Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Tiếp nối truyền thống công tác dân vận


Cách đây 82 năm, từ ngày 14 đến 31-10-1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất đã ra Nghị quyết về việc thành lập các ban chuyên môn về các giới và về vận động các giai cấp, các tầng lớp nhân dân. Đây là những tổ chức tiền thân, ghi dấu ngày ra đời công tác dân vận của Đảng.

Xuất phát từ thực tế lịch sử có ý nghĩa chính trị đó, Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 15-10, một trong những ngày diễn ra Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất, cũng là ngày bài báo "Dân vận" của Bác Hồ đăng trên Báo Sự thật ngày 15-10-1949 làm "Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng". Nhân kỷ niệm 50 năm ngày bài báo "Dân vận" của Bác ra đời, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã quyết định lấy ngày 15-10 hằng năm là "Ngày Dân vận của cả nước".

Đồng chí Trần Thọ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy dự lễ  ký  giao ước hỗ trợ xây dựng chương trình nông thôn mới tại huyện Hòa Vang.                                                                                                                      Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng chí Trần Thọ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy dự lễ ký giao ước hỗ trợ xây dựng chương trình nông thôn mới tại huyện Hòa Vang. Ảnh: VIỆT DŨNG

82 năm qua, gắn liền với những chặng đường vẻ vang của Đảng, công tác dân vận đã góp phần quan trọng trong việc vận động, đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh to lớn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang, thành phố Đà Nẵng đã có nhiều hình thức, phương pháp dân vận phù hợp, sáng tạo, góp phần khơi dậy và phát huy được vai trò, khả năng của các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Sau hơn 35 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt là hơn 15 năm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, thành phố Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Tiến trình đô thị hóa được đẩy mạnh, diện mạo thành phố hiện đại ngày càng rõ nét. Các chính sách an sinh xã hội và các chương trình "thành phố 5 không", "thành phố 3 có" đạt kết quả tích cực, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội và các tầng lớp nhân dân thành phố. Việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở được chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc ở các loại hình cơ sở; hai hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện được áp dụng rộng rãi, đã đem lại hiệu quả tích cực. Thành phố đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình hành động về xây dựng giai cấp công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức, thanh niên, công tác dân tộc, tôn giáo… gắn với việc cụ thể hóa, đưa chủ trương, chính sách của Đảng đi vào cuộc sống. Lãnh đạo thành phố thường xuyên tổ chức tiếp xúc, đối thoại với các giới, các ngành để nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; tôn trọng quyền làm chủ và quyền dân chủ của nhân dân; tính chủ động, sáng tạo và tính tích cực của nhân dân được phát huy; đồng thuận xã hội và khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và tăng cường. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị được củng cố, thu hút ngày càng đông quần chúng vào tổ chức. Phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua "Dân vận khéo" đã tạo chuyển biến về nhận thức cho cán bộ, đảng viên cũng như nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị đối với công tác dân vận của Đảng. Kết quả đó đã tạo nên mối quan hệ đáng quý và đáng trân trọng ở Đà Nẵng là: "Đảng nói – dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động – dân theo; Chính quyền làm – dân ủng hộ". Đạt được những thành tựu quan trọng, tạo được sự đồng thuận ngày càng rộng rãi và sâu sắc của các tầng lớp nhân dân, đem lại những thành quả to lớn trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố như ngày nay, vấn đề có ý nghĩa quan trọng có tính quyết định là cả hệ thống chính trị của thành phố đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành với công tác vận động quần chúng, làm cho nhân dân Đà Nẵng nhận thức sâu sắc rằng: Xây dựng và phát triển thành phố là trách nhiệm của nhân dân và vì cuộc sống của nhân dân.

Trong quá trình lãnh đạo xây dựng thành phố, Thành ủy đã chăm lo củng cố tổ chức đội ngũ cán bộ dân vận các cấp từ thành phố đến phường, xã, tạo điều kiện thuận lợi để hệ thống các cơ quan vận động quần chúng làm việc có hiệu quả; đồng thời thường xuyên tuyên truyền giáo dục đội ngũ cán bộ của cả hệ thống chính trị, nhất là cán bộ của các cơ quan, đơn vị thường xuyên tiếp xúc, quan hệ với dân, trực tiếp giải quyết những yêu cầu hợp pháp về mọi mặt trong đời sống hằng ngày của người dân; chống các hành vi quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, thiếu trách nhiệm, cửa quyền, nhũng nhiễu, hách dịch đối với nhân dân trong cán bộ, công chức các cấp. Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị trên địa bàn thành phố đã thể hiện rõ việc thực hiện và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận. Đây thực sự là cơ sở quan trọng, là "cẩm nang" chỉ dẫn một cách đầy đủ, sâu sắc về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp, đề cao tính hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị trong tình hình mới.

Năm 2012 cũng là năm hệ thống dân vận trong toàn thành phố tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình thông qua thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tư (Khóa XI). Việc tổ chức quán triệt nghị quyết, tham gia góp ý xây dựng Đảng đã khẳng định ý thức chính trị, trách nhiệm cao của Mặt trận và các đoàn thể đối với công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng; thể hiện niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, sự đồng thuận giữa ý Đảng, lòng dân cùng nhau xây dựng thành phố ngày càng giàu mạnh.

VÕ NGỌC ĐỒNG



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét