Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Romney


Trong bài phát biểu chấp nhận đề cử làm ứng viên Phó Tổng thống của Đảng Cộng hòa vào ngày 30-8, nghị sĩ Paul Ryan ở Wisconsin đã cam kết mang lại sự thay đổi cho nước Mỹ. Ryan cùng ứng viên Tổng thống Mitt Romney sẽ là đối thủ của Tổng thống đương nhiệm Barack Obama cùng ứng viên Phó Tổng thống của Đảng Dân chủ trong cuộc tranh cử vào tháng 11 tới.

Ông Mitt Romney cùng vợ, bà Ann Romney, chấp nhận đề cử của Đảng Cộng hòa.                                                                  Ảnh: AP
Ông Mitt Romney cùng vợ, bà Ann Romney, chấp nhận đề cử của Đảng Cộng hòa. Ảnh: AP

"Sau 4 năm trong vòng luẩn quẩn, nước Mỹ cần sự thay đổi, và người làm công việc này là Thống đốc Mitt Romney", ông Ryan nói. Bài phát biểu tại hội nghị Đảng Cộng hòa ở Tampa (bang Florida) của Ryan được xem là cơ hội để đánh bóng tên tuổi cho vị chính trị gia 42 tuổi này khi ông vẫn còn khá xa lạ với đại bộ phận cử tri. Dư luận quan tâm rằng, với "Kế hoạch Ryan" (tên gọi khác là "Đường đến thịnh vượng") nổi đình đám và gây nhiều tranh cãi thì bộ đôi Romney – Ryan có thể đánh bại được ông Obama, phá vỡ "thành trì" mà Đảng Dân chủ xây dựng trong 4 năm qua để vào Nhà Trắng hay không.

"Kế hoạch Ryan" đã được nghị sĩ Ryan trình lên Đảng Cộng hòa vào tháng 4 vừa qua. Theo đó, trong nhiệm kỳ đầu sẽ mang lại khoảng 2.000 tỷ USD nguồn thu thuế cho Chính phủ, tạo ra 12 triệu việc làm cho người Mỹ, chi tiêu liên bang ở mức 20% GDP, cải cách bộ quy tắc thuế, cắt giảm mức trần thuế thu nhập cá nhân từ 35% xuống còn 25%…

Hội nghị của Đảng Cộng hòa cũng là cơ hội để đảng này chỉ trích tình trạng thâm hụt ngân sách, thất nghiệp tăng cao và quản lý kinh tế yếu kém của chính quyền thuộc Đảng Dân chủ. Chủ tịch Ủy ban quốc gia Đảng Cộng hòa Reince Priebus nhấn mạnh: "Chúng tôi gửi thông điệp cho nước Mỹ: Bỏ phiếu cho Mitt Romney và Paul Ryan để họ làm cho nước Mỹ vận động trở lại". Nhưng "sự vận động trở lại" trong tương lai gần hay xa nào đó, hay việc ông Priebus cảnh báo "nếu bầu cho Tổng thống Obama thì có nghĩa là thêm 4 năm thất bại" cũng chỉ mới là lời nói, là cam kết chung chung nên ngay lúc này không thể lấy đi số phiếu ủng hộ dành cho nhà lãnh đạo đương nhiệm của nước Mỹ. Dù ông Romney được sự ủng hộ của cựu Tổng thống G.W.Bush, cựu Ngoại trưởng Condoleezza Rice, thượng nghị sĩ John McCain nhưng các cuộc thăm dò đều cho thấy, sự tín nhiệm đối với cựu Thống đốc bang Massachusetts vẫn đứng sau Tổng thống Obama. Gương mặt rắn rỏi, sự trẻ trung của Ryan cũng chưa xóa nhòa cái nhìn xa lạ, hoài nghi của công chúng khi cả Romney và Ryan đều được xem là ứng viên của giới nhà giàu, thuộc về tầng lớp 1% (nhà giàu) chứ không đứng về phía 99% (tầng lớp trung lưu và nghèo).

Paul Ryan vốn không được lòng cử tri tầng lớp trung lưu và nghèo.                                                                                              Ảnh: AP
Paul Ryan vốn không được lòng cử tri tầng lớp trung lưu và nghèo. Ảnh: AP

Điều dễ nhận thấy là "Kế hoạch Ryan" hướng đến giới thượng lưu nên không những Romney mà cả ông Ryan cũng không được lòng cử tri. Chính sách cắt giảm thuế của ông Ryan giúp những người giàu có thêm quyền lợi, trong khi 20% số nghèo nhất nước Mỹ có thể phải trả thêm khoảng 150 USD thuế/người vào năm 2015. Những người ủng hộ Romney vẫn không hiểu tại sao chiếc vé ứng viên Phó Tổng thống lại thuộc về Ryan. Thậm chí, họ xem đây là bước đi mạo hiểm của Đảng Cộng hòa và cá nhân ông Romney.

Đường đến Nhà Trắng đang gần lại với Romney và Ryan nhưng 2 vị chính khách này sẽ không dễ dàng chạm tay vào chiến thắng. Dù sao cũng phải chờ những động thái tiếp theo trong chiến dịch vận động tranh cử của Đảng Cộng hòa cùng cả những bước "phòng ngự" và "tấn công" của Đảng Dân chủ.

PHƯƠNG THẢO



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét