Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Cấp bách đổi mới giáo dục


Đề án "Đổi mới giáo dục căn bản và toàn diện" do Bộ GD-ĐT và Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng để trình Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khóa XI đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Đã có rất nhiều hội thảo, tọa đàm cấp quốc gia và nhiều hiến kế cho nền giáo dục nước nhà. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, đổi mới giáo dục một cách căn bản và toàn diện là vấn đề cấp bách.

Những vấn đề nổi cộm của giáo dục bao gồm chương trình học nặng nề; nội dung kiến thức dàn trải, bố trí không hợp lý; thi cử nặng nề làm cả giáo viên lẫn học sinh vất vả. Trong khi đó, chế độ đãi ngộ cho cán bộ, giáo viên còn quá thấp; nhà trường không có đủ thời gian để giáo dục đạo đức cho học sinh…

Giờ học Vật lý tại Trường THPT Trần Phú.
Giờ học Vật lý tại Trường THPT Trần Phú.

Chương trình học nặng và bất hợp lý

Thực hiện yêu cầu góp ý về những nội dung đổi mới giáo dục do Ban giám hiệu tổ chức, vừa qua, nhiều giáo viên có kinh nghiệm, dạy học lâu năm ở Trường tiểu học Phù Đổng (quận Hải Châu) đã không ngần ngại phân tích những bất hợp lý trong chương trình giáo dục tiểu học hiện nay.

Theo ý kiến của các giáo viên, trong một tiết học, ngoài việc cung cấp cho học sinh kiến thức trọng tâm của bài học, họ còn phải lồng ghép ít nhất 2, nhiều nhất là 4 nội dung: Giáo dục môi trường, tiết kiệm năng lượng, phòng tránh tai nạn thương tích, giáo dục kỹ năng sống. Nhưng việc cung cấp kiến thức như thế chỉ máy móc, mang tính hình thức, hiệu quả giáo dục không cao. Chương trình học bậc tiểu học nặng về lý thuyết, ít thời gian thực hành, luyện tập. Một số bài học, bài tập thực hành có yêu cầu cao và khó so với giới hạn thời gian của tiết học và mức độ nhận thức của học sinh tiểu học (chẳng hạn như bài Lập danh sách học sinh – Lớp 2).

Đáng chú ý, trong chương trình còn có nhiều tiết học có nội dung, bài tập dài, không thể chuyển tải trong thời gian một tiết học 40 phút. Chẳng hạn, ở lớp 1, phần tập viết từ tuần thứ 25 có nội dung quá nhiều trong mỗi tiết dạy nhưng không được điều chỉnh hợp lý. Môn Lịch sử lớp 4, lớp 5, mỗi sự kiện lịch sử, nhân vật được giới thiệu khô khan. Vì vậy, nên gắn với một câu chuyện lịch sử để học sinh dễ nhớ. Về sách giáo khoa (SGK), đa số giáo viên nhà trường đều có cùng nhận xét vẫn còn nhiều bất cập, thiếu khoa học. Cụ thể, các văn bản, dữ liệu trong sách chưa phù hợp với tâm sinh lý, lứa tuổi học sinh. Sách Toán nên thiết kế thành 2 tập nhẹ nhàng hơn cho học sinh khi mang đến trường. Vở bài tập Đạo đức thiếu tranh ảnh màu, tạo tâm lý nhàm chán đối với học sinh.

Bà Trương Thị Nhã Trúc, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Phù Đổng cho rằng, chương trình giáo dục tiểu học hiện nay quá ôm đồm, gây khó khăn cho cả học sinh lẫn giáo viên. Nội dung các bài học nặng về lý thuyết, thiếu thực hành. Để chương trình giáo dục tiểu học đạt hiệu quả, cần sớm điều chỉnh chương trình theo hướng tinh gọn, tăng thời lượng thực hành đối với học sinh.

Ở bậc THPT, nhiều môn học hiện nay được giáo viên đánh giá có nội dung chưa súc tích, dàn trải, thiếu khoa học, nhất là các môn khoa học xã hội. Ông Lê Hường, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, giáo viên môn Địa lý cho biết, chương trình học môn Địa lý hiện còn nhiều bất cập, nội dung bài học sắp xếp chưa khoa học, chưa hợp lý, gây khó khăn cho người dạy và người học. Chẳng hạn, chương trình Địa lý lớp 12, lẽ ra bài Việt Nam đổi mới và hội nhập đưa vào phần kinh tế – xã hội, thì lại được bố trí ngay phần đầu chương trình ở phần tự nhiên. Còn ở phần tự nhiên, bài tập thực hành, câu hỏi liên quan đến Atlat thiếu, học sinh ít có cơ hội làm bài tập, khó khắc họa sâu kiến thức. Còn phần địa lý kinh tế – xã hội cũng thiếu các câu hỏi vận dụng, so sánh giữa các vùng, không kích thích học sinh động não, tư duy so sánh, phân tích.

Không chỉ vậy, chương trình Địa lý lớp 12 còn có nội dung chương trình học thừa, không đáng có, lẽ ra nên bố trí vào dạy ở chương trình cao hơn. Ông Lê Hường dẫn chứng, ở phần tự nhiên, bài Lịch sử hình thành và phát triển lãnh thổ, thì nên dành cho bậc học ĐH, CĐ. Bởi lẽ, ở bậc THPT, nội dung kiến thức bài này quá nặng, làm mất nhiều thời gian, học sinh khó tiếp thu và giáo viên cũng mất công.

Không đủ thời gian dạy đạo đức

Ngoài những nội dung về chương trình giáo dục phổ thông tồn tại nhiều bất cập, rườm rà như hiện nay, chế độ chính sách, vấn đề thời lượng giáo dục đạo đức trong nhà trường cũng được nhiều cán bộ, giáo viên ngành GD-ĐT hết sức quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần sớm có những cải cách, đổi mới về GD-ĐT. Trong đó, một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu là có chính sách bảo đảm đời sống cho cán bộ, giáo viên để họ có cuộc sống ổn định, yên tâm công tác. So với các ngành, nghề khác trong xã hội, mức lương của giáo viên hiện vẫn thấp.

Theo ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT, thời gian gần đây, góp ý về cải cách, đổi mới căn bản giáo dục, có một số ý kiến cho rằng nên rút ngắn thời gian đào tạo bậc phổ thông, chứ không thực hiện 12 năm như hiện nay. Về vấn đề này, ông Chinh cho rằng, việc dạy học trong 12 năm hoặc ngắn hơn một ít thời gian không quan trọng lắm. Điều quan trọng là cần đổi mới nội dung chương trình giáo dục hiện nay. Theo đó, nội dung SGK nên được biên soạn theo hướng tinh gọn, có tính liên thông. Bởi lẽ, hiện nay trong SGK có một số môn nội dung bài học bị lặp lại một cách không cần thiết; học sinh ở lớp dưới đã học, lên lớp cao hơn lại tiếp tục học chương trình đã học trước đó. Còn chương trình học thì dàn trải, chiếm nhiều thời lượng, khiến các trường phổ thông thiếu thời gian quan tâm giáo dục đạo đức, rèn luyện nhân cách cho học sinh.

Cũng theo ông Lê Trung Chinh, một vấn đề nữa không kém phần quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự sống còn của chất lượng giáo dục, đó là quan tâm hơn nữa về chế độ đối với đội ngũ nhà giáo. Chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo như hiện nay quá thấp, khiến nhà giáo chưa thể an tâm công tác, cống hiến sức mình cho sự nghiệp giáo dục. Ở góc độ đào tạo, Nhà nước chú trọng về chất lượng đào tạo sinh viên sư phạm ở các trường ĐH Sư phạm hiện nay. Trong đó, chương trình đào tạo cần chú trọng nhiều hơn đến các nội dung về đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức, quản lý lớp học, nắm bắt tâm lý lứa tuổi học sinh, tăng cường thời gian thực tập cho sinh viên nhằm giúp họ khi ra trường không bị lúng túng trong việc áp dụng lý thuyết vào thực tiễn. Bên cạnh đó, đề ra nhiều chính sách, chế độ đãi ngộ xứng đáng thu hút người giỏi vào học ở các trường Sư phạm. Khi có thầy giỏi thì mới có trò giỏi được. Trong công tác tuyển dụng giáo viên cho ngành GD-ĐT, không nên tuyển sinh viên tốt nghiệp các hệ đào tạo cử nhân (có kèm chứng chỉ nghiệp vụ Sư phạm), vì chương trình ở hệ đào tạo này khác hẳn với hệ đào tạo Sư phạm, nên không bảo đảm chất lượng.

"Giáo dục lâu nay vẫn được xem là quốc sách hàng đầu, thế nhưng việc đầu tư điều kiện cơ sở vật chất, lẫn con người ở nhiều nơi vẫn còn khiêm tốn, lạc hậu. Việc phân cấp, phân quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục dù đã thực hiện nhưng vẫn chưa mạnh mẽ", ông Lê Trung Chinh nhìn nhận.

 (Còn nữa)

PHƯƠNG CHI
 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét