Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Hạ tầng đô thị: Niềm tự hào của Đà Nẵng


Hằng năm, Đà Nẵng lại có thêm những công trình mới về hạ tầng đô thị. Chính điều này luôn làm cho thành phố mỗi năm khoác thêm tấm áo mới, để rồi ai đó đi xa và trở lại đều bất ngờ…

Đà Nẵng ngày càng thêm những công trình mới. TRONG ẢNH: Bờ tây sông Hàn.                                                               Ảnh: THÀNH LÂN
Đà Nẵng ngày càng thêm những công trình mới. TRONG ẢNH: Bờ tây sông Hàn. Ảnh: THÀNH LÂN

Lần theo năm tháng, Đà Nẵng đặt dấu ấn rõ nét về phát triển hạ tầng giao thông tạo nên nhiều diện mạo mới cho phố phường, điển hình như các tuyến đường Nguyễn Tất Thành, Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo, Phạm Văn Đồng, Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Thọ, Hoàng Sa-Trường Sa, Lê Văn Hiến, ĐT 602, ĐT 605 và rất nhiều tuyến đường được chỉnh trang khác. Song song với đó là hàng loạt cây cầu bắc qua sông Hàn như cầu Sông Hàn, Tiên Sơn, Cẩm Lệ, Hòa Xuân, Thuận Phước, đặc biệt là các cầu mới như cầu Rồng, Nguyễn Văn Trỗi-Trần Thị Lý, Nguyễn Tri Phương… Đây là những dự án đưa hạ tầng kỹ thuật thành phố đi trước một bước và đưa thành phố vươn đến những tầm cao mới.

Cùng với những con đường mới khang trang, thành phố đã đầu tư xây dựng hàng loạt nhà cao tầng, các khách sạn, văn phòng làm việc và đặc biệt là các khu chung cư mới trải khắp các quận, huyện với gần 14.000 căn hộ đã, đang và sẽ được xây dựng để thực hiện chương trình "Có nhà ở" cho người dân. Hạ tầng ngành y tế được chú trọng đầu tư khi Đà Nẵng là một trong số ít địa phương có bệnh viện dành riêng cho phụ nữ và trẻ em như Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản-Nhi với quy mô 600 giường bệnh. Đặc biệt, trong tháng 10 này, thành phố sẽ có thêm một bệnh viện thể hiện tính nhân văn sâu sắc, đó là Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng. Đây là bệnh viện chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị các bệnh ung thư, có quy mô hiện đại nhất khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Nhiều công trình văn hóa đã được xây dựng xứng tầm của một đô thị trực thuộc Trung ương như Nhà hát Trưng Vương, Nhà biểu diễn đa năng, Trung tâm Hội chợ-triển lãm, Bảo tàng lịch sử Đà Nẵng… và nhiều công trình văn hóa tại các quận, huyện. Đặc biệt, Cung Thể thao Tiên Sơn có sức chứa 7.000 chỗ ngồi với trang thiết bị thi đấu hiện đại bậc nhất ở khu vực luôn được chọn tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao lớn. Những công trình trên vừa là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao, đồng thời cũng tạo nên những điểm nhấn kiến trúc, cảnh quan phục vụ khách du lịch.

Song song với đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, một trong những ưu tiên hàng đầu của thành phố trong thời gian qua là tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ngành giáo dục để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, trình độ khoa học công nghệ để đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển của thành phố. Thành phố đã quy hoạch, từng bước xây dựng hoàn chỉnh mạng lưới trường, lớp từ mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Hạ tầng công nghệ thông tin được nâng lên tầm cao mới và đang tiệm cận với trình độ phát triển, năng lực phục vụ và chất lượng mạng lưới đa dịch vụ của các nước tiên tiến.

Là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế cho phát triển du lịch, Đà Nẵng đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Hàng loạt các dự án du lịch lớn đã đưa vào sử dụng như: Fusion Maia Resort, Hyatt Regency, khu nghỉ mát Vinpearl Luxury, khu vui chơi giải trí Fantasy Park tại Bà Nà, khu du lịch Xuân Thiều, Intercontinental Danang Sun Peninsular Resort… Ngoài ra, việc quy hoạch, xây dựng Khu công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn, quy hoạch chi tiết bán đảo Sơn Trà đã tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước lập các dự án phát triển du lịch. Nhà ga mới Sân bay quốc tế Đà Nẵng vừa đưa vào khai thác với công suất phục vụ khoảng 4,5 đến 5 triệu lượt khách/năm và tiếp nhận từ 400.000 đến 1 triệu tấn hàng hóa/năm. Từ năm 2015 trở đi, nhà ga Sân bay quốc tế Đà Nẵng sẽ là nhà ga lớn thứ ba của cả nước sau Nội Bài và Tân Sơn Nhất, với công suất dự kiến 6 – 8 triệu hành khách/năm.

Phát huy tiềm năng về thiên nhiên, Ðà Nẵng đã tập trung đầu tư phát triển không gian, hạ tầng và kiến trúc đô thị theo định hướng "kéo dài bờ biển, kéo dài dòng sông". Theo đó, chú trọng đầu tư xây dựng nhiều công trình cầu vượt sông, mở mới các tuyến đường ven sông, ven biển. Về quy hoạch, cơ bản xây dựng nền tảng tại địa bàn 2 quận Hải Châu và Thanh Khê với chức năng ưu tiên là dịch vụ thương mại, khách sạn, văn phòng và tài chính ngân hàng. Khu đô thị phía tây bắc bao gồm quận Liên Chiểu và một phần quận Cẩm Lệ rộng khoảng 2.200ha được quy hoạch thành khu công nghiệp dịch vụ. Khu đô thị tây nam thuộc địa bàn quận Cẩm Lệ và một phần huyện Hòa Vang được coi là hướng phát triển chính của Ðà Nẵng thông qua hạ tầng tuyến đường vành đai phía nam với đường Trường Sa từ phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn.

Có thể thấy, việc đầu tư phát triển hạ tầng đô thị hội tụ được 3 không gian hình thái kiến trúc là hạ tầng của khu dân cư, khu du lịch và các công trình văn hóa-xã hội.

TRIỆU TÙNG



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét