Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Cần sửa đổi Luật Cư trú


Các đại biểu tham dự Hội thảo rà soát thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý cư trú do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội thành phố Đà Nẵng (DISED) tổ chức vào sáng 29-8 đều thống nhất rằng, việc thực hiện các quy định của Luật Cư trú phải bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu quản lý của Nhà nước với sự tiện lợi cho người dân, như thế thì luật mới đi vào cuộc sống.

Giải quyết đăng ký thường trú cho người dân tại huyện Hòa Vang.                                                                                                                  Ảnh: SƠN TRUNG
Giải quyết đăng ký thường trú cho người dân tại huyện Hòa Vang. Ảnh: SƠN TRUNG

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) – Văn phòng Chính phủ và ông Hồ Kỳ Minh, Viện trưởng DISED đều cho rằng, để phục vụ việc quản lý, Nhà nước đã ban hành các TTHC với nhiều quy định chặt chẽ nhưng đôi khi chính những quy định quá chặt chẽ lại trở nên phức tạp, mang đến sự phiền hà cho người dân. Ngược lại, trong trường hợp TTHC quá đơn giản thì mặc dù mức độ thuận tiện của người dân khi thực hiện thủ tục tăng lên nhưng công tác quản lý lại gặp trở ngại. Vấn đề đặt ra là cần phải dung hòa, vừa bảo đảm công tác quản lý, vừa giúp người dân được hưởng lợi.

Nhiều bất cập trong quá trình triển khai thực hiện

DISED cho biết, từ khi triển khai Luật Cư trú (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2007) đến ngày 14-6-2012, thành phố Đà Nẵng có 217.666 hộ với 979.234 nhân khẩu; đã giải quyết thủ tục đăng ký thường trú cho 34.766 hộ với 144.103 nhân khẩu và đăng ký tạm trú cho 50.331 hộ với 392.246 nhân khẩu. Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc DISED thông qua khảo sát tình hình thực hiện các TTHC trong lĩnh vực quản lý cư trú tại 3 thành phố: Đà Nẵng, Hội An và Huế, sau 5 năm thực hiện Luật Cư trú, bên cạnh những cải tiến theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, các địa phương đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quản lý cư trú. Trong đó, khó khăn nhất chính là ý thức tự giác thực hiện đăng ký cư trú của người dân còn thấp. Ngoài ra, nhiều trường hợp thay đổi chỗ ở nhưng không đăng ký nơi chuyển đến và không cắt hộ khẩu ở nơi chuyển đi. Các cơ sở kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ không thực hiện thông báo lưu trú đầy đủ nhằm trốn thuế. Một số quy định về cư trú được đơn giản hóa theo hướng giảm các yêu cầu khai báo cho người dân khiến cơ quan chức năng gặp khó khăn. Việc quản lý cư trú mang tính sổ sách, chưa khắc phục được tình trạng số liệu ảo và do hạn chế về nguồn nhân lực nên công tác quản lý cư trú còn lỏng lẻo ở một số khu vực…

Nhóm nghiên cứu thuộc DISED cũng đề cập đến một số bất cập của Luật Cư trú như quy định cho phép đăng ký thường trú tại chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ nhưng không quy định diện tích tối thiểu bao nhiêu m2/người; Luật cho phép tách hộ nhưng nhiều trường hợp xin tách hộ chủ yếu để giải quyết nhu cầu tăng định mức tiêu thụ điện; thủ tục đăng ký tạm trú không yêu cầu người thực hiện nộp giấy tạm vắng, hay thông tin xác nhận nhân thân, lai lịch của địa phương nơi đăng ký thường trú và điều này gây khó khăn cho ngành Công an trong việc phát hiện các đối tượng bị truy nã…

Theo Thượng tá Nguyễn Ban, Phó trưởng Công an quận Hải Châu, Luật Cư trú cần sửa đổi một số nội dung đối với các thành phố lớn, cần phân định rạch ròi nơi cư trú hợp pháp và nhà ở hợp pháp, đồng thời chỉ với những người có nhà ở hợp pháp mới được đăng ký thường trú. Thượng tá Nguyễn Ban dẫn chứng: Trên địa bàn quận Hải Châu, số lượng học sinh, sinh viên đăng ký thường trú rất nhiều mặc dù họ chỉ ở nhà thuê, ở nhờ nhưng cơ quan chức năng không thể làm trái Khoản 1, Điều 20 Luật Cư trú và Khoản 4, Điều 1 Nghị định 56/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Thượng tá Nguyễn Ban cũng nói đến tình trạng tách hộ ảo nên một gia đình, cùng một địa chỉ nhưng có thể có đến 5-6 hộ. Đồng thời, vấn đề di chuyển ảo cũng được đặt ra, đẩy cái khó cho cơ quan quản lý, cụ thể là chạy hộ khẩu để con em được học những trường điểm tại các khu vực trung tâm.

Ông Chế Viết Sơn, Phó Giám đốc Sở Nội vụ thành phố, cho rằng Luật Cư trú đã được ban hành nhưng chưa chặt chẽ, chưa kín kẽ nên cần phải rà soát thực tiễn. "Cái gì thiếu thì phải bổ sung, cái gì không phù hợp thì đề xuất hủy hoặc thay đổi", ông Sơn nói. Song, ông Sơn không đồng ý việc quy định diện tích sàn tối thiểu/người (như quy định đối với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là 5m2/người) vì cho rằng, không có hình thức kiểm soát được yếu tố này.

Sớm áp dụng CNTT

Nhiều đại biểu đồng tình với kiến nghị của DISED rằng, cần sớm có phần mềm ứng dụng CNTT trong đăng ký quản lý cư trú, phục vụ công tác thu thập, cập nhật, quản lý và khai thác thông tin về cư trú cũng như thống kê, báo cáo kết quả thực hiện để có sự thống nhất trong cả nước. Thượng tá Nguyễn Đức Hùng, Phó Trưởng phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an thành phố cũng nói đến việc sớm xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử về cư trú sẽ phản ánh chính xác tình trạng cư trú của công dân. Đồng tình với ý kiến này, luật sư Huỳnh Ngọc Lộc và luật sư Trần Thiên Thanh nhấn mạnh: "Đây là vấn đề cấp bách, cần áp dụng nhanh tiến bộ của CNTT bởi lâu nay chúng ta cứ xem quản lý cư trú là việc bình thường nên thiếu đầu tư về con người, phương tiện…". Luật sư Huỳnh Ngọc Lộc kiến nghị làm sao để người dân có thể gửi hồ sơ qua mạng Internet, vừa tiết kiệm thời gian, vừa bảo đảm chính xác, vừa giảm chi phí. Đồng thời, ông nói rằng cần có cách làm và có bộ phận cung cấp thông tin trực tiếp đến người dân, giúp người dân thấy mình là đối tượng được hưởng lợi từ các TTHC.

Cũng theo Thượng tá Nguyễn Đức Hùng, để Luật Cư trú được thực hiện một cách nghiêm minh, đi vào cuộc sống, trước hết cần làm tốt công tác tuyên truyền, để mọi người dân, cơ quan, tổ chức thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình. "Bên cạnh biện pháp tuyên truyền, nên có chế tài xử phạt đối với những trường hợp làm mất sổ hộ khẩu nhiều lần, hạn chế trường hợp báo mất tràn lan, không đúng sự thật", ông Hùng nói.

TÚ PHƯƠNG



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét