà Nẵng quê hương, một ngày không xa sẽ có thêm những công trình văn hóa mới tương xứng với sự phát triển kinh tế ở một thành phố đang "lớn" nhanh như Phù Đổng…

NGUYỄN KHẮC PHÊ



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét