Thứ Ba, 5 tháng 2, 2013

Thăm xưởng chế tác... rồng


Háo hức và hồi hộp, đó là tâm trạng chung của lãnh đạo, kỹ sư, công nhân hai đơn vị trực tiếp chế tác phần đầu, đuôi và vảy rồng của dự án cầu Rồng trong những ngày cuối năm này.

Dưới cái nắng trưa, các công nhân của Công ty CP Cơ khí-xây dựng 121 vẫn say sưa làm việc.
Dưới cái nắng trưa, các công nhân của Công ty CP Cơ khí-xây dựng 121 vẫn say sưa làm việc.

Vừa gặp chúng tôi ngay cổng xưởng cơ khí, kỹ sư Huỳnh Hà Nam, Phó Giám đốc Công ty CP Cơ điện miền Trung, bộc bạch: Công ty "chinh chiến" khắp các công trình lớn nhỏ trên cả nước, trong đó có cả thủy điện Sơn La, vậy mà giờ đây, khi bắt tay chế tác phần đuôi và vảy rồng lại có tâm trạng khá lạ là vừa háo hức, vừa hồi hộp. Háo hức vì đây là lần đầu tiên tham gia chế tác sản phẩm cơ khí trên phác thảo của một nhà điêu khắc, đây cũng là lần đầu tiên và cũng có thể là lần cuối được làm sản phẩm đặc biệt như vậy.

"Mặc dù toàn bộ trọng lượng phần đuôi chỉ có 30 tấn, kích thước dài 10 mét, chiều cao 9,5 mét, nhưng đây là sản phẩm phi tiêu chuẩn kỹ thuật. Thử thách ở đây là làm sao bảo đảm tính kết cấu bền vững của phần đuôi rồng, và đặc biệt là làm sao để phần đuôi rồng phải sinh động và ấn tượng đúng như mô hình của nhà điêu khắc. Vì vậy, công ty quyết định huy động tất cả kỹ sư, kỹ thuật giỏi nhất trực tiếp tham gia. Riêng công nhân cũng chọn những người có tay nghề cao và thâm niên trong nghề, tổ chức thi công liên tục tất cả các ngày trong tuần để kịp tiến độ", kỹ sư Nam cho biết.

Sự háo hức và quyết tâm của lãnh đạo công ty đã lan tỏa đến lực lượng kỹ thuật và công nhân trực tiếp thi công. Trong nhà xưởng gần một nghìn mét vuông, khoảng 60 công nhân với đầy đủ máy móc đều làm việc với tinh thần khẩn trương và nghiêm túc. Ở bộ phận cắt, bên cạnh chiếc máy cắt hiện đại được huy động để cắt những đường cơ bản được nhập số liệu cụ thể, bộ phận cắt thủ công cũng huy động đến cả chục người để cắt những đường cong uốn lượn không đồng đều nhau của phần đuôi rồng. Ở tổ hàn không khí cũng rất khẩn trương, công nhân làm việc cẩn thận với những đường ráp nối rất phức tạp, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối. Công nhân Nguyễn Phan Đăng Khôi cho biết, ở đây tất cả đều có thâm niên trong nghề ít nhất 5 năm trở lên, nhưng khi thực hiện những đường cắt và hàn đều phải tập trung cao độ, vì nếu không chính xác thì công tác ráp nối sẽ không thể thực hiện được do có quá nhiều đường cong, đường tròn và cả hình trái tim tạo dáng cho đuôi rồng.

Trong khi đó, tại xưởng cơ khí của Công ty CP Cơ khí-xây dựng 121(trực thuộc CIENCO 1), không khí làm việc còn khẩn trương, sôi động hơn. 50 công nhân, kỹ sư có kinh nghiệm đã được "nhận lệnh" gần một tháng nay sẽ không về Tết để tập trung thực hiện thành công và đúng tiến độ phần đầu rồng. Cả không gian rộng hơn một nghìn mét vuông được tận dụng triệt để để các tổ có thể thi công cùng lúc các công đoạn nhằm rút ngắn tiến độ công trình.

Mô hình đầu rồng do nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng cung cấp cho đơn vị thi công để dễ hình dung khi chế tác đầu rồng.
Mô hình đầu rồng do nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng cung cấp cho đơn vị thi công để dễ hình dung khi chế tác đầu rồng.
Phần vảy rồng có tất cả 39 cái, trong đó Công ty CP Cơ điện miền Trung thực hiện 20 cái, còn lại Công ty CP Cơ khí-xây dựng 121 thực hiện 19 cái, hiện đã đi vào phần hoàn thiện và đang được lắp đặt vào thân rồng tại công trình cầu Rồng. Mỗi vảy rồng có kích thước cao 1,5, rộng gần 5 mét, nặng gần 1,6 tấn, bao gồm 3 vành bán nguyệt ở đế để gắn vào vòm thép cầu.

 Kỹ sư Hồ Văn Hướng, Chỉ huy trưởng công trường, vừa giới thiệu từng công đoạn sản xuất vừa nói: "Thi công đầu rồng thì tất cả thợ và thầy ở đây đều không có… kinh nghiệm, vì đây là lần đầu tiên. Chính vì vậy, để việc thi công đầu rồng có kích thước gần 90m2, chúng tôi phải hàn nối ghép 4 tấm thép lại thành hình chữ nhật có diện tích 90m2, sau dó dùng máy định vị tọa độ để vẽ chính xác các đường cong của đầu rồng rồi mới tiến hành cắt từng đường cong. Có tất cả 4 lớp như vậy để tạo thành đầu rồng, sau đó chúng tôi sẽ cắt nhỏ các tấm này ra để vận chuyển đến công trình lắp ghép. Rất phức tạp và đòi hỏi sự chính xác để bảo đảm tính kết cấu vững chắc, nhưng không được làm mất đi những nét mềm mại uốn lượn tạo nên đầu rồng".

Quản đốc công trường Nguyễn Văn Toản tâm sự: "31 năm trong nghề, lần đầu tiên thi công chế tác đầu rồng, có cảm xúc thật đặc biệt. Đặc biệt vì đây là công trình cơ khí nhưng mang nặng yếu tố thẩm mỹ và vấn đề tâm linh nữa. Cũng chính vì yếu tố tâm linh mà chúng tôi mất rất nhiều thời gian để bàn cách thi công làm sao không phải tách đôi phần đỉnh đầu rồng. Để làm được điều này tốn thêm nhiều công sức, nhưng ai cũng thấy như vậy là yên tâm và thoải mái hơn".

Vậy là thêm một cái Tết nữa những công nhân, kỹ sư của Công ty CP Cơ khí-xây dựng 121 lại phải ăn Tết xa nhà để bảo đảm tiến độ cầu Rồng. "Xa nhà trong giờ khắc giao thừa thì ai cũng buồn, nhưng tôi đã hứa với vợ con, xong công trình tôi sẽ về Hải Dương đưa vợ và con vào thăm Đà Nẵng, thăm công trình cầu Rồng mà tôi đã gắn bó ngay từ những ngày đầu khởi công", quản đốc Nguyễn Văn Toản bộc bạch.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét