Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

Giải thưởng Văn học quốc tế 2013: 10 tác giả vào chung kết


Sau nhiều lần sàng lọc, ban giám khảo Giải thưởng Văn  học Quốc tế – Man Booker International 2013 chọn được 10 tác giả vào vòng chung kết năm 2013.

UR Ananthamurthy (Ấn Độ)
UR Ananthamurthy (Ấn Độ)

Nhà văn UR Ananthamurthy (Ấn Độ) sinh năm1932 vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của mình. Ông được độc giả biết đến nhiều nhất từ năm 1966 với cuốn tiểu thuyết Samskara, và vừa mới được vinh danh với tiểu thuyết Bharatipura. Cuốn sách đứng vào danh sách giải thưởng Văn học Ấn Độ giáo 2011 và giải Văn học Nam Á DSC. Sức mạnh của tiểu thuyết Ananthamurthy là những ý tưởng phổ quát của nó thông qua các khung hình của địa phương.

Cùng tuổi với Ananthamurthy, nhà văn Aharon Appelfeld (Ukraina)  viết tiểu thuyết bằng tiếng Do Thái. Hầu hết các tác phẩm của ông tập trung vào cuộc sống của người Do Thái ở châu Âu trước và sau Thế chiến thứ hai, nhưng nó không đơn giản là cuốn tự truyện. Năm 1978, cuốn tiểu thuyết "Badenheim năm 1939" cho thấy tội ác khủng khiếp từ chiến dịch của chế độ Quốc xã chống lại người Do Thái.

Marie Ndiaye (Pháp)
Marie Ndiaye (Pháp)

Tiểu thuyết gia Marilynne Robinson (Mỹ) sinh năm 1943 đã viết 3 cuốn tiểu thuyết: "Housekeeping" phát hành vào năm 1980, vào chung kết giải thưởng Pulitzer; "Gilead", cuốn tiểu thuyết thứ hai của cô đã giành Pultizer, và "Home" đã giành giải Orange 2009 dành cho tiểu thuyết. Cảm nhận "Gilead" trong tờ Sunday Telegraph, Jane Shilling nói: "Nhịp điệu văn phong của Robinson có một sức hút cộng hưởng giống như âm nhạc, tuyệt vời hơn cả ngôn ngữ".

Nhà văn Josip Novakovich (Croatia) sinh năm 1956, được biết đến với những tác phẩm miêu tả về bạo lực, sự tàn bạo của cuộc chiến tranh ở Nam Tư cũ. 3 tập truyện ngắn của ông "Yolk", "Salvation and Other Disasters" và "Infidelities: Stories of War and Lust", chất chứa một nỗi u  uất đầy châm biếm.

Lydia Davis (Mỹ)
Lydia Davis (Mỹ)

Nhà văn Trung Quốc Yan Lianke, tuy sống ở Bắc Kinh nhưng nói rằng trái tim mình thuộc về trung tâm tỉnh Hà Nam, nơi ông sinh ra vào năm 1958. Trong sự nghiệp 30 năm ông đã giành được hai giải thưởng văn học hàng đầu của Trung Quốc, trong đó có Giải thưởng Văn học Lỗ Tấn. Cả 2 tác phẩm "Serve the People!" và "Dream of Ding Village" đều bị cấm, nhưng "Dream of Ding Village" đã lọt vào danh sách chung khảo Man Asian năm 2011 và giải thưởng Tiểu thuyết nước ngoài độc lập năm 2012.

Nhà văn Lydia Davis (Mỹ) sinh ra ở Massachusetts vào năm 1947. Nhiều tiểu thuyết của cô có thể được nhìn thấy dưới các khía cạnh của triết học hay thơ ca. Tuyển tập truyện ngắn của Lydia Davis phát hành năm 2009 được các nhà phê bình nhận định cô là một bậc thầy của hình thức văn học sáng tạo mang dấu ấn cá nhân.

Marie Ndiaye sinh năm 1967, là một nhà văn và nhà viết kịch Pháp. Cô bắt đầu viết ở tuổi 12. "Ba phụ nữ mạnh mẽ" là cuốn tiểu thuyết gần đây nhất của cô, được dịch sang tiếng Anh và được công bố vào mùa hè năm 2012, giành được giải thưởng văn học uy tín nhất của Pháp – Prix Goncourt vào năm 2009. Nhiều nhà phê bình văn học khen ngợi cách sáng tạo tài hoa của một tiểu thuyết gia không sợ khám phá những thái cực đau khổ của con người, và nhận xét rằng Ndiaye là "một người có lối kể chuyện thôi miên với một sự hiểu biết các uẩn khúc qua cuộc sống của hầu hết mọi người".

Yan Lianke/Diêm Liên Khoa (Trung Quốc)
Yan Lianke/Diêm Liên Khoa (Trung Quốc)

Vladimir Sorokin sinh năm 1955 là một người kể chuyện hậu hiện đại của Nga và là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất trong văn học Nga đương đại. Những sáng tác đầu tiên của ông bị cấm trong thời Liên Xô cũ, nhưng vào năm 2001 ông đã giành được giải thưởng Booker Nga. Tác phẩm "Days of the Oprichnik" viết về một thành phố bị phong tỏa bởi bức tường lớn và cai trị bởi "Ivan khủng khiếp". Stephen Kotkin trong Tạp chí New York Times Book khen ngợi Sorokin là nhà văn đã mở mang những tác phẩm đầy tính nghệ thuật, gợi nhiều liên tưởng.

Ở tuổi 50, Peter Stamm (Thụy Sĩ) được biết đến như một nhà văn thích viết bằng tiếng Đức hơn ngôn ngữ quê hương. "Unformed Landscape and Seven Years" là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông. Các tác phẩm ông là những câu chuyện về cuộc sống hiện đại đầy trắc trở, tuy vậy các nhân vật của ông luôn cố gắng vượt lên nghịch cảnh của họ.

Nhà văn Intizar Husain (Ấn Độ) đã viết 3 cuốn tiểu thuyết và 4 bộ sưu tập truyện ngắn đã được dịch sang tiếng Anh. Những câu chuyện của ông thường bước đi giữa bóng tối và ánh sáng của truyền thuyết và câu chuyện ngụ ngôn. Diễn biến cốt chuyện thường xảy ra trong không khí mờ ảo, sương khói phương Đông. Tiêu biểu là 2 cuốn tiểu thuyết "Junior Gar" và "Basti". Keki Daruwalla viết trong tờ The Hindu vào năm 2003 cho rằng truyện của Husain là bước đi chuyển tiếp giữa truyền thuyết và câu chuyện ngụ ngôn, được viết nên bởi một văn phong thông thái.

Kết quả Giải thưởng Văn học quốc tế lần thứ 5 sẽ được công bố vào tháng 5-2013 tại London.

HOÀNG ĐẶNG



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét