Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Ẩn ngữ sông Hàn


Trên cả nước ta, nhiều thành phố dựa vào sông mà tạo dựng, nhưng hình như chẳng dòng sông nào giống dòng sông nào. Sông Hồng đỏ nặng phù sa chảy qua Hà Nội, mà người Hà Nội nhiều người cả đời không một lần bước đến bờ sông. Sông Sài Gòn thì hối hả dòng chảy của những chuyến tàu mở ra năm châu bốn biển, người Sài Gòn ít khi nghĩ rằng mình còn có một dòng sông để mà yêu, mà ngắm. Sông Hương thì không còn là sông nữa, nó như chảy giữa lòng người dân thành phố Huế, nó cũng như một di sản, người ta không thể chạm vào nó mà sửa hoặc xây thêm bất cứ thứ gì.

Sông Hàn xưa. Ảnh: LIFE
Sông Hàn xưa. Ảnh: LIFE

Không như sông Hồng, sông Hương hay sông Sài Gòn quá xa hoặc quá gần, sông Hàn quen thuộc với người Đà Nẵng như một con đường họ đi về sớm tối, như một người bạn thân của riêng mỗi người. Con sông cũng lầm lũi như một bà mẹ buôn tảo bán tần lại cũng sang trọng như một cô gái thành phố giàu có; cũng ầm ào những chuyến tàu ra vào cảng; lại cũng thi vị như một bài thơ dâng tặng mỗi người.

Thành phố đã lấy sông làm trục phát triển; thế nhưng kỳ lạ là hầu như chẳng ai ý thức về điều đó. Nha Trang lấy bờ biển làm trục phát triển, Hà Nội lấy Hồ Gươm làm trung tâm, thành phố Hồ Chí Minh thì tỏa đi các nơi nhưng vẫn lấy khu Bến Thành Đồng Khởi quy về mọi góc nhìn. Đà Nẵng lấy gì làm trung tâm? Chưa ai gọi thành tên điều này, nhưng kỳ lạ là chẳng ai bảo ai, tất cả như một vô thức tập thể, mọi thứ đều quy về sông Hàn mà định hướng.

Sông Hàn là một đoạn sông rất ngắn, không đến 10km, nhiều người nghĩ nó không bảo lưu văn hóa gì ở một đoạn cửa sông nhiều bãi cát và sóng gió; ít người hay rằng dọc theo con sông có những câu chuyện như một ẩn ngữ người xưa nhắn gửi cho hậu thế.

Theo sách Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An, viết năm 1553, ở cửa sông là câu chuyện gắn liền với cái chết oan khuất của một vị tướng tên là Nguyễn Phục, chỉ huy thuyền lương trong đại quân của Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành năm 1471. Thuyền đến vùng biển Hải Vân thì bị bão lớn, ông nói: "Thà đem tấm thân bé nhỏ chịu hình phạt búa rìu chứ không nỡ đem của nông sản hữu hạn mà để chìm xuống biển, đưa bọn người vô tội làm mồi cho cá". Nói xong, mới quyết chí cho neo thuyền lương lại. Hai ngày sau đoàn vận lương mới đến. Vì cớ chậm trễ, nên quân lương bị thiếu thốn, vua Lê nổi giận lệnh chém ông. Đến lúc vua chợt hiểu ra, tuyên chiếu tha tội cho ông thì đã muộn. Sau đó, vì sự hiển linh, nên dân địa phương lập đền thờ tên là Tùng Giang, trong văn bia đền này có nói đến địa danh Đà Nẵng.

Đền Tùng Giang với tấm bia ghi chữ Đà Nẵng này nằm ở đâu có lẽ sẽ là phát hiện khảo cổ lớn nhất đang chờ đợi các nhà nghiên cứu địa phương. Đó không chỉ là một gạch nối, như sợi nhau trong bào thai hài nhi nối với bụng mẹ, nối Đà Nẵng với lịch sử hơn 500 năm trước mà còn là một nghi vấn khoa học cần được thỏa mãn, cần được giải đáp. Không thế, mọi cố gắng xây dựng sẽ trở nên chơi vơi, như không chỗ tựa, như một thành phố mọc lên giữa sa mạc, hoành tráng nhưng cũng mau biến mất như trong các câu chuyện cổ xứ Ba Tư.

Sông Hàn, đoạn nối với sông Cổ Cò lại có một ngôi đền khác cùng câu chuyện dân gian khác, đầy bi tráng, để lại nhiều suy ngẫm, đó là miếu Ông Chài.

Nép mình về phía Nam của hòn Hỏa Sơn, còn gọi là núi Bà Đa, gần chùa Quán Thế Âm là một ngôi miếu nhỏ nhưng được xây dựng kiên cố, nét vẻ cổ xưa thường được người dân gọi là miếu Chài. Ban đầu chúng tôi cũng nghĩ rằng đó là ngôi miếu thờ ông Nam Hải như đa phần các miếu ở làng chài miền Trung, thế nhưng bà Hai Đa, Bà mẹ VNAH của quận Ngũ Hành Sơn, người có tên gắn liền với tên gọi ngọn núi này lại kể một câu chuyện khác. Rằng ngày xưa, có một gia đình vạn chài, tức những gia đình suốt đời sống trên thuyền, không lên bờ. Gia đình đó có ba người, một đôi vợ chồng trẻ sống cùng ông cha chồng, người mẹ chồng đã mất sớm. Một hôm anh con trai đi đánh cá xa, người cha chồng nhìn thấy cô con dâu nằm ngủ hớ hênh trong thuyền. Mắt không dám nhìn mà tâm động. Tâm cố tĩnh mà mắt cứ lén nhìn. Một lúc ông cáu tiết cầm con dao làm cá, kê cái của nợ lên mạn thuyền, chặt phứt ném cá ăn cái thứ mà suýt nữa vì nó ông đã làm điều không phải với con cái. Mất máu, ông chết; hiển linh, dân làng lập miếu thờ gọi là miếu Ông Chài.

Miếu Ông Chài ở chân núi Non Nước.
Miếu Ông Chài ở chân núi Non Nước.

Trong hành trình về tương lai những câu chuyện thế này có cần hay không cần cho người ở thế kỷ XXI? Cả hai câu chuyện, một người thì biết đúng, dầu chết cũng làm, một người biết sai quyết chết không thực hiện. Cả hai đều được nhân dân tôn thờ, không phải được hưởng hương khói xôi oản mà là nêu một tấm gương về lẽ sống ở đời. Sông Hàn như đẹp lên nhiều nhờ những câu chuyện mà nó mang theo suốt ngàn năm dòng chảy ở cửa sông này.

Ngoại trừ sông Bạch Đằng rạng danh trong sử sách với bãi cọc hai lần chống giặc phương Bắc, sông Hàn cũng đã từng đóng cọc ngăn cửa sông ba tầng, bốn lớp đến tận những nhánh rẽ vào sông Cổ Cò, Cẩm Lệ, Vĩnh Điện trong lần đầu chống thực dân xâm lược năm 1858 nhưng vẫn ít người biết đến. Trong một tấm bản đồ  mới được tìm thấy do một quan người Việt vẽ bị quân Pháp tịch thu, chúng ta chợt nhận ra một sông Hàn thật quen thuộc và mạnh mẽ. Đã hơn 160 năm qua nhưng sông Hàn vẫn thế, không thay đổi mấy, bỗng chốc 10 năm trở lại đây sông chuyển mình, trở thành cái trục trung tâm, cái điểm tựa cho mọi ý tưởng quy hoạch hoặc xây dựng.

Bao người dân Đà Nẵng đã yêu một con sông như thế, không quá xa hoặc quá gần, không quá kiêu sa, thơ mộng cũng không quá lầm bụi bến cảng. Chỉ tiếc, quá ít quán cà-phê ven sông cho mọi người ngồi, mặc dù đã có rất nhiều những đoạn bờ sông đẹp như một công viên. Vô tình các nhà quản lý lại đẩy sông xa ra trong tâm hồn mỗi người mà không hay đó.

HỒ TRUNG TÚ



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét