Thứ Ba, 5 tháng 2, 2013

Tết của mọi nhà


Đến thời điểm này, hàng chục hoạt động và điểm vui chơi giải trí trên địa bàn thành phố sẵn sàng phục vụ người dân đón Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013.

Năm nay, Sở VH-TTDL triển khai gần 60 hoạt động văn hóa, trong đó có 19 hoạt động cấp thành phố và hơn 35 hoạt động ở các quận, huyện được tổ chức quy mô, phong phú hơn năm ngoái. Trong đó, điểm nhấn là công trình đường hoa Bạch Đằng lần đầu tiên có mặt tại thành phố. Những công đoạn cuối cùng để hoàn thiện đường hoa Bạch Đằng đang được gấp rút hoàn thiện nhằm mở cửa phục vụ người dân vào tối 7-2 và kéo dài đến hết ngày 14-2.

Đường hoa xuân với phối cảnh sắc xuân phương Nam được tô điểm bằng những cánh mai vàng rực rỡ.     Ảnh: MINH TRÍ
Đường hoa xuân với phối cảnh sắc xuân phương Nam được tô điểm bằng những cánh mai vàng rực rỡ. Ảnh: MINH TRÍ

Tràn ngập không khí Tết

Không khí Tết đang tràn ngập khắp mọi nẻo đường, người dân bắt đầu có cảm giác "xem Tết" với việc dạo chơi Hội chợ Xuân, chợ hoa ở khu vực Đài Tưởng niệm thành phố trên đường 2-9. Năm nay, chợ hoa Tết vẫn phong phú các loại hoa cùng sản phẩm điêu khắc trên gỗ, tranh thư pháp… Giá hoa tăng hơn năm ngoái từ 10-30%, cúc với các mức giá từ 250.000 – 1 triệu đồng/cặp, mai có giá từ 1,2 triệu đồng đến vài chục triệu đồng/cặp, hoa ly có giá trung bình 300.000 đồng/giỏ…

Nhiều hoạt động trước thềm năm mới cũng khởi động trong một vài ngày tới như: chương trình biểu diễn Việt Nam Next Top Model tại Cung thể thao Tiên Sơn (từ ngày 5 đến 7-2), Hội hoa Xuân tại Công viên 29-3 từ ngày 8 đến 16-2 với các hoạt động chính: hái lộc đầu năm, mua quà lưu niệm dân gian, chơi bài Chòi, thăm nhà Gươl, thưởng thức nghệ thuật hoa viên, văn nghệ, tham gia các trò chơi giải trí, hoạt động dịch vụ…

Năm nay, người dân thành phố tiếp tục được thưởng thức màn bắn pháo hoa đặc sắc bên bờ Đông và bờ Tây sông Hàn, xem chương trình văn nghệ đón giao thừa miễn phí tại Nhà hát Trưng Vương (truyền hình trực tiếp trên Đài DRT). Cùng thời điểm này, chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống "Chào Xuân Quý Tỵ 2013" diễn ra tại Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Ngay từ bây giờ Đội thông tin lưu động triển khai tổ chức hoạt động chiếu phim, tuyên truyền và biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân tại 11 xã trên địa bàn huyện Hòa Vang…

Tại trung tâm thành phố, nhiều khu vui chơi, giải trí liên hợp hoạt động phục vụ du khách suốt dịp Tết như: khu tiNiWorld dành cho trẻ em từ 2-12 tuổi tại tầng 2 – tòa nhà Dragon Vĩnh Trung; khu trò chơi, xem phim và ẩm thực ở siêu thị Lotte Mart Đà Nẵng, ở Vĩnh Trung Plaza (Siêu thị Big C Đà Nẵng), Siêu thị Co.opMart (quận Thanh Khê); khu ẩm thực Indochina Foods Court ở tầng 3 tòa nhà Indochina…

Trong 3 ngày Tết, nhiều chương trình đặc sắc diễn ra tại Hội hoa Xuân, ca múa nhạc – trích đoạn cải lương tại Nhà hát Trưng Vương do Công ty CP đầu tư giải trí Phước Sang tổ chức (mồng 1 và 2 Tết), biểu diễn nghệ thuật truyền thống tại Công viên 29-3 do Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tổ chức (mồng 1, 2, 3 Tết), thi tài năng nghệ thuật với chủ đề "Xuân và tuổi trẻ" mồng 4 và 5 Tết. Bảo tàng Điêu khắc Chăm cũng mở cửa phục vụ khách miễn phí trong 3 ngày Tết…

Đón Tết an toàn

Thượng tá Phạm Văn Liễu, Phó trưởng phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động (PC65 Công an thành phố) cho biết, Phòng được Giám đốc Công an thành phố phân nhiệm vụ bảo vệ an toàn các mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội, các điểm vui chơi giải trí, các điểm bắn pháo hoa, phối hợp với các lực lượng bảo vệ an toàn đường hoa Bạch Đằng. Ngoài các nhiệm vụ đột xuất, Phòng PC65 còn tổ chức lực lượng chống cướp giật, Cảnh sát đặc nhiệm, Cảnh sát Cơ động tổ tuần tra, hóa trang mật phục trên các địa bàn trọng điểm trong những ngày Tết để bảo vệ tài sản cho nhân dân.

Theo Thượng tá Phan Thanh Sương, Trưởng phòng Cảnh sát Trật tự, trong đêm giao thừa sẽ huy động toàn đơn vị phối hợp với các lực lượng Công an thành phố, Công an quận Hải Châu bảo đảm an toàn giao thông, trật tự đô thị, phòng chống cướp giật, trộm cắp trên các tuyến được phân công. Phòng Cảnh sát trật tự đang tổ chức lực lượng để bảo đảm an toàn giao thông tại Bến xe Đà Nẵng, khu vực đường Trường Chinh, Tôn Đức Thắng; xử lý kiên quyết tình trạng "xe dù, bến cóc", tình trạng xe dừng, đỗ không đúng nơi quy định.

Lực lượng Cảnh sát hình sự (CSHS) cũng có kế hoạch bảo vệ Tết chu đáo. Thượng tá Trần Mưu, Trưởng phòng CSHS Công an thành phố cho biết, trong những ngày trước, trong và sau Tết, lực lượng CSHS được chỉ đạo tổ chức bám nắm địa bàn, đối tượng, quản lý chặt chẽ các đối tượng vãn lai.

Một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất trong dịp Tết là tình hình trật tự an toàn giao thông. Thiếu tá Phan Văn Thương, Phó trưởng Phòng CSGT Công an thành phố cho biết, trong những ngày Tết, Phòng CSGT sẽ triển khai gần 100% quân số tiến hành công tác tuần tra, kiểm soát, chốt chặn tại các ngã ba, ngã tư, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Đặc biệt, trong đêm giao thừa sẽ huy động 100% quân số làm nhiệm vụ bảo vệ tại các điểm bắn pháo hoa, đường hoa Bạch Đằng và cầu Sông Hàn. Sáng mồng 1 dự báo lượng người đi viếng nghĩa trang đầu năm tăng đột biến sẽ xảy ra tình trạng ùn tắt giao thông cục bộ ở tuyến đường quốc lộ 14B, ĐT605 nên Phòng phối hợp với Công an các địa phương bố trí lực lượng phù hợp để điều tiết giao thông.

Ngoài ra, công tác PCCC trong dịp Tết cũng được Sở Cảnh sát PCCC thành phố triển khai một cách quyết liệt. Những ngày qua, các phòng Cảnh sát PCCC Hải Châu, Sơn Trà, Hòa Vang, Liên Chiểu đã tập trung lực lượng kiểm tra, hướng dẫn PCCC tại các chợ, siêu thị, các cơ sở kinh tế trọng điểm, khí hóa lỏng, các cơ sở sản xuất và chứa vàng mã…; tổ chức lực lượng tuyên truyền lưu động tại các điểm công cộng, khu dân cư nhằm nâng cao ý thức cho người dân cũng như những người đứng đầu cơ sở nâng cao công tác PCCC.

Thị trường bắt đầu "nóng"

Tại các siêu thị, cảnh mua sắm chuẩn bị Tết diễn ra tấp nập.                 Ảnh: DUYÊN ANH
Tại các siêu thị, cảnh mua sắm chuẩn bị Tết diễn ra tấp nập. Ảnh: DUYÊN ANH

Vừa kết thúc Hội chợ Xuân 2013 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Đà Nẵng, chị Lê Thị Thanh Hà vội vã thu dọn hàng hóa để kịp về buôn bán tại chợ Cồn. Chị Hà cho biết: "Cách đây một tuần, người đến chợ chủ yếu để ngắm hàng hóa và coi giá cả chứ chưa mua hàng nhiều, nhưng bây giờ họ gửi xe vô chợ một lát, khi đi ra là đầy ắp giỏ xách. Mua bán mấy ngày ni đông đúc chứ không còn rề ra như bữa trước". Những mặt hàng trang trí Tết như dây đèn nhấp nháy, pháo tượng trưng, câu đối, tranh ảnh, băng đĩa nhạc đã rộn ràng trên phố. Các loại cây cảnh, chim cảnh, đặc sản các vùng miền như bánh tráng Đại Lộc, trái cây miền Tây đổ về bán dạo dọc các tuyến đường Nguyễn Lương Bằng, Điện Biên Phủ, Lê Duẩn.

Nhanh tay bốc bò khô, mực tẩm gia vị cho khách, chị Hường – quầy hàng khô chợ Hàn hồ hởi: "Năm mô cũng tới ngày đưa ông Táo về trời trở đi thì cảnh mua bán mới tấp nập vì lúc đó bà con mình mới có tiền thưởng Tết. Nói chung năm ni nhiều người kêu khó khăn, nhưng rồi thì tới cận Tết ít nhiều chi ai cũng lo sắm sửa nên tụi tui dốc vốn chỉ chờ có ngày ni thôi".

Ghi nhận tình hình thị trường trong mấy ngày nay cho thấy, sức mua đã "ấm" hơn tuần trước, chủ yếu vẫn là những mặt hàng thực phẩm đóng gói, bánh kẹo, mứt, hạt dưa, rượu bia, nước giải khát… Giá cả vì thế tăng theo nhu cầu tiêu thụ, nhưng không tăng đột biến. Theo giá khảo sát tại chợ Hòa Khánh và chợ Cồn sáng 5-2, thịt heo mông 100.000 – 110.000 đồng/kg, mực loại 1: 260.000 – 270.000 đồng/kg, tôm lớn 200.000 đồng/kg, gà trống (con sống) 170.000 – 200.000 đồng/kg, cá thu 180.000 – 200.000 đồng/kg, chả lụa 180.000 đồng, chả bò 190.000 đồng/kg…

Các loại rau củ thông thường có tăng nhưng không nhiều, một số loại giảm so với cách đây chừng nửa tháng như: cà chua 12.000 đồng/kg, cà rốt 15.000 đồng/kg, khoai tây Đà Lạt 20.000 đồng/kg, đậu côve 13.000 đồng/kg, rau cải 4.000 – 5.000 đồng/bó… Anh Nguyễn Toàn Thắng (chuyên nấu suất ăn công nghiệp cho KCN Hòa Khánh) nói: "Quy luật gần Tết, giá cả không chịu đứng yên mà cứ nhúc nhích từng giờ. Từ nay đến 30 Tết, giá sẽ theo chiều hướng của người mua, nghĩa là tăng chứ khó giảm, nhưng mức tăng không nhiều lắm đâu. Hàng về chợ liên tục mà bán đâu có hết".

Theo Ban quản lý chợ Đầu mối Hòa Cường, lượng hàng về chợ tăng hơn so với ngày thường từ 10-15%. Trung bình mỗi đêm có khoảng từ 450-500 tấn rau, củ, quả từ Đà Lạt, Hà Nội và các nơi khác. Tuy nhiên, hàng Trung Quốc về rất ít, kể cả trái cây cũng chiếm phần lớn là sản phẩm trong nước và Thái Lan.

Đến nay, các đơn vị được thành phố giao làm công tác bình ổn thị trường như Siêu thị Co.opMart đã triển khai xong 2 chuyến hàng Việt về Hòa Bắc và Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) với doanh thu tương đối tốt. Công ty TNHH Đắc Vinh xuất thịt heo ra bán tại điểm cố định và lưu động trên địa bàn thành phố, HTX An Hải Đông đã đưa ra thị trường các sản phẩm thực phẩm Tết với giá khá mềm. Ông Lữ Bằng, Phó Giám đốc Sở Công thương, khẳng định: Với tất cả sự chuẩn bị từ nhiều tháng nay, chắc chắn sẽ khó xảy ra tình trạng tăng giá đột biến, vì các đơn vị trực thuộc đã lên kế hoạch dự trữ lượng hàng rất lớn trong kho và kể cả trường hợp thiếu hàng cục bộ sẽ có lực lượng "phản ứng nhanh" tới tận nơi.

Một số nhà bán lẻ trên địa bàn như Co.opMart, Big C, Intimex cũng thông báo kéo dài thời gian phục vụ khách hàng tới tận 29 Tết và mở cửa sớm từ mồng 3 Tết. Vì vậy, người dân không nên mua hàng dự trữ nhiều, tránh gây ra cảnh "sốt hàng, tăng giá"; đồng thời việc dự trữ quá nhiều đồ ăn thức uống trong nhà sẽ khiến thực phẩm không tươi ngon, không bảo đảm sức khỏe.

KHÁNH HÒA – NGỌC PHÚ – DUYÊN ANH
 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét