Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

Bữa cơm chiều cuối năm


Tết Mậu Thân 1968, quân dân ta tập trung lực lượng tiến hành cuộc Tổng tấn công và nổi dậy đồng loạt trên toàn miền Nam. Sáng 29 tháng Chạp, chúng tôi – 2 y sĩ, 2 y tá và 1 dược tá kiêm bảo vệ được lệnh tăng cường cho đội phẫu tiền phương của tỉnh đang "đứng" ở Điện Bàn. Trời vừa sáng, từ căn cứ chúng tôi xuất phát, chiều xuống, ghé vào một nhà dân ở thôn Quảng Đại thuộc xã Lộc Quý nay là xã Đại Thắng, Đại Lộc tranh thủ ăn cơm chiều, nghỉ ngơi một lát chờ trời tối sang sông. Chúng tôi mượn cái nia đặt dưới mái hiên làm mâm, vừa mới giở cơm nắm với lương khô ra thì bác chủ nhà, một lão nông trạc gần 70 tuổi, từ đâu về vừa đi vừa chửi bọn Mỹ ngụy bắn pháo lung tung làm mấy người dân xóm ngoài bị thương phải đi trạm xá. Nghe chúng tôi chào, bác chỉ ừ một tiếng rồi đi thẳng đến mâm cơm, đứng nhìn một lúc bác nói với chúng tôi: Trời còn sáng lắm, chưa qua sông được đâu, rủng rải ăn chờ tui chút. Nói xong bác đi vào nhà sau, chừng mấy phút sau bác bưng ra một mâm nào thịt heo, rau sống, bánh tét, cá kho và một tô canh môn hầm xương, vừa đặt các thứ vào cái nia, bác vừa nói: Trưa nay nhà cũng làm mâm cơm cúng ông bà, đây là những thứ tui để phần cho thằng con trai đang ở huyện đội, tình hình này chắc nó không về, các chú cứ tự nhiên, chiều cuối năm thấy các chú ăn uống thế ni tui không đành lòng.

Trong chốc lát mâm ăn một món của chúng tôi trở thành mâm cổ đầy đủ hương vị ngày Tết, ai nấy vô cùng cảm động vì bác đã coi chúng tôi như con mình, mang phần để dành cho con mà đãi chúng tôi. Chúng tôi mời bác cùng dùng bữa, bác cầm lấy đôi đũa nhưng không ăn mà gắp thức ăn vào chén hết người này đến người khác. Đường xa sức trẻ tình quân dân sâu nặng, các món ăn đều trở nên tuyệt vời, nhất là cái món canh môn hầm xương truyền thống của quê mình, ăn một miếng thêm nhớ nhà, nhớ mẹ.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Cơm nước xong trời cũng vừa sẫm tối, chúng tôi từ biệt bác chủ nhà tiếp tục chuyến đi, cầm tay từng người bác nói: Các chú đi, chân cứng đá mềm, cầu trời phù hộ các chú bình an, khỏe mạnh mai mốt trở về nhớ ghé nhà chơi. Chúng tôi không ai nói được lời nào, mắt ai cũng thấy cay cay.

Kết thúc chiến dịch, chúng tôi trở về căn cứ, ai cũng bảo phải tranh thủ ghé thăm bác nông dân làng Quảng Đại, nhưng rồi tình hình chiến sự không cho phép, đạn bom tàn phá làm cho làng xóm thay đổi khác trước, nhiều người dân phải đi sơ tán. Sau này đôi lần chúng tôi có ghé lại nhưng gia đình bác không còn ở nơi cũ nữa.

Hơn bốn mươi năm đã qua, đời sống ngày càng được cải thiện nhưng cứ mỗi lần Tết đến, bên mâm cơm chiều cuối năm tươm tất trong không khí gia đình ấm cúng, lòng tôi lại bùi ngùi nhớ bác nông dân và bữa cơm chiều cuối năm ngày ấy, bữa cơm đậm đà tình quân dân thời chiến.

LÊ TỰ CƯỜNG



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét