Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Xe đạp


Đường Thanh Niên, con đường chạy giữa Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch được xem là một trong những tuyến phố đẹp nhất Hà Nội. Nhưng bạn sẽ chỉ cảm nhận được hết sự thú vị của con đường này nếu có cơ hội đến với nó vào sáng sớm. Tinh mơ, một Hà Nội xưa bỗng hiện lên trước mắt ta với từng đoàn xe đạp đa dạng về màu sắc, kiểu dáng cả cũ lẫn mới, thong dong, bình yên nối nhau suốt dọc hai chiều xuôi ngược. Bạn sẽ ngỡ ngàng với cảm giác êm ả, thanh bình của một góc thủ đô. Để rồi chẳng bao lâu sau đó, Hà Nội hiện đại lại ùa về khi toàn bộ xe đạp cùng chủ nhân của chúng biến mất, chỉ còn lại đầy chặt ô-tô, xe máy với đủ thứ âm thanh inh ỏi. Cái sự huyên náo, ồn ào ấy kéo dài cho đến tận nửa đêm.

         Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

CLB xe đạp Hà Nội "Xưa và Nay" (XN) không phải là CLB xe đạp duy nhất ở Hà Nội. Thủ đô còn có Lake Bike, MTB (CLB xe đạp địa hình) hay N.H.O.E (New House of Energy Bikes – ngôi nhà mới của những chiếc xe đạp giàu năng lượng) của giới trẻ. Thế nhưng XN được xem là CLB đông thành viên nhất, đa dạng nhất, lại thường xuyên tổ chức được hoạt động vào các sáng trong tuần trên tuyến đường Thanh Niên. Đều đặn ngày nắng cũng như ngày mưa, hơn sáu chục hội viên từ 18 đến 80 tuổi có mặt, cùng nhau đạp một vòng quanh Hồ Tây rồi chia tay để ai về việc nấy. Riêng sáng thứ bảy, chủ nhật lại là một câu chuyện khác. Hơn 8 giờ sáng, nắng đã lên cao bạn vẫn có thể thấy rất nhiều xe đạp còn lưu thông trên đường. Từng dãy xe đạp, trong đó có cả những nhãn hiệu nổi tiếng một thời như Peugeot, Aviac, Mercie dựng kín khoảng trống suốt dọc vỉa hè sát Hồ Tây. Những cuộc chuyện trò, trao đổi rộn rã khắp nơi. Thôi thì đủ thứ, từ chuyện bầu Kiên cho tới hoa hậu mới đăng quang, từ chuyện Hàn Quốc và Nhật Bản lục đục biển đảo cho tới việc xăng tăng giá. Cũng có khi chỉ đơn giản là giúp nhau chỉnh cái chuông hay dây phanh của chiếc xe đạp yêu. Và tất nhiên, bao trùm vẫn sẽ là những câu chuyện xoay niềm đam mê chung của họ – xe đạp.

Trò chuyện với họ, nhất là những thành viên mê xe cổ của CLB mới thấy nghề chơi cũng lắm công phu. Mỗi chiếc xe sưu tầm được là cả một câu chuyện dài, thậm chí ly kỳ. Một chiếc xe được coi là hoàn hảo khi tất cả các chi tiết của nó  phải đồng bộ về "tuổi tác", tức là phải cùng đời. Do vậy, một cái xe giá vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu là chuyện bình thường vì có khi người ta công phu tìm mua cả một chiếc xe chỉ lấy cái biển hay cái dây phanh cũ của nó. Có chiếc xe sản xuất năm 1925 được chủ nhân giữ nguyên xi từng con ốc, màu sơn. Có một chiếc xe Peugeot từng được người chủ gán nguyên một ngôi nhà trên phố Thụy Khuê để được sở hữu. Một chiếc nữa đã được sử dụng để tải gạo trong chiến dịch Điện Biên hay một chiếc đã từng có mặt tham gia đoàn diễu hành về Hội trường Ba Đình trong ngày Độc lập 2-9-1945. Ông Vũ Thành Công, còn có biệt danh là Công "Peugeot", cái tên hầu hết dân chơi xe đạp cổ ở Hà Nội đều biết đến. Từ những năm 1970, khi chiếc xe đạp là cả một gia tài, ông Công đã tìm mua từng chiếc nan hoa, tích cóp chiếc may-ơ, pê-đan, đùi đĩa, kỳ công cả năm trời lắp ráp được chiếc xe. Đam mê và tình yêu xe cứ dần lớn mãi. Cho đến thời điểm này, một mình ông sở hữu hơn 100 chiếc xe đạp mang thương hiệu Peugeot, có những chiếc hầu như không còn tìm được trên thị  trường và cả trong giới chơi xe. Ông dành hẳn một xưởng ở ngõ Văn Chương để trưng bày, sửa chữa, lắp ráp những chiếc xe sưu tầm được. Dẫu có đủ cả xe máy, ô-tô nhưng nhiều năm gần đây, ông Công thường chỉ chọn xe đạp làm phương tiện đi lại hằng ngày.

Khi mới thành lập, hầu hết thành viên CLB xe đạp Hà Nội "Xưa và Nay" là người cao tuổi, đã về hưu, coi sưu tập xe đạp như một thú vui, một môn thể thao vừa sức. Dần dần, thành phần đã mở rộng với đầy đủ cả người đi làm, đang còn đi học, có cán bộ, công chức và cả lao động tự do. Nhưng dù là ai, ở vị trí nào trong xã hội thì đến đây, họ đều có thể tìm được tiếng nói chung từ tình yêu với chiếc xe đạp.

Vừa chạm ngưỡng tuổi 30, Nguyễn Dương Hòa từng có thời đam mê tốc độ với những dòng xe máy phân khối lớn. Nhưng trong lần ngồi uống cà-phê ở một góc phố cổ, câu chuyện của những người trong giới chơi xe đạp tình cờ nghe được khiến anh tò mò tìm hiểu về thú chơi này. Thế rồi bản thân Hòa đam mê xe đạp lúc nào không hay. Bán xe máy, mua chiếc xe đạp cũ và rồi sử dụng cho tất cả các nhu cầu di chuyển khiến Hòa gặp không ít ánh mắt ngạc nhiên của người thân, hàng xóm, thậm chí cả người đi đường. Nhưng theo anh, điều cốt yếu không phải là đánh giá của mọi người mà bản thân cảm thấy thoải mái.

Theo ông Nguyễn Kim Thắng, Phó chủ nhiệm CLB, điều quan trọng hơn cả niềm đam mê với những chiếc xe ghi dấu ấn thời gian cũng là lý do khiến các hội viên CLB chăm chỉ và đều đặn đạp xe mỗi sáng là bởi họ có cơ hội "sống chậm", được ngắm một Hà Nội thanh bình, tươi mới mỗi sớm mai. Bên cạnh đó, CLB đã nhiều lần tổ chức những chuyến đi dài, thăm thú làng nghề hay những di tích ven đô. Hai lần góp mặt tại Fesival Huế, một lần tham gia vào lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, những người yêu xe đạp như ông đã tạo nên dấu ấn đẹp về một  thủ đô – thành phố vì hòa bình trong lòng du khách trong và ngoài nước.

Trong nhịp sống hiện đại, nhất là nơi phố phường đông đúc, những chiếc xe đạp đôi khi lọt thỏm giữa dòng xe cộ khổng lồ. Những chiếc xe đạp với chủ nhân của chúng được xem như những lưu dấu của một thời khó khăn. Nhưng cái sự chậm rãi, thong dong, cái sự vận động thư thái cả về tâm hồn và cơ thể đã đem lại cho họ nhiều điều khác: xả bớt được sự bức bối, ghìm bớt tốc độ và cả áp lực của cuộc sống công nghiệp. Những lời nói của anh thanh niên Vũ Dương Hòa cất lên, vừa mời gọi, vừa kiêu hãnh: "Đừng nói gì vội, bạn hãy thử một lần xem".

Ý DỊU



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét