Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Tiếp xúc cử tri, lấy ý kiến góp ý dự thảo luật


Ngày 12-10, Đoàn  đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Đà Nẵng gồm các đại biểu: Huỳnh Nghĩa, Nguyễn Thị Kim Thúy, Thân Đức Nam có buổi tiếp xúc với cử tri là cán bộ làm công tác Mặt trận trên địa bàn thành phố. Tại buổi tiếp xúc, ĐBQH Thân Đức Nam đã báo cáo với cử tri các nội dung chính tại kỳ họp thứ 4, QH khóa XIII, gồm: Xem xét báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2012; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013; xem xét báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng; các báo cáo của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; báo cáo về công tác thi hành án; công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét, thông qua 4 Nghị quyết, 9 dự án luật và cho ý kiến 9 dự án luật.

Đồng chí Huỳnh Nghĩa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG
Đồng chí Huỳnh Nghĩa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: ĐOÀN LƯƠNG

Về hoạt động của Đoàn ĐBQH thành phố từ sau kỳ họp thứ ba, QH khóa XIII đến nay, báo cáo cho biết: Đoàn đã tiếp 45 lượt công dân, nhận 100 đơn, thư của công dân, đã xử lý 100% số đơn thư nhận được; đã hướng dẫn 8 đơn, trả lời cho công dân 7 đơn, lưu tại Đoàn 3 đơn. Để chuẩn bị nội dung kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, ĐBQH thành phố đã tổ chức và phối hợp với các ngành liên quan tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến góp ý các dự án Luật và tiếp thu, tổng hợp các ý kiến góp ý gửi đến Ủy ban Thường vụ QH.  Đoàn ĐBQH thành phố đã tham gia nhiều Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH về giám sát tại Đà Nẵng, đồng thời trực tiếp tổ chức giám sát các chuyên đề: Tình hình quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội, việc thực hiện pháp luật về thi hành án dân sự; về thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường; về tình hình cung ứng điện và việc tiết kiệm điện trên địa bàn thành phố…

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đã phát biểu nhiều ý kiến cho rằng những khó khăn về kinh tế-xã hội và đời sống của người dân trong thời gian qua phải chăng có một phần nguyên nhân do sự điều hành, ứng phó của Chính phủ chưa nhạy bén, chưa kịp thời, chưa đồng bộ. Các đại biểu cũng lo lắng về tình hình bội chi ngân sách, về các ngân hàng bị thâu tóm, chi phối, về nợ xấu ngân hàng, về quản lý xăng dầu, vàng; về tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản bừa bãi, cạn kiệt. Các đại biểu mong muốn kỳ họp lần này của QH sẽ mổ xẻ, làm rõ các nguyên nhân yếu kém với tinh thần thẳng thắn, cởi mở, trung thực và đề ra các biện pháp xử lý phù hợp, hiệu quả mang lại lợi ích thiết thân cho người dân. Về vấn đề xây dựng luật, ý kiến các đại biểu đề nghị QH ban hành luật cần sát với thực tế và phải đi vào đời sống của người dân, tránh tình trạng luật mới ban hành vài năm đã phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung. Các đại biểu cũng đề nghị xem xét trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra các tình hình như kinh doanh vàng miếng có thể quay trở lại chế độ độc quyền khi giao cho một đơn vị là SJC chế tác và cung ứng; việc xây dựng thủy điện tàn phá tài nguyên môi trường ở một số địa phương và đề nghị phải nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, có chương trình giám sát về bảo vệ tài nguyên, khoáng sản như than, bauxite và bảo vệ cuộc sống của người dân ở vùng hạ lưu các công trình thủy điện…

Đoàn ĐBQH thành phố cũng dành thời gian nghe và trả lời các vấn đề cử tri quan tâm trong phạm vi thẩm quyền, đồng thời ghi nhận, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị khác của cử tri để kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền thành phố, quận, huyện xem xét, giải quyết.

S.T

Sáng 13-10, Phó Trưởng đoàn đại biểu QH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa chủ trì hội nghị lấy ý kiến chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Khoa học và công nghệ (KHCN) (sửa đổi)

Sau 12 năm Luật KHCN được ban hành, Việt Nam có điều kiện pháp lý để chủ động hội nhập với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách hiện hành vẫn chưa tạo điều kiện thuận lợi để vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội do quá trình hội nhập đem lại; việc áp dụng phương pháp, quy trình, chuẩn mực quốc tế trong hoạt động đổi mới sáng tạo công nghệ và nghiên cứu phát triển còn hạn chế; chưa tận dụng được nguồn công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của thế giới, chưa thu hút được nguồn vốn của nước ngoài và chuyên gia giỏi của các nước phát triển… Vì vậy, dự án Luật KHCN sửa đổi lần này nhằm tạo ra sự thống nhất, đồng bộ của các văn bản pháp luật về KHCN; bảo đảm tính phù hợp cả về nội dung cũng như hình thức văn bản, và được cập nhật để đáp ứng quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế.

Dự thảo Luật KHCN (sửa đổi) gồm 80 điều được chia thành 8 chương (bỏ 17/59 điều, sửa đổi 42/59 điều của Luật KHCN hiện hành, đồng thời bổ sung 38 điều mới). Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá cao những đổi mới trong dự thảo luật như việc đề cập đến vai trò quản lý của Nhà nước về phân bổ ngân sách đầu tư phát triển KHCN, quyền sở hữu trí tuệ và nhấn mạnh đến các kết quả nghiên cứu và nghiệm thu… Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến việc quy định mức đầu tư tối thiểu từ ngân sách Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về KHCN trong việc quản lý, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả kinh phí của Nhà nước dành cho KHCN; việc áp dụng chế độ khoán chi đối với nhiệm vụ KHCN; vấn đề nhiệm vụ KHCN có sử dụng ngân sách Nhà nước được cấp, sử dụng kinh phí thông qua các quỹ của Nhà nước trong lĩnh vực KHCN hoặc theo cơ chế tài chính áp dụng đối với quỹ trong lĩnh vực KHCN…

Chiều cùng ngày, Đoàn đại biểu QH thành phố Đà Nẵng tiếp tục tổ chức hội nghị lấy ý kiến chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Phòng, chống khủng bố.

Trong những năm qua, đặc biệt là sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001 tại Mỹ, tình hình khủng bố quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp và lan rộng ra khắp các châu lục, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và gây hậu quả nặng nề cho nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, mặc dù chưa xảy ra vụ khủng bố nào do các tổ chức khủng bố quốc tế gây ra nhưng từ năm 2000 đến nay đã có 4 vụ khủng bố do đối tượng phản động lưu vong người Việt cấu kết với các đối tượng phản động, đối tượng hình sự khác trong nước thực hiện được phát hiện, điều tra, xử lý. Việc ban hành Luật Phòng, chống khủng bố là yêu cầu khách quan, cấp bách, xuất phát từ yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.

Dự thảo Luật Phòng, chống khủng bố trình Quốc hội cho ý kiến gồm 8 chương, 57 điều. Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung liên quan về tên gọi, bố cục của dự thảo luật; khái niệm khủng bố; nguyên tắc phòng, chống khủng bố; ban chỉ đạo phòng, chống khủng bố; lực lượng chuyên trách thực hiện chống khủng bố; trách nhiệm, quyền hạn của người chỉ huy chống khủng bố; biện pháp phòng ngừa khủng bố; hợp tác quốc tế… Một số đại biểu đề nghị không nên thành lập lực lượng chuyên trách thực hiện chống khủng bố mà giao thêm nhiệm vụ và huấn luyện kỹ lưỡng cho các lực lượng chủ chốt sẵn có như các lực lượng an ninh, tình báo, tác chiến, cảnh sát cơ động, đặc nhiệm… để sẵn sàng phối hợp làm nhiệm vụ khi có khủng bố xảy ra. Các đại biểu đề nghị cần xem lại thẩm quyền điều động dân quân tự vệ khi tham gia phòng, chống khủng bố để tránh mâu thuẫn với Luật Dân quân tự vệ… Các đại biểu cũng đề nghị sửa đổi một số từ ngữ, câu chữ cho phù hợp để luật được chính xác và mang tính pháp lý cao.

ĐOÀN LƯƠNG



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét