Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Người sưu tầm bản đồ chủ quyền cho đất nước


Có một người Việt ở nước ngoài đã trở thành "nhân vật của năm" đối với những ai quan tâm đến chủ quyền của Tổ quốc. Đó là Trần Thắng, Việt kiều đang sinh sống, làm việc tại bang Connecticut (Hoa Kỳ), người đã sưu tầm 150 tấm bản đồ và 3 cuốn atlas và trao tặng cho Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng, nhằm góp thêm tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trần Thắng bên bản đồ Trung Quốc không có Hoàng Sa và Trường Sa in trong cuốn Trung Hoa bưu chính dư đồ do Trung Hoa Dân quốc xuất bản năm 1933 mà anh sưu tầm được.
Trần Thắng bên bản đồ Trung Quốc không có Hoàng Sa và Trường Sa in trong cuốn Trung Hoa bưu chính dư đồ do Trung Hoa Dân quốc xuất bản năm 1933 mà anh sưu tầm được.

Câu chuyện của anh đã được báo chí trong và ngoài nước đề cập rất nhiều trong năm qua, nhưng có hai câu hỏi mà nhiều độc giả vẫn thường email hỏi tôi, vốn là người ít nhiều "can dự" vào chuyện này: Vì sao một kỹ sư cơ khí như Trần Thắng bỗng dưng lại quan tâm đến bản đồ cổ? Vì sao anh Trần Thắng lại quyết định tặng sưu tập bản đồ này cho thành phố Đà Nẵng? Thực ra thì chuyện gì cũng có cơ duyên của nó.

Cơ duyên ấy bắt đầu vào tháng 6-2008, khi Trần Thắng đến dự buổi giới thiệu 4 cuốn sách mới xuất bản của tôi do New Space Art Foundation tổ chức ở Huế. Thắng là khách mời của cặp họa sĩ song sinh Thanh-Hải, đồng sáng lập và điều hành New Space Art Foundation. Khi biết tôi là người nghiên cứu về cổ vật, Thắng làm quen và cho tôi hay anh cũng đam mê sưu tầm cổ vật. Chúng tôi kết bạn từ đó và Trần Thắng thường tham khảo ý kiến của tôi mỗi khi anh muốn mua một món đồ cổ. Cũng nhờ đam mê cổ vật nên Thắng hay tìm kiếm những thông tin về đấu giá, mua bán cổ vật ở trên mạng Internet, trong đó có những thông tin mua bán bản đồ cổ.

Năm 2010, khi đang thực hiện đề tài nghiên cứu Font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa – Thành phố Đà Nẵng, tôi được các đồng nghiệp ở nước ngoài cho biết một số thư viện ở Mỹ như: Thư viện ĐH Princeton, Thư viện ĐH Comlumbia, Thư viện Astor ở New York… đang lưu giữ những tấm bản đồ do phương Tây xuất bản trong các thế kỷ XVI-XIX, có hình vẽ hoặc ghi chú khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về chủ quyền của Việt Nam. Tôi liên lạc với Trần Thắng, nhờ anh tìm đến các thư viện trên để xin sao chụp các bản đồ này gửi về cho tôi. Tranh thủ các kỳ nghỉ, Trần Thắng đến những thư viện này, tìm cách sao chụp bản đồ hoặc tra cứu thông tin và cung cấp các đường dẫn để tôi và các đồng nghiệp trong nhóm nghiên cứu tiếp cận, sao chép.

Tháng 7-2012, khi biết tin TS Mai Hồng ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm vừa công bố tấm bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ do nhà Thanh (Trung Quốc) ấn hành, hoàn toàn không có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam (mà sau này Trung Quốc gọi là Xisha và Nansha và đưa ra những yêu sách vô lý nhằm đòi hỏi chủ quyền đối với hai quần đảo này), Trần Thắng liền liên lạc với tôi, nói rằng anh cũng phát hiện được nhiều bản đồ có giá trị tương tự tấm bản đồ của TS Mai Hồng, đang được các nhà sưu tầm bản đồ cổ ở Hoa Kỳ và châu Âu rao bán. Tôi bảo: "Nếu có tiền thì Thắng nên mua những tấm bản đồ này, chắc chắn sẽ có lúc chúng ta cần dùng đến nó". Trần Thắng đồng ý với tôi và tăng cường tìm kiếm thông tin về những tấm bản đồ kiểu này. Khi có được thông tin, anh liên lạc với chủ sở hữu, rồi tìm đến tận nơi để chụp ảnh bản đồ, hoặc tìm mọi cách để có được thông tin và hình ảnh của các bản đồ này, rồi gửi thông tin và hình ảnh về nước, nhờ tôi và các chuyên gia trong lĩnh vực bản đồ, các nhà sử học chuyên nghiên cứu về Hoàng Sa và Trường Sa… thẩm định giá trị và tính xác thực của những bản đồ này.

Sau khi có thông tin phản hồi từ phía chúng tôi, Trần Thắng liền bỏ tiền mua những bản đồ này. Đến hết tháng 10-2012, anh đã bỏ hơn 6.000 USD tiền túi để mua những tấm bản đồ liên quan đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt, hôm nhận được thông tin có một nhà sưu tầm sách cổ ở New York đang rao bán tập atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ do Chính phủ Trung Hoa Dân quốc xuất bản tại Nam Kinh năm 1933, không hề đề cập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, Trần Thắng vội vàng lái xe từ Connecticut về New York để tìm hiểu và hỏi mua. Chủ nhân atlas ra giá 4.000 USD, Trần Thắng trả giá 3.000 USD nhưng khi người ta đồng ý bán với giá 3.000 USD thì Trần Thắng lại không đủ tiền. Anh liền vận động bạn bè quyên góp thêm tiền để mua tập atlas này vì sợ nó "sổng" vào tay kẻ khác. Cuối cùng anh cũng đã có được tập atlas này.

Sau đó, anh lại nhận được thông tin một nhà sưu tập ở Ba Lan đang rao bán ấn bản Trung Hoa bưu chính dư đồ do Chính phủ Trung Hoa Dân quốc ấn hành lần đầu tiên vào năm 1919, Trần Thắng vội liên hệ để mua atlas này. Người bán đòi giá 9.000 USD, Trần Thắng trả giá 5.000 USD. Nhưng cũng như lần trước, khi người bán đồng ý với giá mà Trần Thắng đề nghị, anh lại không có đủ tiền để mua. Anh chụp ảnh các tập atlas và các bản đồ mà anh đã phát hiện, gửi đến các cơ quan hữu quan ở Việt Nam, đề nghị họ cấp kinh phí để mua các tư liệu quý này. Tuy nhiên, chỉ có UBND thành phố Đà Nẵng đồng ý chi 3.000 USD để mua lại tập atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ xuất bản năm 1933 mà Thắng đã mua trước đó, còn những nơi khác thì đều im lặng.

Trần Thắng lại gửi email cho bạn bè ở khắp nơi, kêu gọi họ quyên góp tiền mua. Sau cùng, những người bạn của Trần Thắng đã quyên góp thêm được 5.000 USD để giúp anh mua được tập atlas giá trị này. Những thông tin in trên hai cuốn atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ cho biết sách này được in ấn rất hạn chế. Sau những biến động của lịch sử Trung Hoa, không rõ sách này có còn lưu giữ ở Trung Quốc hay không, chỉ biết rằng cuốn atlas xuất bản năm 1919 đã được một nhà sưu tập người Ba Lan sưu tầm cách đây hơn 10 năm, còn cuốn atlas xuất bản 1933 thì được chủ nhân mang sang Đài Loan khi ông này rời bỏ Trung Hoa đại lục. Cuốn atlas này vừa được chuyển đến New York được 2 tuần thì Trần Thắng đã phát hiện và mua nó.

Trong một email gửi cho tôi gần đây, Trần Thắng báo tin: "Đến ngày 27-11-2012, Thắng thu thập được 3 tập atlas và 150 bản đồ, gồm 110 bản gốc và 40 bản đồ tái bản. Trong đó có 1 atlas do Phái bộ truyền giáo London in cho nhà Thanh vào năm 1908 và 2 atlas do Chính phủ Trung Hoa Dân quốc in năm 1919 và 1933, đều chỉ rõ giới hạn lãnh thổ cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam; 80 bản đồ do phương Tây in từ năm 1626 đến năm 1980 cũng xác nhận lãnh thổ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam; 50 bản đồ thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm sát lãnh thổ Việt Nam; 10 bản đồ hàng hải và 10 bản đồ tổng thể châu Á và Đông Nam Á có thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm trong vùng lãnh hải của Việt Nam".

Sau khi mua được bản đồ, Trần Thắng bỏ tiền mua bìa cứng, giấy bồi, túi plastic chuyên dụng, bỏ nhiều công sức để "sửa sang" những tờ bản đồ riêng lẻ, thậm chí cũ nát, thành những "sản phẩm" hoàn chỉnh, sẵn sàng cho việc trưng bày, giới thiệu sưu tập bản đồ này với công chúng. Anh tiến hành phân loại, viết chú thích cho từng tấm bản đồ, rồi tự tay đóng gói, tìm người tin cậy nhờ mang những tư liệu quý này về nước để tặng cho Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng.

Về lý do trao tặng bản đồ cho Đà Nẵng, trả lời phỏng vấn các đài, báo ở Hoa Kỳ và Việt Nam, Trần Thắng cho biết: "Có nhiều cơ quan trong nước muốn có sưu tập bản đồ này nên đã liên hệ với tôi, dù trước đó khi tôi vận động họ góp tiền để mua bản đồ thì họ im lặng. Song tôi nghĩ, Đà Nẵng là nơi xứng đáng nhất để giữ nó, vì hai lý do: thứ nhất, Đà Nẵng có Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng, nơi đang có chương trình nghiên cứu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa nên đưa tài liệu về đây sẽ tạo điều kiện để nghiên cứu tốt hơn; thứ hai, thành phố Đà Nẵng có một chính quyền mạnh mẽ, làm được nhiều việc cho nhân dân, cho đất nước, nên tôi tin họ sẽ có cách để phát huy giá trị của bộ sưu tập bản đồ này".

Trần Thắng đã tin tưởng trao tặng những tấm bản đồ mà anh và bạn bè anh đã dày công sưu tầm như là một cách thức gửi gắm lòng yêu nước của những người con xa xứ cho thành phố Đà Nẵng – nơi đã hai lần đảm nhiệm vai trò "đứng mũi chịu sào" trong cuộc kháng chiến chống xâm lăng, bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc.

TRẦN ĐỨC ANH SƠN



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét