Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Phấn dũng tướng quân Nguyễn Liệu


Nguyễn Liệu sinh vào những năm đầu của thế kỷ XIX, người làng An Hòa, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc thôn Nam Sơn, xã Tam Hòa, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), làm quan Triều Nguyễn đến chức Phó Vệ úy thuộc Thủy sư Kinh kỳ với hàm Tòng Tam phẩm Võ giai.


 

Lúc còn trai trẻ, ông là người có sức khỏe dẻo dai, lại rất giỏi trong việc bơi lội. Ông tòng quân, phục vụ trong quân đội Triều Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng và lập được nhiều chiến công… Theo sắc phong triều đình ban cho ông vào ngày 20 tháng 3 năm Thiệu Trị thứ bảy (1847) thì ông đã từng được phong chức Phòng Thủ úy, bổ sung cho Thủy binh các tỉnh quản lý để bổ dụng. Sau đó Bộ Binh đề nghị bổ dụng ông, chuẩn cho thăng thụ Phòng Thủ úy, sung vào Trung thủy Vệ Thủy sư tỉnh Nam Định, để dẫn dắt binh lính trong vệ. Do có kinh nghiệm trong công việc, có tài thao lược và giỏi về vấn đề sông nước nên triều đình đã sắc phong cho ông giữ chức Cai đội (hàm Chánh Ngũ phẩm Võ giai) thuộc Thủy sư Kinh kỳ. Sau đó ông lại được thăng lên chức Quản cơ hữu dinh thuộc Thủy sư Kinh kỳ, hàm Chánh Tứ phẩm Võ Giai, được cáo thụ là Minh nghĩa Đô úy.

Đến năm Canh Thân (1860), trong sắc phong ngày 26 tháng 9 năm Tự Đức thứ mười ba, xét thấy Quản cơ Nguyễn Liệu "Nơi giao tranh vũ nghệ siêu quần, vất vả theo phò súy phủ;/ Chốn trường nhung quân vụ quyết đoán, ra sức huấn luyện sư đồ./ Thủy chung giữ tiết;/ Sau trước chăm lo./ Thật có tài điều khiển", vua đã đặc biệt thăng thụ ông là Phấn dũng Tướng quân Phó Vệ úy Vệ Tứ hữu dinh Thủy sư Kinh kỳ. Việc tưởng thưởng này nhằm khuyến khích ông thêm "Hết lòng dạ lo việc quân chẳng nề gian khổ./ Tạo nanh vuốt cho vương thất đáp lòng ký thác./ Mãi được tiếng khen – Chiếm nhiều công trạng".

Theo quy chế quân đội Triều Nguyễn, một vệ (gồm 500 lính), chức vụ Phó Vệ úy Vệ Thủy sư Kinh kỳ là một viên tướng chỉ huy thủy binh của nhà Nguyễn hàm Tòng Tam phẩm Võ giai. Dưới thời nhà Nguyễn thì Thủy sư kinh kỳ là một đơn vị lớn về thủy quân bảo vệ kinh đô Huế, do một Đô thống chỉ huy.

Cần phải nhắc lại rằng vào giai đoạn lịch sử đó, Triều Nguyễn rất coi trọng thủy binh. Các đời vua quan tâm xây dựng, huấn luyện và trang bị cho binh chủng này. Tại kinh đô Huế có 6 vệ thủy binh và Thủy sư Kinh kỳ do ông Nguyễn Liệu chỉ huy là một đơn vị rất quan trọng đối với việc phòng thủ và bảo vệ kinh đô. Trong kế hoạch phòng thủ đó, lực lượng thủy binh đóng vai trò rất quan trọng trên tuyến đường sông, đường biển. Do có vị trí hiểm yếu ở gần kinh đô nên hệ thống phòng thủ cửa Thuận An và sông Hương được triều đình Huế cho xây dựng tương đối hoàn chỉnh và kiên cố trên một diện rộng mang tính phòng ngự liên hoàn, có thể chủ động chống đỡ những cuộc tấn công bất ngờ của thực dân Pháp.
Trong trận chiến với thực dân Pháp vào năm 1883, ông đã chỉ huy vệ Thủy binh chiến đấu ngoan cường trên tuyến phòng thủ Thuận An, cầm chân giặc được 3 ngày, góp vào thắng lợi chung của triều đình Huế, tạo được thế chủ động chống đỡ những cuộc tấn công bất ngờ của giặc vào thời gian đầu cuộc chiến chống Pháp xâm lược. Trận này, Picard Destelan – chỉ huy chiến hạm Vipère của Pháp ở Thuận An cũng phải thừa nhận: "Vai trò của tuyến phòng thủ ở Thuận An là rất mạnh, nhưng nếu đại bác của Triều đình nhà Nguyễn lúc đó tốt hơn, bắn mục tiêu chính xác thì cuộc đánh chiếm Thuận An của người Pháp khó có cơ hội thành công".

Điều đó cho thấy lực lượng Thủy binh Kinh kỳ cũng như các cơ đội Thủy binh ở hải khẩu Thuận An đã dũng cảm chiến đấu cầm chân được thực dân Pháp trong điều kiện vũ khí hết sức thô sơ, phải đối đầu với vũ khí hiện đại của thực dân thời bấy giờ. Trận chiến này làm cho quân Pháp phải chịu ít nhiều tổn thất và đã làm thất bại mưu đồ "đánh nhanh, thắng nhanh" trong cuộc đánh chiếm kinh đô Huế của thực dân Pháp. Mặc dù không giữ được kinh đô Huế và đất nước Việt Nam trước sự xâm lược của thực dân Pháp, nhưng công sức đóng góp của lực lượng Thủy binh nói riêng và quân đội Triều Nguyễn nói chung ở giai đoạn đầu thế kỷ XIX mãi mãi được lịch sử ghi nhận.

Nguyễn Liệu là một võ quan hàm Tòng Tam phẩm – một chức quan đứng hàng thứ 3 trong Cửu giai. Đối với quy chế của Nhà Nguyễn, quan lại từ Tứ phẩm trở lên thuộc hàng đường quan được hưởng những ưu đãi của Triều đình, khi chết được ban thụy hiệu.

Mộ Nguyễn Liệu hiện nay tọa lạc trên một gò đất thấp, xung quanh cây cối xanh tươi bao phủ thuộc thôn Nam Sơn, xã Tam Hòa, huyện Núi Thành. Mộ ông hiện nay vẫn còn là mộ đất, phía trên trước mộ có tấm bia đá, chiều dài 60cm và rộng 40cm (ảnh trên).

MAI HỒNG LÂM



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét