Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

Tìm cách hỗ trợ doanh nghiệp


Năm 2013, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố chọn tập trung một đầu việc quan trọng là tham mưu cho UBND thành phố về hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, việc hỗ trợ nên bắt đầu tháo gỡ từ đâu thì hiện giờ vẫn còn nhiều điều cần bàn.

Về chính sách vĩ mô, năm 2013, theo dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện việc gia hạn, giảm một số khoản thu ngân sách Nhà nước của Bộ Tài chính, DN thuộc đối tượng theo quy định có thể được gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập DN tối đa đến tháng 1-2014.  Như vậy trong hoàn cảnh khó khăn chung, DN sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước dù vấn đề vẫn còn đang lấy ý kiến.

Đối với chính quyền thành phố Đà Nẵng, đã công bố bảo lãnh tín dụng cho các DN có đủ điều kiện vay vốn nhưng thiếu tài  sản bảo đảm.  Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 7 DN đăng ký được bảo lãnh và vẫn chưa tiếp cận được vốn vay. Lý do chính là, tại buổi làm việc của Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố với Ngân hàng Eximbank, Chi nhánh Đà Nẵng về các trường hợp đăng ký vay vốn có bảo lãnh, hai bên đều nhận thấy DN không có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả; DN còn nợ quá nhiều, hoặc 3 năm liên tục làm ăn thua lỗ nên chưa thể tiến hành giải ngân vốn.

Trong khi các DN than phiền về việc thành phố bảo lãnh vốn vay nhưng lại không đưa ra quy chế, tiêu chí, điều kiện được vay, thì về mặt quản lý Nhà nước, Sở Kế hoạch và Đầu tư lại không nhận được văn bản phản hồi nào của các hiệp hội DN trên địa bàn thành phố về nhu cầu được bảo lãnh của các hội viên, trong khi đây lại là lúc DN cần có chỗ dựa trong một cộng đồng để phát huy sức mạnh, sự hỗ trợ lẫn nhau, tìm hiểu và tiếp cận các chính sách của thành phố đến với DN một cách kịp thời và chính xác.

Cái khó nhất trong hỗ trợ DN hiện nay, theo một số nhà quản lý là những DN đang gặp khó thường có quy mô quá nhỏ, làm ăn chụp giật, đăng ký quá nhiều ngành nghề, đụng đâu làm đó, không có phương án sản xuất kinh doanh và thiếu năng lực quản trị. Điều này dễ dàng nhận thấy qua năm 2012, những DN có quy mô vừa hoặc quản trị tốt đều làm ăn có lãi, trụ được trong giai đoạn khó khăn này và không hề kêu ca thiếu vốn vì các ngân hàng vẫn chăm sóc tốt những khách hàng này.

Thế nhưng, để hỗ trợ DN về năng lực quản trị  thì không dễ gì đạt được một sớm một chiều nếu cả cơ quan quản lý Nhà nước và DN không nhận thức đúng tầm quan trọng của vấn đề này. Đối với các trường đào tạo doanh nhân ở Australia, khẩu hiệu đầu tiên để vượt lên "chảo dầu" khủng hoảng là người điều hành DN phải có bằng tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh. Còn nhiều chủ DN nhỏ của chúng ta thì chỉ biết cần có vốn khiến cho hoạt động hỗ trợ DN chưa có kết quả.

THU PHƯƠNG



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét