Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Ở nơi đầu biển, cuối sông


Đã từ lâu, Đà Nẵng được ví von bằng một cái tên giàu hình ảnh: Thành phố đầu biển, cuối sông. Và ở đôi bờ cầu Thuận Phước ấy, nơi gặp gỡ của những con sóng biển bạc đầu với dòng nước trong xanh ở cuối sông Hàn thơ mộng, giờ là một bức tranh sáng màu với những khu phố mới thênh thang đang đổi thay từng ngày.

Một góc phố mới ở nơi đầu biển cuối sông
Một góc phố mới ở nơi đầu biển cuối sông

Từ khi cây cầu Thuận Phước bắc qua sông nối nhịp bờ vui, nhiều người dân ở hai bên bờ đã đổ về đây tập thể dục buổi sáng. Cũng như bao người dân khác, ông Nguyễn Tấn Lợi, 91 tuổi, ở 90 Thanh Long hồ hởi: "Sáng nào tôi cũng ra đây tập thể dục. Ngày xưa nơi đây là một vùng trũng thấp, ô nhiễm và thưa thớt dân cư. Nhờ có cây cầu bắc ngang, cảnh quan hai bên bờ trở nên thoáng đãng và sạch đẹp". Sự thay đổi này không đơn thuần chỉ là việc chọn một nơi tập thể dục thoáng mát mà cho thấy sự phát triển vượt bậc của vùng đất này so với trước đây. Cùng tâm trạng với ông Lợi, ông Trương Đình Thanh, trú 74/1 Phan Kế Bính chia sẻ: "Thành phố Đà Nẵng giờ đã thay đổi nhiều, nhất là phường Thuận Phước. Trước đây là một phường ven biển nghèo thì nay Thuận Phước đã phấn đấu đi lên với nhiều khu phố mới khang trang. Hồ Đầm Rong nhếch nhác ngày nào giờ trở thành khu dân cư sầm uất, đường sá khang trang, đi lại thuận tiện. Hồi năm 1985 khi tôi còn là Phó Chủ tịch UBND phường, lúc đó khu Đa Phước không có đường đi, thường xuyên bị sóng biển xâm lấn, dân cư phức tạp, không có điện, nước… Bây giờ bến cá Thuận Phước cũng đã nâng cấp thành cảng du lịch xinh đẹp".

Còn nhớ vào năm 2007, ở ven sông Hàn vẫn còn dân vạn đò sinh sống. Tại âu thuyền Thuận Phước, những cư dân này phần lớn đều quê ở các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Quảng Bình dạt về đây hình thành một xóm thuyền với hàng chục chiếc thuyền vừa là nhà cũng vừa là phương tiện mưu sinh đánh bắt cá gần bờ. Trước khi quy hoạch giải tỏa và còn tồn tại âu thuyền Thuận Phước, thì có đến 38 hộ sinh sống trên ghe. Cuối năm 2009, chính quyền địa phương đã phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát đường sông kiên quyết xử lý dứt điểm không còn hộ nào sống trên ghe. Tuy nhiên, vẫn còn một số vào neo đậu và ở luôn ở âu thuyền Thuận Phước. Bà Lê Thị Thuận, Chủ tịch UBND phường Thuận Phước chia sẻ: "Năm 2009, thực hiện thi công cầu Xuân Diệu và đường Như Nguyệt, phường tiếp tục tiến hành vận động tàu bè ra khỏi khu vực này và sau đó lấp hồ Thuận Phước (ngư dân gọi là âu thuyền). Từ một nơi ô nhiễm môi trường thì giờ trở thành khu tái định cư với 72 hộ và đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải, bãi đỗ ô-tô, 2 trung tâm thương mại và công viên cây xanh".

Với những đề án quy hoạch các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng và những dự án của các tổ chức nước ngoài, diện mạo của phường Thuận Phước giờ đã khang trang hơn. Việc quy hoạch đã tạo thành một hành lang thông thoáng, tạo điều kiện cho người dân có mặt bằng làm ăn, đời sống được cải thiện. Bà Thuận cho biết thêm: "Quy hoạch tổng thể của địa phương đã mở ra nhiều khởi sắc, đặc biệt có cây cầu mang tên phường, đường Như Nguyệt nối dài đường Bạch Đằng, đường 3-2 đón khách vào trung tâm thành phố từ phía Bắc. Nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư dịch vụ, cơ sở vật chất, nhà hàng, khách sạn… Hiện nay trên các tuyến đường mới mở đã có thêm 5 khách sạn mới xây dựng, nâng tổng số lên 12 khách sạn. Nhiều dịch vụ ăn uống cũng được mở ra nhiều hơn trước. Thuận Phước cũng là phường đầu tiên hình thành được một tổ dịch vụ hậu cần nghề cá với tàu có công suất trung bình từ 400-1.200 CV. Hiện Thuận Phước có 40/88 chiếc tàu đánh cá vùng ven bờ và số này cũng đã giảm hơn so với trước đây vì đã chuyển cảng cá Thuận Phước sang phường Thọ Quang.

Sự đổi thay cũng bắt đầu lan sang bờ Đông khi cây cầu Thuận Phước nối nhịp bờ vui. Theo ông Văn Thanh Quảng, Bí thư Đảng ủy phường Nại Hiên Đông, sau khi thực hiện giải tỏa gần 90%, bộ mặt phường Nại Hiên Đông đã thay đổi hoàn toàn. Về cơ bản, đời sống người dân đã được nâng lên một bước. Các hưởng thụ văn hóa đã được cải thiện. Từ một nơi chỉ có một con đường Nguyễn Trung Trực, một chợ Nại Hiên Đông quy mô nhỏ, bà con ngư dân sống tạm bợ, nhà tôn vách ván, nhà chồ ven sông, điều kiện kinh tế khó khăn… thì bây giờ đã hình thành hơn 12 khu chung cư và các khu định cư mới với đầy đủ điện, đường, trường, trạm…

Mỗi lần đi qua nơi đầu biển cuối sông này, câu nói của ông Văn Thanh Quảng vẫn cứ hiện lên trong tôi như chứng minh cho sự đổi thay vượt bậc ở hai bên bờ sông: "Ngay cả những người dân địa phương trước đây sống ở khu vực này, sau vài năm trở lại họ vẫn không thể định hình được khu Vũng Thùng bây chừ là nằm ở đâu?".

Bài và ảnh: GIA HUY

 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét