Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Nước Nga với giấc mơ hội nhập


Sau hành trình gian nan với 18 năm ngược xuôi thương thảo, cuối cùng thì ngày 22-8 vừa qua, Nga đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Việc Tổng thống Vladimir Putin đặt bút phê chuẩn gia nhập WTO có vẻ như bị khuất lấp sau nhiều sự kiện quốc tế nóng bỏng diễn ra tại Trung Đông, Đông Bắc Á, châu Âu vào hạ tuần tháng 8, nên dư luận quốc tế dường như đã không dành cho sự kiện này sự quan tâm như đúng ra nó phải có. Thế nhưng tầm quan trọng và ảnh hưởng của nó đối với nước Nga và đối với thế giới đã không bị các nhà nghiên cứu kinh tế và cả giới chính trị quốc tế bỏ qua.

Con đường gập ghềnh

Gần 2 thập kỷ kiên trì theo đuổi mục tiêu, nước Nga đã tạo nên một danh sách các kỷ lục trong lịch sử của WTO. Nộp đơn xin gia nhập từ năm 1993, khi WTO vẫn còn là Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT), Nga đã trải qua một tiến trình gian nan với 18 năm ròng rã để tiến hành các cuộc đàm phán song phương với 62 quốc gia, trả lời 3.500 câu hỏi của các thành viên, ký kết 30 hiệp định về tiếp cận thị trường, 57 hiệp định về hàng hóa. Sự thiếu thiện chí của một số đối tác lớn mà phần nhiều vì lý do chính trị, những điều kiện khắt khe của một số thành viên được cho là "dưới cơ" đã khiến Nga không phải không có những lúc nản lòng, chùn bước. Trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ 2 của mình trước đây, sau một loạt những nỗ lực bất thành, nhà chính trị dày dạn kinh nghiệm Vladimir Putin đã thất vọng tuyên bố: "Nước Nga không nhất thiết phải gia nhập WTO".

Cho tới tận năm 2010, Nga mới hoàn tất thương thảo với Mỹ và Liên minh châu Âu. Tiếp đó, với sự trung gian của Thụy Sĩ và sau khi phải có những nhượng bộ nhất định về quyền giám sát các hoạt động thương mại xuyên biên giới ở hai khu vực ly khai là Abkhadia và Nam Ossetia, tháng 11 năm ngoái, Nga mới dỡ bỏ xong rào cản cuối cùng, nhận được cái gật đầu của người láng giềng nhỏ bé – Georgia. Dẫu sao thì cuối cùng, cỗ máy đàm phán của Nga cũng đã cán đích. Sự kiên nhẫn cuối cùng cũng đã được đền đáp. Khỏi phải nói người Nga đã hài lòng như thế nào. 20 năm qua, họ đã phải chung sống với một nghịch lý. Đó là một quốc gia của G8, cũng là nền kinh tế thứ 8 thế giới với tổng giá trị lên tới 1.900 tỷ USD, dự trữ ngoại tệ thứ 3 thế giới, tài nguyên thiên nhiên giàu có bậc nhất thế giới, một cường quốc dầu mỏ và khí đốt… lại phải đứng bên lề của quá trình toàn cầu hóa thương mại đang diễn ra sôi động, lại không được có tiếng nói trong quá trình hình thành nên những luật lệ, những cơ sở pháp lý của thương mại quốc tế. Nghịch lý đó bây giờ đã chấm dứt và giấc mơ hội nhập của người Nga đã bắt đầu trở thành hiện thực.

Hai mặt của tấm huy chương

Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy, trong tuyên bố chấp thuận Nga trở thành thành viên, đã không ngần ngại đánh giá rằng đây là một cột mốc mới trong sự phát triển của tổ chức này. Bởi lẽ, với sự tham gia của Nga, WTO bây giờ chiếm tới 97% thương mại toàn cầu. Sự mở rộng cánh cửa giao thương với nền kinh tế thứ 8 thế giới, sự tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn tài nguyên thiên nhiên số 1 thế giới sẽ tạo ra động lực mới cho nền kinh tế toàn cầu vốn đang lâm vào trì trệ và khủng hoảng. Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nga tràn trề hy vọng về việc khai thác thị trường tiềm năng cận kề. EU, đối tác thương mại thứ 3 của Nga lạc quan về lời hứa tham gia giải cứu đồng euro của nước này và về việc chấm dứt những cuộc chiến dầu mỏ, khí đốt mà Nga thường sử dụng trước đây, mỗi khi hai bên có bất đồng. Chính quyền Barack Obama hoan nghênh sự kiện Nga gia nhập WTO. Đại diện thương mại Mỹ Ron Kirk, quyền Bộ trưởng Thương mại Rebecca Blank, nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ đã lập tức lên tiếng cảnh báo và hối thúc Quốc hội Mỹ dỡ bỏ tu chính án Jackson – Vanik và sớm cho Nga hưởng quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) để tận dụng cơ hội xâm nhập thị trường Nga, đưa quan hệ kinh tế hai nước lên đến đúng tầm với tiềm năng. Các nước trong khối những nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (nhóm BRICS) cũng hy vọng rằng việc Nga gia nhập WTO sẽ làm thay đổi kết cấu trong hệ thống thương mại đa phương, góp phần đem lại tiếng nói trọng lượng hơn cho nhóm trong vòng đàm phán Doha, tiếp thêm sức sống mới cho nó cũng như cho thương mại toàn cầu… Chỉ bấy nhiêu động thái thôi cũng đã đủ để người ta cảm nhận được tầm ảnh hưởng của việc Nga gia nhập WTO là như thế nào.

Tiếc rằng về phía Nga, giấc mơ hội nhập không chỉ có toàn hoa hồng. Niềm vui gia nhập WTO đi kèm với nhiều lo lắng, thậm chí bi quan. Thượng nghị sĩ Nga Sergei Lisovsky cho rằng Nga đang lao đầu vào một cuộc chiến kinh tế không thể coi thường. Nhiều nhà phân tích khẳng định hiện chỉ có khoảng 10% số doanh nghiệp Nga, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực khai thác tài nguyên hào hứng với sự kiện này, còn 90% vẫn chưa sẵn sàng. Việc thực hiện lộ trình giảm thuế cho hàng hóa nước ngoài từ 9,7% hiện nay xuống còn 6% năm 2015 sẽ làm hàng triệu lao động mất việc làm, hàng chục nghìn cơ sở sản xuất phải đóng cửa vì phá sản. Mở cửa và giảm thuế sẽ giáng đòn mạnh vào các ngành có công nghệ lạc hậu, được Nhà nước bao bọc và sức cạnh tranh yếu kém như công nghiệp nhẹ, thực phẩm, dược phẩm, điện tử, ô-tô, hàng không dân dụng và đặc biệt là nông nghiệp. Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi Nga được WTO chấp thuận là thành viên, hàng loạt các cuộc biểu tình phản đối gia nhập tổ chức này đã diễn ra và bản thân Tổng thống Putin cũng cảnh báo rằng cần hết sức cẩn trọng trong việc thực hiện các cam kết  với WTO.

Tuy nhiên, với mục tiêu đưa nước Nga vào top 5 các nền kinh tế lớn nhất thế giới, việc Nga tiếp tục đứng bên lề Tổ chức Thương mại lớn nhất hành tinh là điều không thể. Không phải bàn cãi gì nhiều rằng "cú hích" WTO sẽ đem lại cho nước Nga dòng vốn đầu tư mạnh mẽ từ bên ngoài. Việc mở cửa bắt buộc về thị trường cũng sẽ tạo động lực để Nga tái cơ cấu kinh tế – thoát ra khỏi tình trạng phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu nhiên liệu thô và bắt buộc các ngành của Nga phải tăng cường sức cạnh tranh. Việc đáp ứng các yêu cầu khắt khe của WTO cũng buộc Nga phải xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho một môi trường kinh doanh minh bạch hơn, tạo điều kiện đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng và tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vốn là những điểm yếu của nước này. Nếu như trước thời điểm Nga gia nhập WTO, có tới 20 quốc gia đang áp dụng 70 biện pháp hạn chế đối với hàng hóa của Nga, thì bây giờ những rào cản đó đương nhiên sẽ được dỡ bỏ. Một số mặt hàng chiến lược, có lợi thế cạnh tranh của Nga như công nghiệp luyện kim, hóa chất sẽ có nhiều ưu thế khi xâm nhập vào thị trường các nước thành viên WTO. Dù rằng trước mắt, việc gia nhập này chưa đem lại cho Nga những thay đổi đột biến hay những lợi ích rõ ràng có thể đong đếm được nhưng Ngân hàng Thế giới (WB) vẫn lạc quan cho rằng, trong 3 năm đầu tiên, GDP của Nga sẽ vẫn tăng khoảng 3,3%, tương đương 49 tỷ USD. Và, nếu thuận lợi thì sau 10 năm nữa, khi Nga tạo dựng được môi trường đầu tư hấp dẫn, con số này sẽ là 11% – một con số đáng mơ ước, có thể sánh ngang với những điều thần kỳ mà Trung Quốc đạt được sau 1 thập kỷ gia nhập WTO.

Cơ hội nào cho Việt Nam?

Việc Nga trở thành thành viên WTO là cơ hội lớn cho Việt Nam để tăng cường quan hệ với đất nước vốn có quan hệ truyền thống và đang là đối tác chiến lược toàn diện của nước ta. Năm 2011, kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt 2,12 tỷ USD và với chiều hướng tích cực hiện nay, việc chạm ngưỡng 3 tỷ USD trong năm 2012 này là hoàn toàn khả quan. Điều thuận lợi là cơ cấu hàng hóa của hai nước không cạnh tranh mà bổ sung cho nhau. Hơn nữa, những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như thủy sản, rau quả, cà-phê, dệt-may, giày dép, lương thực, linh kiện máy móc, hàng điện tử đều là những sản phẩm nằm trong danh mục được giảm thuế đầu tiên. Ngược lại những hàng hóa của Nga xuất sang Việt Nam như sắt thép, phân bón, máy móc, thiết bị, xăng dầu cũng sẽ được hưởng lợi nhờ những ưu đãi của Việt Nam với tư cách thành viên WTO. Ở thời điểm này, cán cân thương mại vẫn đang nghiêng về Việt Nam do ta vẫn liên tục xuất siêu. Nếu tận dụng tốt cơ hội có được từ việc Nga gia nhập WTO và thêm một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, có thể tin rằng việc Nga gia nhập WTO sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam. Cái mốc 5 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều năm 2015 và 10 tỷ USD năm 2020 không chỉ "có thể đạt được" mà còn hoàn toàn "có thể vượt qua".

MAI CHI

 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét