Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Ký ức thời chống Pháp


Trong ký ức của những người cán bộ, người lính năm nào vẫn vẹn nguyên tinh thần, ý chí đấu tranh, bất chấp những gian khó, những đòn roi của thực dân, và cả những mất mát, hy sinh…

 Quang cảnh buổi gặp mặt.
Quang cảnh buổi gặp mặt.

"Chúng ta đã ở tuổi xế chiều, thường xuyên ốm đau, bệnh tật, song rất đỗi tự hào về một thời xông pha đánh đuổi thực dân xâm lược, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc. Nay vì già yếu, đi lại khó khăn, kinh phí cũng eo hẹp, nên hôm nay là lần gặp mặt cuối cùng…". Sau những lời phát biểu này của cụ Hoàng Hoa, Trưởng Ban liên lạc kháng chiến chống Pháp thành phố Đà Nẵng, tại buổi gặp mặt truyền thống nhân kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, cả hội trường lặng đi vì xúc động, nhiều cụ ứa nước mắt…

Tiến sĩ Phạm Hữu Đỉnh, hiện ở Hà Nội, nguyên trợ lý Trung đoàn 96 Tiếp phòng quân, hoạt động tại mặt trận Đà Nẵng từ những ngày đầu đánh Pháp, bùi ngùi tâm sự: Tuy có khó khăn về sức khỏe và tài chính, nhưng đề nghị Ban liên lạc tiếp tục tổ chức gặp mặt, có thể 2 năm, hoặc 3-4 năm một lần, chứ không nên kết thúc hoạt động ý nghĩa này. Trong dòng cảm xúc trào dâng, cụ Đỉnh nói tiếp: Tôi đã đi nhiều nơi, nhưng chưa thấy nơi đâu có sự thay đổi diệu kỳ và đầy tính nhân văn như ở Đà Nẵng. Mỗi lần về đây, tôi nghe và thấy những việc làm năng động, đột phá, với mục tiêu xây dựng thành phố môi trường, thành phố đáng sống, chứng kiến sự hiện diện của nhiều khu phố mới khang trang và tận mục sở thị một thành phố không có người ăn xin mà cả nước chưa nơi nào làm được.

Quê ở Quảng Trị, cụ Phan Hoàng Mạnh có mặt tại thành phố Đà Nẵng ngay sau ngày Toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Hồi đó, cụ là cán bộ Ty Thông tin Đà Nẵng và bây giờ cụ vẫn còn nhớ như in những vần thơ vận động nhân dân ủng hộ đồ đồng để chế tạo vũ khí: "Ai ơi! Có biết có hay/Đồng đem đúc đạn, giặc Tây đi đời". Cụ Mạnh tâm đắc 3 mục tiêu: Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa-văn minh đô thị của Đà Nẵng và nhấn mạnh rằng, những mục tiêu ấy thể hiện rõ trách nhiệm đối với đời sống nhân dân của lãnh đạo thành phố… Đang nói hào hứng, sôi nổi, vậy mà khi đề cập đến chuyện "gặp mặt lần cuối" thì cụ bùi ngùi, xót xa, mắt ngấn lệ, không thốt nên lời.

Trong kháng chiến chống Pháp, cụ Lê Minh Xuân (ở phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) bí mật hoạt động xây dựng cơ sở ở Bến tàu Đà Nẵng và bị địch bắt giam, kết án tù chung thân khổ sai. Cụ bị kẻ thù đày ải qua nhiều nhà giam và ở đâu cụ cũng hăng hái tham gia đấu tranh biến ngục tù đế quốc thành trường học cách mạng. Với cương vị Phó Ban thường trực Ban liên lạc kháng chiến chống Pháp thành phố, cụ rơm rớm nước mắt khi nói việc kết thúc gặp mặt là điều không ai muốn, nhưng vì tuổi già sức yếu, nên lực bất tòng tâm. Cụ ngậm ngùi đọc tên những đồng chí từ trần trong 2 năm qua, và cho biết, cán bộ kháng chiến chống Pháp tại mặt trận Đà Nẵng hiện sống ở nhiều tỉnh, thành phố và chỉ còn chưa tới 500 người.

Cụ Phạm Đắc Tường (ở tỉnh Kiên Giang) là người từ nơi xa nhất về tham dự buổi gặp mặt và cũng nghẹn lời khi nghe thông tin đây là cuộc gặp mặt lần cuối. Thời chống Pháp, cụ công tác trong lực lượng Công an Đà Nẵng, bị địch bắt, đánh đập dã man, nhưng không một lời khai báo và vượt ngục trở về tham gia kháng chiến. Bao phen bị kẻ thù tra tấn, cụ không hề rơi nước mắt. Thế mà hôm nay nước mắt cụ lăn dài… Theo cụ Tường, chủ quyền biển, đảo của nước ta đang bị xâm phạm, các thế lực thù địch đang ráo riết chống phá, thì việc gặp mặt cán bộ kháng chiến cũng là hình thức giáo dục lòng yêu nước và truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Cụ nhắc đi nhắc lại lời đề nghị Ban liên lạc cố gắng duy trì hoạt động gặp mặt…

Trước nguyện vọng thiết tha của các cụ và trong niềm biết ơn sâu sắc đối với thế hệ đi trước, đồng chí Trần Thọ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết: Lãnh đạo thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí và tạo mọi thuận lợi để các cụ có điều kiện tổ chức hoạt động gặp mặt định kỳ. Tiếng vỗ tay vang lên giòn giã. Trong nghẹn ngào xúc động, cụ Hoàng Hoa – Trưởng Ban liên lạc kháng chiến chống Pháp nói rằng sẽ khắc phục khó khăn, tiếp tục tổ chức gặp mặt định kỳ giữa các đồng đội năm xưa 2 năm một lần.

Niềm vui lại rạng rỡ trên gương mặt những bậc lão niên, rồi các cụ kể lại những trận đánh tại chùa Bà Quảng, cống Xuân Hòa, ngã ba Cai Lang và bao chiến công nơi thành Thái Phiên khói lửa năm xưa…

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét