Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Ngoại trưởng Mỹ bàn về Biển Đông với châu Á


Vấn đề căng thẳng trên Biển Đông sẽ được Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đề cập trong chuyến công du châu Á – Thái Bình Dương từ ngày 30-8.

Ngoại trưởng Hillary Clinton gặp gỡ người đồng cấp Ấn Độ S.M.Krishna tại Washington, tháng 6-2012.                                                                             Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Hillary Clinton gặp gỡ người đồng cấp Ấn Độ S.M.Krishna tại Washington, tháng 6-2012. Ảnh: Reuters

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết, Ngoại trưởng Hillary Clinton sẽ dừng chân ở 6 quốc gia, bắt đầu từ các cuộc hội đàm với lãnh đạo quần đảo Cook ở Nam Thái Bình Dương – nơi Mỹ đang muốn tạo ảnh hưởng – vào ngày 31-8. Sau đó, bà đến Indonesia, Trung Quốc, Brunei và trở thành Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên thăm Đông Timor.

Theo Hãng AFP, bà Clinton sẽ có hội đàm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc tại Bắc Kinh vào ngày 4 và 5-9 trong lúc 2 cường quốc đang có những bất đồng trong vấn đề Biển Đông. Điểm dừng chân cuối cùng của bà Clinton là Vladivostok (Nga), nơi bà dẫn đầu đoàn đại biểu tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) vào ngày 8 và 9-9, để thảo luận về tự do hóa thương mại và an ninh lương thực. Tại đây, bà Clinton sẽ gặp gỡ Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.

Hãng AP dẫn lời bà Nuland nói rằng, Ngoại trưởng Mỹ dự kiến sẽ thảo luận vấn đề Biển Đông ở một số điểm dừng chân trong chuyến công du châu Á lần thứ ba của mình kể từ tháng 5 vừa qua. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, bà Nuland khẳng định không muốn thấy những tranh chấp trên Biển Đông hay bất cứ nơi nào khác phải giải quyết bằng sự cưỡng chế. "Chúng tôi muốn các tranh chấp được giải quyết qua đàm phán", bà Nuland nói. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng kêu gọi sự minh bạch từ phía Trung Quốc và cho hay, bà Clinton sẽ tìm kiếm tiến trình để đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) nhằm giải quyết xung đột tại vùng biển này. Bà Nuland cho rằng, đó là cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp.

Brunei, một trong những điểm đến của bà Clinton lần này, nằm trong 6 quốc gia tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Riêng Indonesia không tuyên bố chủ quyền nhưng Jakarta đã dẫn đầu các nước Đông Nam Á thúc đẩy Trung Quốc thống nhất cách thức giải quyết tranh chấp. Với Mỹ, mặc dù cường quốc này cũng không tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông nhưng khẳng định Washington có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và an ninh tại khu vực này. Washington ủng hộ nỗ lực của các nước Đông Nam Á nhằm thúc đẩy đàm phán với Trung Quốc, đồng thời chỉ trích các hành động của Bắc Kinh trong việc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" và đơn vị đồn trú trên Biển Đông. Còn Trung Quốc cáo buộc Mỹ gửi "những tín hiệu sai trái" về vấn đề Biển Đông. Các nhà phân tích của Trung Quốc cũng cho rằng, động thái từ Mỹ là một phần trong chiến dịch của Tổng thống Barack Obama nhằm kiềm chế sự ảnh hưởng của "người khổng lồ" châu Á và gia tăng ảnh hưởng của Washington.

Tháng 7-2012, bà Clinton cũng đến châu Á và chuyến công du đó diễn ra trong lúc Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia thất bại vì không ra được thông cáo chung. Đến châu Á lần này, bà bỏ lỡ hội nghị của đảng Dân chủ Mỹ ở Charlotte, Bắc Carolina nhằm chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống.

Cũng theo người phát ngôn Nuland, Ngoại trưởng Clinton sẽ đồng thời tìm kiếm giải pháp giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản với Trung Quốc và Hàn Quốc.

PHÚC NGUYÊN



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét