Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Lan man nghĩ tiếp về ca khúc hay cho Đà Nẵng(*)


Trong bài viết đăng trên Trang Văn nghệ của báo nhà số ra gần đây, với tư cách một khán thính giả quan tâm và mong đợi ca khúc hay về Đà Nẵng, tôi đã lạm bàn về một vài lý do để Đà Nẵng chưa có nhiều tác phẩm có thể "đứng" được trong lòng công chúng thành phố và từ đó có thể vươn ra xa hơn. Trong những lý do ấy, theo ý tôi, yếu tố hàng đầu là cảm xúc của người sáng tạo vẫn chưa tới độ để có thể tạo ra một sản phẩm tinh thần thực sự làm thấu động tâm hồn người nghe.

         Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi cũng đã thử nêu một vài giải pháp, trong đó đề xuất phương thức nhằm quảng bá sâu rộng hơn nữa các ca khúc về Đà Nẵng – đó là nói về phía khách quan thuộc trách nhiệm nhà quản lý; còn về phía chủ quan, người nghệ sĩ sáng tạo cần tiếp tục đi sâu hơn nữa vào chiều sâu đời sống thành phố nhằm khai thác những tầng vỉa tinh thần còn tiềm ẩn trong con người, lịch sử, cảnh quan thiên nhiên, và cả nhịp sống năng động hiện nay của Đà Nẵng để tìm ra những giai điệu, những ca từ thực sự hòa nhập được với "điệu tâm hồn" quần chúng, khiến mỗi người có thể ngâm ngợi mỗi khi nghĩ về thành phố quê hương.

Lan man nghĩ tiếp về câu chuyện này cũng còn nhiều điều có thể bàn thêm. Một bài hát hay về Đà Nẵng tất nhiên phải là sản phẩm cá nhân, mang dấu ấn cá nhân, in đậm cá tính sáng tạo của một cá nhân nhạc sĩ cụ thể. Tuy nhiên, nó cũng đồng thời có thể là kết quả của sự "cộng hưởng" cảm xúc của nhiều chủ thể sáng tạo. Tôi muốn nói đến một vấn đề đã được nhiều người đề cập, đó là sự hợp tác trong quá trình sáng tạo ca khúc; cụ thể ở đây là sự phối hợp giữa người làm nhạc và người viết lời cho ca khúc. Trong quá trình phát triển của lịch sử âm nhạc, không ít nhạc sĩ đã rất thành công trong sự phối hợp này. Nói "phối hợp" không có nghĩa là người viết nhạc và người làm lời cứ phải cận kề nhau, đối diện nhau.

Nhiều khi nó là sự "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu". Những người sáng tạo trên các loại hình nghệ thuật khác nhau có thể đi tìm cảm hứng, tìm chất liệu sáng tác cho mình không chỉ từ bản thân đời sống trực tiếp mà có khi thông qua một chi tiết đời sống đã được nhào nặn qua lăng kính của một loại hình nghệ thuật khác. Nhạc sĩ có thể đi tìm cảm hứng thông qua một bài thơ hoàn chỉnh, hoặc có khi một đoạn, thậm chí một vài từ ngữ, hình ảnh trong một bài thơ, một đoạn văn và khiến nó thăng hoa bằng âm nhạc. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, một nhạc sĩ lão thành đã có nhiều thành công trong phổ thơ đã tâm sự: "Tôi cho rằng thơ phổ nhạc đạt đến mức độ cộng hưởng tâm hồn của nhạc sĩ và thi sĩ. Tìm thấy một bài thơ phù hợp, nhạc sĩ phổ nhạc và gửi gắm tâm trạng mình". Ông quan niệm rằng không cứ gặp một bài thơ có cùng đề tài là nhạc sĩ có thể phổ thành bài hát mà phải thật sự tri âm với bài thơ ấy, coi đó là cảm xúc của chính mình thì mới tạo thành tác phẩm âm nhạc đích thực và có sức truyền cảm. Ông đã thấu hiểu lao động sáng tạo cực nhọc của cả người làm thơ và người sáng tác âm nhạc, nên ông cho rằng: "Nhà thơ chắt chiu từng con chữ, nhạc sĩ chăm chút từng nốt nhạc sẽ cho ra một tác phẩm toàn vẹn và đầy đặn… Thơ và nhạc như cặp anh chị em song sinh, thơ một cánh, nhạc một cánh cho tác phẩm bay lên"(1).

Bên cạnh việc phổ thơ, phỏng thơ, một cách làm khác mang tính "kỹ thuật" nhiều hơn, đó là sự hợp tác song hành theo lối "làm việc nhóm" giữa nhạc sĩ và người hỗ trợ về ca từ. Trong quá trình sáng tạo, khi có được một câu nhạc đẹp, người nhạc sĩ viết cho nó một đoạn ca từ tương ứng. Với một nhạc sĩ tài hoa, những hình tượng văn học sẽ hòa điệu với hình tượng âm nhạc làm nên một câu hát hoàn hảo. Cũng có trường hợp, khi cần thiết, sự hợp tác với một nhà văn, nhà thơ, có thể gợi ý, giúp câu ca từ của nhạc sĩ gợi cảm thêm, thấm thía thêm, làm cho câu hát thêm bay bổng.

Nói lan man câu chuyện vừa rồi cốt để cùng nhau chia sẻ một nhận thức về phong cách làm việc nhằm tạo tác phẩm âm nhạc hay cho Đà Nẵng, đó là bên cạnh phương thức độc lực lao động sáng tạo thì phương thức hợp lực trong sáng tạo cũng giúp công chúng có được những tác phẩm hay hơn, hoàn thiện hơn. Thực tế cho thấy, việc thường xuyên đọc, thưởng thức tác phẩm của nhau – kể cả tác phẩm thuộc các loại hình nghệ thuật lân cận – là điều kiện cần cho sáng tạo. Hình như phương thức làm việc mang tính chủ quan đã làm cho người nghệ sĩ đôi khi không có thói quen hợp tác, thói quen đọc và nghe của nhau, điều đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến không khí sáng tác và chất lượng tác phẩm.

Con đường gian truân đi tìm ca khúc hay cho Đà Nẵng còn liên quan đến một nhân tố nằm ngoài âm nhạc nhưng lại có tác động rất quan trọng đối với quá trình sáng tạo của nghệ sĩ, đó là thái độ của công chúng đối với âm nhạc nói chung và ca khúc về Đà Nẵng nói riêng. Nói như ai đó cho rằng đối với những bài hát như Sông Hàn tình yêu của tôi của An Thuyên, hay Người Đà Nẵng của Nguyễn Thụy Kha… "thì ngay cả người Đà Nẵng cũng không mấy khi nghe đến", hoặc lời nhắn: "Nếu Đà Nẵng cứ mời nhạc sĩ về sáng tác, nhưng rồi tác phẩm, tâm sức của họ cứ bị bỏ lửng như thế, thì hỏi làm sao họ có đủ nhiệt tình để quay lại thành phố lần tiếp theo"(2)… thì theo tôi cũng hơi… "oan" cho các nhà tổ chức, quản lý sự kiện âm nhạc và cho công chúng Đà Nẵng. Nhưng nói rằng khán thính giả đã mặn mà với ca khúc Đà Nẵng thì cũng không đúng với thực trạng đời sống âm nhạc hiện nay.

Nhiều đêm diễn tại các sân khấu lớn của thành phố nhưng nếu không có sự góp mặt của các "sao", không các ca khúc được ưa chuộng theo mốt thời thượng hoặc những ca khúc mùi mẫn, thì không kéo khách đến đông đảo. Nếu đêm diễn chỉ có diễn viên của đoàn ca múa nhạc địa phương với các ca khúc về địa phương thì trừ vé mời để đáp ứng các sự kiện chính trị, rất ít khán giả tự nguyện bỏ tiền mua vé. Điều ấy thể hiện sự thiên lệch trong thị hiếu khán giả, nhưng đồng thời cũng là một rào cản để có thể đẩy nhanh tiến trình kích thích sáng tạo để có ca khúc hay về Đà Nẵng.

Dù sao thì hành trình đi tìm ca khúc hay cho Đà Nẵng vẫn cứ tiếp diễn không ngừng với sức vươn mạnh mẽ. Vẫn cần có những cuộc phát động để tạo khí thế phong trào, như gần đây nhất, vào ngày 15-8-2012 vừa qua, UBND thành phố đã họp báo chính thức phát động cuộc thi mới về sáng tác ca khúc đề tài thành phố Đà Nẵng. Ngay sau đó, ngày 22-8-2012, UBND thành phố lại có công văn chỉ đạo rất cụ thể về việc quảng bá, giới thiệu các bài hát về Đà Nẵng đã được sáng tác trong thời gian qua đến đông đảo người dân và du khách. Theo đó, Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng có trách nhiệm phối hợp với Hội Âm nhạc thành phố tiếp tục xây dựng chuyên mục để giới thiệu trên sóng phát thanh và truyền hình địa phương (phải chăng có thể có sự tham gia của các báo viết của thành phố nữa, đăng tải nhạc và lời một số bài chọn lọc? – TG).

Thêm nữa, thành phố cũng cho chủ trương tuyển chọn và phát các bài hát về Đà Nẵng trên hệ thống âm thanh các tuyến đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo và khu vực Công viên Biển Đông. Mặt khác, theo tôi, bên cạnh các cuộc thi và những hoạt động quảng bá, cũng rất cần lắng nghe, dõi theo những sáng tác thầm lặng của rất nhiều người tâm huyết đang hằng ngày tự đặt ra cho mình nhiệm vụ sáng tác những ca khúc góp vào tiếng nói chung xây dựng thành phố bằng đặc trưng nghệ thuật. Phải chăng tâm sự dưới đây của nhạc sĩ lão thành Phan Huỳnh Điểu với phóng viên Báo Đà Nẵng cũng là tiếng lòng của những người sáng tạo lặng thầm ấy: "Là người con của Đà Nẵng, tôi luôn cảm thấy mình mắc nợ một ca khúc để đời cho quê hương. Sắp tới, khi sức khỏe còn cho phép, nhất định tôi sẽ về Đà Nẵng sống ở Bà Nà, hay một làng quê của thành phố một thời gian, tiếp tục tìm niềm cảm hứng, tìm sự tình cờ tuyệt diệu trong âm nhạc"(3). Hy vọng không riêng người nhạc sĩ tài hoa, người con của Đà Nẵng mà nhiều nhạc sĩ của chúng ta sẽ tìm được sự tình-cờ-tuyệt-diệu ấy để Đà Nẵng tự hào có được một ca khúc của chính mình được cả nước biết đến.

Cuối cùng xin nói thêm điều này: Đây là chúng ta mới bàn về ca khúc thôi. Còn thì, một thành phố lớn và năng động với nhiều thiết chế văn hóa quy mô như Đà Nẵng rất cần những dàn nhạc lớn trình diễn những tác phẩm giao hưởng, những tác phẩm nhạc không lời để nâng cao thị hiếu công chúng. Nhưng đó là một "đại vấn đề", và đấy là phần việc của các chuyên gia âm nhạc.

BÙI CÔNG MINH


(*) Xem bài viết "Lan man nghĩ về việc tìm ca khúc hay cho Đà Nẵng", Báo Đà Nẵng số ra ngày
10-8-2012.
(1) "Tôi nguyện chắp cánh cho thơ bay lên" – Thanh niên số ra ngày 27-4-2006.
(2) Báo Đà Nẵng điện tử, Thứ năm, 31-5-2012.
(3) Như trên.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét