Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2013

Mỗi mùa xuân sang


Một mùa đông không dữ dội đã đi qua vùng đất miền Thuận Quảng ngày xưa. Đà Nẵng, thành phố nằm phía Nam đèo Hải Vân cũng hưởng được cái phúc lành của thiên nhiên, mà cha ông ngày xưa gọi là "mưa thuận, gió hòa", để có những tháng ngày bình yên và dung dị trong tiết trời của đông nhưng không nặng nề đến nghẹt thở, để đón lấy một mùa xuân mới đang trỗi dậy từ đất trời và từ trong tâm khảm sâu xa của mỗi người, mỗi nhà.

Ảnh: HUY DẰNG
Ảnh: HUY DẰNG

Sắc xuân của Đà Nẵng năm nay mới lạ đến khác thường. Tiết trời của mùa thu như bao trùm cả mùa đông. Tôi có một cảm giác như mình bay bổng trong nền trời êm dịu và bao bọc quanh mình sự thanh tịnh đến ngỡ ngàng. Bởi từ phía biển xa xa là một màu xanh ngút ngàn toát lên vẻ thanh cao do thiên nhiên ban tặng thành phố này. Còn trên nhiều đường phố của Đà Nẵng như Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Hữu Thọ và hàng chục con đường khác ở các quận Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ…, hàng vạn cây xanh được cả một mùa đông tích tụ và tiết trời xuân ấm áp tiếp sức, nhanh chóng phục hồi sau khi trồng chỉ một thời gian ngắn, đã xòe những tán lá xanh um che mát lối đi bộ hai bên. Nó như một nét chấm phá để tạo thành sợi dây liên kết từ biển qua phố rồi lên đến rừng nguyên sinh Bà Nà, đó là màu xanh của biển, màu xanh của thành phố xanh và màu xanh của núi rừng bao la, hùng vĩ.

Nhưng có lẽ nét đặc sắc để làm nên diện mạo Đà Nẵng hôm nay lại chính là con sông Hàn vắt qua thành phố với những chiếc cầu nối tiếp nhau nhanh chóng mọc lên chỉ sau mười lăm năm có lẻ. Ngày xưa "bên ni, bên nớ" Hà Thân thật xa vời vợi dù chỉ cách có một dòng sông Hàn. Thuở ấy, người ta qua lại với nhau phải chạy vòng vèo đến gần chục cây số qua cầu Nguyễn Văn Trỗi chật hẹp, hay phải qua những chuyến đò, chuyến phà chòng chành sóng nước. Sự ngăn cách đó cũng làm nên câu nói đượm chút chua xót "con gái quận ba không bằng bà già quận nhất", bởi cuộc sống lam lũ, khó khăn, thiếu thốn nhiều mặt đã làm cho con người giữa hai bờ sông Hàn mà có sự khác nhau đến thế.

Rồi cây cầu quay Sông Hàn sớm được ra đời  hơn 10 năm về trước đã kéo hai bờ gần lại nhau hơn. Như có thêm một động lực, chính quyền và người dân Đà Nẵng đã không dừng lại ở kết quả có được mà muốn làm được nhiều hơn thế nữa, để cho dòng sông Hàn thêm xanh, để cho "bên ni, bên nớ" không còn khái niệm về khoảng cách cả trong nhận thức và thực tiễn.

Vậy là cây cầu dây văng Thuận Phước nằm ở đầu biển cuối sông của thành phố bên sông Hàn sớm được hình thành để án ngữ điểm trọng yếu của tuyến đường du lịch vành đai  kéo dài từ Nam Ô chạy suốt đến vùng đất Quảng Nam anh em.

Nhưng bạn bè của Đà Nẵng sẽ bất ngờ, khi Đà Nẵng không chỉ có cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Tiên Sơn, cầu Cẩm Lệ, cầu Đỏ mà mùa xuân này sẽ còn có thêm cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Tri Phương chính thức khánh thành để hai bờ sông Hàn đã gần nhau lại càng gần nhau hơn. Dáng đứng của mỗi cây cầu có khác nhau về kiến trúc, về cách trang trí, nhưng tựu trung nó sẽ làm cho Đà Nẵng mang dáng dấp của một đô thị vừa hiện đại vừa rất gần gũi với thiên nhiên và cuộc sống của con người.

Bởi nếu là du khách đến Đà Nẵng để tham quan, du lịch biển, khi bước xuống sân bay bạn sẽ đi thẳng từ đường Nguyễn Văn Linh vượt qua cầu Rồng , hay chọn một lối đi riêng để vượt qua các cây cầu Sông Hàn, Thuận Phước, Trần Thị Lý, Nguyễn Văn Trỗi, Tiên Sơn, Nguyễn Tri Phương và cả Đò Xu, đều có con đường dẫn ra bãi biển để tận mắt nhìn ngay biển rộng và cát trắng trải dài hàng chục km từ bán đảo Sơn Trà đến Non Nước xa tít tắp.

Nhưng đâu chỉ có thế mà làm nên một diện mạo Đà Nẵng ngày nay. Cái mà Đà Nẵng không ngừng phấn đấu suốt 15 năm qua, chính là thực hiện các mục tiêu "5 không" và "3 có" để tạo nên cái chất, cái hồn và cũng là cái đặc trưng, cái riêng biệt của Đà Nẵng trong tiến trình xây dựng và phát triển. Bởi suy cho cùng mọi sự phát triển về kinh tế và xã hội đều nhắm đến lợi ích cao cả của cộng đồng, của cư dân thành phố. Nếu người dân sống không yên thì làm sao nói đến chuyện làm ăn, nói đến chuyện học hành, vui chơi giải trí… Nếu có nhiều nhà cao tầng, có phố sang, phố đẹp mà hàng vạn người dân không có nơi ở, còn bị cái đói, cái nghèo bao phủ  quanh năm suốt tháng thì đó cũng chỉ là lớp sơn bên ngoài mà thôi.
Trong một lần chuyện trò với Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cách đây hơn dăm năm, khi đứng trên một cao ốc của thành phố, anh nói với tôi :  "Tao nói thiệt với mầy, đứng trên cao ốc này ai không thấy thích. Tao cũng thích và cũng mong cho Đà Nẵng có rất nhiều cao ốc như thế. Nhưng cái tao mong và quyết tâm làm là không còn có những ngôi nhà lụp xụp và không ai còn cảnh không có nhà để ở".

Mùa xuân của em. Ảnh: SÂM NGỌC
Mùa xuân của em. Ảnh: SÂM NGỌC

Cho nên, việc Đảng bộ và chính quyền Đà Nẵng chọn lựa cho mình những mục tiêu cụ thể, trong đó "việc lo cho dân, lo an dân" để tạo nền cơ bản cho sự phát triển lâu dài của thành phố là hướng đi thích hợp , đúng đắn và hợp với lòng người lắm thay!

Tính đến mùa xuân này, Đà Nẵng đã có hàng ngàn căn hộ chung cư được xây dựng để bố trí cho người dân và cán bộ, công chức ở. Nhiều cán bộ, công chức và người dân từ bao nhiêu năm qua phải sống trong căn hộ thuê, hoặc ở chung, ở tạm, nay có ngôi nhà khang trang trên năm sáu chục mét vuông để cả gia đình đoàn tụ đón xuân, vui Tết ai mà không dâng trào niềm vui, niềm cảm xúc. Có thể nói đó là mùa xuân hơn cả những mùa xuân được đơm hoa kết trái tự trong lòng người hiển hiện nên.

Trong giai đoạn hai, Đà Nẵng cũng đang quyết tâm xây dựng thêm 7.000 căn hộ chung cư và bố trí hàng ngàn lô đất để tiếp tục hoàn thiện mục tiêu nhà ở cho cán bộ và nhân dân của thành phố trước thời gian đề ra. Đấy quả là câu chuyện không nhỏ và không hề đơn giản mà Đà Nẵng phải nỗ lực, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, phức tạp.

Nhưng nhận thức một  cách rõ ràng rằng, khi tổ ấm của từng gia đình cán bộ và người dân được ổn định thì đó sẽ là tác nhân quan trọng không chỉ cho cuộc sống của riêng họ mà sẽ là động lực mạnh mẽ cho cả thành phố vươn lên thực hiện những mục tiêu kinh tế- xã hội lớn hơn, nên Đảng bộ và chính quyền Đà Nẵng coi đó là nhiêm vụ thiêng liêng, là mục tiêu số một.

Một mùa xuân mới lại đến đất nước, với phố phường Đà Nẵng. Có nắng hồng trên cành cây, ngọn lá, trên những mái nhà, trên mặt biển trong xanh, trên khuôn mặt của những người con gái con trai đang tung tăng đây đó để vui Tết, đón xuân. Có những làn mưa xuân đủ thắm để nâng cho lộc biếc chồi xanh để mùa xuân thêm xuân.

Và trong cái không gian huyền ảo sắc xuân đó, nó như tiếp thêm sức mạnh để cho người dân Đà Nẵng làm nên những kỳ tích mới, đầy ấn tượng, đầy cảm xúc, xứng danh với lòng mong mỏi của  bè bạn gần xa và của bao lớp người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì một Đà Nẵng thân yêu!

LÊ MINH HÙNG



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét