Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

Người sáng tạo Morse cải tiến ở Côn Đảo


Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ nằm trên một con hẻm thuộc đường Nguyễn Hoàng, thành phố Đà Nẵng, ông Đỗ Hằng như sống lại thời trai trẻ khi kể lại những tháng ngày ông cùng anh em tù chính trị câu lưu thuộc Chi bộ Lê Hồng Phong, nhà tù Côn Đảo chống lại các hình thức đàn áp của kẻ thù, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt thông qua mã morse trong suốt thời gian từ 1963 đến 1975.

Ông Đỗ Hằng, người sáng tạo cách đánh morse cải tiến trong nhà tù Côn Đảo.
Ông Đỗ Hằng, người sáng tạo cách đánh morse cải tiến trong nhà tù Côn Đảo.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, ông Đỗ Hằng trải qua 11 nhà lao trong suốt 18 năm. Hai năm sau ngày bị địch bắt, năm 1959 ông bị đày ra Côn Đảo, là tù chính trị câu lưu (không xử án). Ông bị giam trong lao 1 (chống ly khai), cùng anh em nêu cao tinh thần kiên trung, đối mặt với kẻ thù hung bạo, khi chúng mở chiến dịch tấn công bằng bạo lực, đánh rã lao 1. Anh em xác định cần có một tổ chức Đảng lãnh đạo, để mọi lực lượng tù nhân đoàn kết lại giành giữ quyền lợi hằng ngày… Tháng 5-1963, tại lao 4, chi bộ đầu tiên trong nhà tù Côn Đảo mang tên Lê Hồng Phong ra đời gồm 7 đồng chí, mấy tháng sau con số này tăng lên 10.

Lúc đó trong các lao tù chính trị câu lưu ở Côn Đảo (như lao 1, 2, 6B, xà lim, chuồng cọp) từ năm 1957 đến 1963, anh em dùng phương tiện thông tin liên lạc như truyền đạt miệng qua số người được ra ngoài làm nhà bếp, đi khám bệnh hay khi đi làm khổ sai. Cách thứ 2 là truyền đạt qua thư từ, được viết trên giấy hút thuốc hay trên mảnh nilon mỏng. Cách này bảo đảm tính chính xác nhưng nếu bị lộ sẽ bị tra tấn, bể cơ sở. Hay một cách khác là anh em công kênh nhau lên vai, đẩy tài liệu qua đầu tường, chuyển thư từ phòng này sang phòng khác. Được chừng ấy cách chuyển tin nên thỉnh thoảng vẫn có vụ lộ thư, tài liệu, có người phải hy sinh.

Tháng 11-1963, Chi bộ Lê Hồng Phong quyết định bỏ hô khẩu hiệu. Một số người bị bắt vào ở chuồng cọp, số anh em còn lại bị địch siết bóp khẩu phần cơm nước, không cho ra ngoài tắm giặt. Sau một thời gian đấu tranh, anh em tù đưa ra các yêu sách nhưng không được đáp ứng đã tiến hành tuyệt thực. Ông Đỗ Hằng nhớ lại: "Lúc đó, Chi bộ xác định có thể địch sẽ cấm cố anh em lâu ngày, tước quyền quản lý y tế và nhà bếp của ta nên đồng chí Bí thư Chi bộ Lương Thạnh chỉ đạo chúng tôi nghĩ cách liên hệ qua lại giữa các phòng giam mà không cần giấy tờ, vì rất dễ bị lộ. Tôi và các anh Tô Thành, Lê Quang Ngọc đang cấm cố ở phòng giam số 7 đã trao đổi cách thử vận dụng morse trong điện tín".  

Morse là hệ thống tín hiệu bằng chữ cái và chữ số dùng trong điện báo với 26 mẫu tự la tinh từ A đến Z và 10 chữ số từ 1 đến 0, được ký hiệu hóa bằng các dấu chấm, vạch ngang (., -) do nhà vật lý người Mỹ Samuel Morse phát minh vào năm 1835. "Từ hệ thống này, chúng tôi cải tiến dùng số âm thanh và âm lượng thay thế các dấu chấm vạch để chuyển thông tin và tiếp nhận qua thính giác hay thị giác. Có thể gõ vạch 5 hàng ngang và 5 cột dọc, đánh số từ 1 đến 5, thành 1 bản có 25 ô vuông, mỗi ô đặt 1 chữ cái. Mỗi chữ cái được ký hiệu hóa bằng 2 chữ số. Bản quy ước dùng 25 chữ số (bỏ chữ W và Z, thêm chữ Đ). Ví dụ như chữ a=1.1, chữ b=1.2", ông Đỗ Hằng miêu tả về bản morse cải tiến. "Sau khi đặt xong bản quy ước, chúng tôi công kênh nhau lên đầu tường, chuyển bản morse qua phòng số 6, anh em gõ thử phải có một người nằm bên ghi từng chữ, ráp lại từng câu rồi nói lại cho anh em cùng nghe để nhớ. Sau này anh em dùng quen không cần dấu và gõ nhanh, có khi chuyển cả một bài triết học qua bản morse cải tiến".

Dụng cụ để đánh morse thường là một viên sỏi nhỏ, một đoạn đũa, nhưng địch theo dõi và thường thu giữ hết. Anh em lao tù phải chịu đau, dùng đốt xương ngón tay gõ vào tường. Sau này có sáng kiến dùng cúc áo làm phương tiện gõ morse, được phổ biến và giữ mãi cho đến ngày 1-5-1975.

16 năm ông Đỗ Hằng ở nhà tù Côn Đảo, trong đó việc dùng morse cải tiến để chuyển đổi thông tin kéo dài suốt 12 năm. Thời gian này, hàng trăm anh em tù có thể học rất nhiều tài liệu như Đường lối cách mạng miền Nam, Tám kinh nghiệm chiến đấu và rất nhiều bài học cách mạng, lịch sử, triết học, thơ ca cách mạng và những bài thơ tự sáng tác. Đánh morse đã trở thành một cách truyền đạt hiệu quả, bảo đảm bí mật, thuận lợi trong việc chuyển tài liệu học tập, bảo vệ được tổ chức và sinh hoạt chính trị tốt hơn. Nhiều anh em trong tù dù sử dụng morse rất giỏi nhưng vẫn không biết xuất xứ của nó.

Sau ngày thống nhất đất nước, ra tù, ông Đỗ Hằng đi học chính trị ở Trường Nguyễn Ái Quốc, rồi về làm Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Gia Lai-Kon Tum cho đến ngày nghỉ hưu năm 1980. 10 năm nay ông về sống ở Đà Nẵng, bị chứng đau cột sống nên ông phải di chuyển trên ghế cùng một cây gậy. Mới đây người cựu tù Côn Đảo phát hiện mắc bệnh ung thư gan, nhưng ông rất lạc quan. Sau 3 tháng, điều diệu kỳ đã xảy ra là các chỉ số của căn bệnh ung thư đã giảm đến mức thấp nhất. Ông cười bảo: "87 tuổi rồi nên chừ có mắc bệnh gì tôi cũng thấy không vấn đề gì. Cơ bản là mình đã sống và cống hiến hết mình".

16 năm ở nhà tù Côn Đảo, vào sinh ra tử, ông Đỗ Hằng cũng là người duy nhất trong số 3 người sáng tạo ra cách đánh morse của Chi bộ Lê Hồng Phong còn sống, nên ông đã sống hết mình cho anh em, cho bao chiến sĩ kiên trung đã ngã xuống cho ngày hòa bình hôm nay.

HOÀNG NHUNG



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét