Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Campuchia thương tiếc cựu Quốc vương Sihanouk


Người dân Campuchia bày tỏ sự thương tiếc cựu Quốc vương Norodom Sihanouk khi ông từ trần vào ngày 15-10 tại một bệnh viện ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, thọ 89 tuổi.

Tháng 10-2004, Quốc vương Norodom Sihanouk (trái) trao quyền kế nhiệm cho con trai của ông là Norodom Sihamoni.                                                            Ảnh: AP
Tháng 10-2004, Quốc vương Norodom Sihanouk (trái) trao quyền kế nhiệm cho con trai của ông là Norodom Sihamoni. Ảnh: AP

Cựu Quốc vương Norodom Sihanouk là nhân vật được tôn kính bậc nhất trên chính trường Campuchia trong 70 năm qua. Hãng Reuters dẫn lời Phó Thủ tướng Campuchia Nhik Bun Chhay xác nhận việc cựu Quốc vương từ trần vì "nguyên nhân tự nhiên". Song, theo Reuters, trợ lý thân cận của ông, Hoàng thân Sisowath Thomico, xác nhận ông qua đời vì bệnh tim.

Nhiều năm nay, tình trạng sức khỏe của ông Sihanouk không tốt. Ngay trong sáng 15-10, Quốc vương Norodom Shihamoni bay đến Bắc Kinh để đưa thi thể của cha mình về Campuchia an táng theo nghi lễ truyền thống. Cùng đi với ông Shihamoni còn có Thủ tướng Hun Sen.

Dù cuộc đời nhiều thăng trầm, từng sống lưu vong tại Trung Quốc nhưng cựu Quốc vương vẫn được nhiều người dân yêu mến và có nhiều ảnh hưởng ở Campuchia. Trên khắp đất nước Đông Nam Á có 14 triệu dân này, chân dung của ông được đặt trang trọng tại nhiều tòa nhà công cộng và nhà dân. Khi nghe tin ông từ trần, nhiều người dân Campuchia đã bày tỏ tiếc thương. Trên khắp đất nước Campuchia, quốc kỳ được treo rủ. Thủ đô Phnom Penh bao phủ không khí yên tĩnh mặc dù đây là ngày thứ hai diễn ra lễ hội Pchum Ben, một lễ hội cấp quốc gia.

Trợ lý thân cận của ông Sihanouk, Hoàng thân Sisowath Thomico, nói rằng việc cựu Quốc vương qua đời là mất mát lớn đối với Campuchia. "Cựu Quốc vương Sihanouk không thuộc về gia đình của ông mà thuộc về Campuchia và lịch sử", Hoàng thân Thomico nói.

Trước đó, vào tháng 1-2012, cựu Quốc vương Sihanouk có ý nguyện được hỏa táng theo nghi thức Phật giáo và theo truyền thống của Campuchia. Ông phải chống chọi với đủ bệnh: ung thư, tiểu đường, bệnh tim nên đến Trung Quốc để chữa trị.

Sihanouk đã chứng kiến những đổi thay của Campuchia qua từng giai đoạn lịch sử, từ chế độ thuộc địa đến những cuộc lật đổ, chiến tranh, nạn diệt chủng và cuối cùng là hòa bình.

Sinh vào tháng 10-1922, Sihanouk là con trai cả của Quốc vương Norodom Suramarit và Hoàng hậu Kossamak. Ông Sihanouk trải qua thời thơ ấu trong gia đình hoàng tộc khi Campuchia là thuộc địa của Pháp. Ông theo học các trường của Pháp ở Sài Gòn (tức thành phố Hồ Chí Minh – Việt Nam) và Paris (Pháp). Năm 1941, lúc 18 tuổi, ông được Pháp chọn lên ngai vàng và sau đó lãnh đạo người Campuchia đấu tranh giành độc lập vào năm 1953.

Hai năm sau đó, ông trao ngôi vị cho cha của mình là Norodom Suramarit và làm Thủ tướng.

Cựu Quốc vương Sihanouk kết hôn ít nhất 5 lần (một số nguồn tin cho biết ông kết hôn ít nhất 6 lần) và có 14 người con. Tuy nhiên, cũng như bao người khác ở Campuchia, ông không thoát khỏi bi kịch dưới chế độ Khmer Đỏ khi mất 5 người con và 14 người cháu. Khi Khmer Đỏ lên nắm quyền vào năm 1975, ông sang Trung Quốc sống lưu vong, năm 1976 trở về nước thì bị bắt giữ. Với sự can thiệp của Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, ông mới thoát án tử hình và chịu sự quản thúc cho đến khi Pol Pot bị lật đổ 3 năm sau đó.

Giai đoạn 1979-1991, ông Sihanouk rời Campuchia rồi trở về lãnh đạo nền cộng hòa mới. Năm 1993, khi Campuchia tổ chức bầu cử Quốc hội đầu tiên, quyền lực nhà vua được khôi phục và quốc gia Đông Nam Á này trở thành nhà nước quân chủ lập hiến.

Tháng 9-1993, Sihanouk lại lên ngôi Quốc vương Campuchia. Cuộc đấu tranh quyền lực giữa Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) với Đảng bảo hoàng FUNCINPEC của con trai ông là Norodom Ranariddh kéo dài suốt 5 năm. Khi đứng trước nguy cơ nội chiến, ông mới can thiệp, buộc Ranariddh chấp nhận liên minh với Hun Sen.

Ông thoái vị lần hai vào năm 2004 vì lý do sức khỏe và truyền ngôi cho con trai là Norodom Shihamoni. Sau khi thoái vị, ông Sihanouk chủ yếu ở nước ngoài, cụ thể là ở Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.

Cuối năm 2011, sau một kỳ nghỉ kéo dài ở Trung Quốc trở về, ông Sihanouk tuyên bố sẽ không bao giờ rời khỏi quê nhà nữa. Nhưng chỉ vài tháng sau đó, ông lại đến Bắc Kinh để điều trị bệnh.

THIÊN BÌNH



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét